
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
tháng 10 và 10 tháng năm 2018
I. LĨNH VỰC KINH TẾ
1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
* Trồng trọt: Ước tính diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa năm 2018 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (tính đến ngày 15/10/2018) ước đạt 3.724 ha, bằng 95% so với cùng kỳ, giảm 195 ha. Trong đó, diện tích lúa mùa ước đạt 2.431 ha, tăng 0,85%; diện tích các loại cây hàng năm khác ước đạt 1.295 ha, giảm 215 ha, bao gồm các loại cây như: ngô 140 ha; khoai lang 99 ha; mía 183 ha; hoa 59 ha; rau đậu 479 ha. Diện tích gieo trồng một số loại cây giảm so với cùng kỳ năm trước: ngô giảm 36,22%; khoai lang giảm 26,21%; mè giảm 17,31%; rau đậu giảm 6,09%. Diện tích gieo trồng mía tăng 12,27% so với cùng kỳ.
Vụ Mùa năm 2018, nhìn chung năng suất bình quân vẫn đạt so với nhiều năm, hiện nay thành phố triển khai các giải pháp để hỗ trợ phát triển 05 vùng rau an toàn nhằm kiểm soát quy trình sản xuất và thiết lập hệ thống tiêu thụ trên địa bàn. Tuy nhiên, cơ cấu diện tích gieo trồng của từng loại cây có sự biến động lớn, các ngành chức năng đã tập trung chỉ đạo sản xuất các giống lúa trung, ngắn ngày nhưng đạt chất lượng cao, điều này phản ánh hiệu quả về tái cơ cấu cây trồng của thành phố là phù hợp.
* Chăn nuôi: Từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, tăng cường công tác giám sát phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Các ngành chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra chặt chẽ khâu giết mổ; hoàn thành đợt 2 đợt tiêm phòng vacxin LMLM gia súc và 01 đợt cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng tiêm được là 23.006 con trâu bò và 184.491 con gia cầm; tiêm phòng vacxin phòng chống bệnh dại cho 18.700 con động vật nuôi.
Công tác tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh được chú trọng, công tác kiểm tra, giám soát các cơ sở giết mổ được tăng cường. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ được 20.753 trâu bò; 357.707 con lợn và dê; hơn 01 triệu con gia cầm.
Tính đến thời điểm 15/10/2018, đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố ước đạt như sau: Tổng số lượng trâu 2.214 con, giảm 2,42% so với cùng kỳ; tổng số lượng bò 18.019 con, tăng 2%; tổng số lượng lợn 58.903 con, tăng 1,8%; tổng đàn gia cầm 575,7 ngàn con, tăng 1,28%.
Nhìn chung, tổng đàn trâu và bò không có biến động lớn so với cùng kỳ năm 2017 là do giá cả thịt hơi, thức ăn chăn nuôi trong năm không có dấu hiệu biến động lớn. Người dân phối hợp với Trạm Thú y, UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nên không có dịch bệnh xảy ra, tăng cường kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm thu hút đầu tư chăn nuôi công nghệ cao và xúc tiến quy hoạch, xây dựng chợ đầu mối động vật, sản phẩm động vật và Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm để đảm bảo môi trường, an toàn thực phẩm, nhằm cải thiện môi trường sống theo hướng xanh-sạch.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang phát triển nông-lâm-thủy sản theo hướng công nghệ cao, sạch, bền vững gắn liền với công tác phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch... Theo đó, những mô hình trồng rau sạch gắn với du lịch sinh thái tại thôn Phong Nam (Hòa Châu), vùng cây ăn quả Hòa Ninh, vùng trồng hoa Hòa Xuân... ra đời để đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, tham quan của du khách trong và ngoài địa phương. Nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng như: gạo hữu cơ, trái cây... bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người dân.
1.2. Lâm nghiệp
Trong tháng 10/2018 các lực lượng kiểm lâm đã tập trung nguồn lực cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, qua tuần tra kiểm soát lâm sản đã lập biên bản và xử lý 42 vụ vi phạm hành chính, phạt tiền 210 triệu đồng; tịch thu và thả lại rừng một số động vật bắt giữ và dụng cụ đánh bắt.
Công tác phòng cháy chữa cháy rừng cũng được tăng cường nghiêm ngặt, bên cạnh đó lực lượng chức năng đã thực hiện giám sát tình hình cháy rừng, trong tháng 10/2018 chưa xảy ra cháy rừng.Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra 7 vụ cháy rừng thực bì, tuy nhiên được dập tắt kịp thời nên thiệt hại không đáng kể.
Tháng10/2018, không phát sinh diện tích rừng trồng mới tập trung. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trong tháng 10/2018 ước đạt 5.650 m3 tăng 8,65% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng củi khai thác trong tháng 10/2018 ước đạt 5.536 m3, tăng 11,86% so với cùng kỳ. Mười tháng năm 2018, sản lượng khai thác gỗ đạt 40.275 m3, tăng 2,22% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước 10 tháng đạt 73.210 Ste, giảm 1,67% so với cùng kỳ năm trước.
1.3. Thủy sản
Tình hình hoạt động thuỷ sản trong 10 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn thành phố tương đối thuận lợi, thời tiết biển khá ổn định, giá các mặt hàng thiết yếu bình ổn, ngư trường thuận lợi, đảm bảo nguồn lực về thủy sản, các nghề chủ yếu là câu, lưới rê 3 lớp được chú trọng…Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động đánh bắt thủy sản của thành phố, ngư lưới cụ phù hợp với mùa vụ và ngư trường đánh bắt đã giúp ngư dân khai thác được sản lượng khá với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó được sự động viên hỗ trợ của chính quyền, ngư dân đã an tâm tiếp tục duy trì bám biển, đẩy mạnh hoạt động khai thác. Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn cũng khá thuận lợi, thời tiết không có biến cố bất thường trên đất liền, tình hình dịch bệnh nuôi trồng thủy sản không xảy ra.
Sản lượng thủy, hải sản khai thác và nuôi trồng tháng 10/2018 ước đạt 3.781 tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 10 tháng năm 2018 tổng lượng thủy hải sản ước đạt 33.838 tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 32.864 tấn, giảm 1,8%; riêng sản lượng khai thác thủy hải sản biển ước đạt 32.763 tấn, giảm 1,8%; sản lượng khai thác thủy hải sản khai thác nội địa ước đạt 102 tấn, tăng 3,35%; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 974 tấn, tăng 5,81%. Sản xuất con giống đạt 87 triệu con tăng 2,01% so với cùng kỳ năm 2017.
Thành phố Đà Nẵng tiếp tục chú trọng đến việc phát triển khai thác xa bờ gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển, trong tháng 10/2018 các ban ngành chuyên môn tiếp tục phối hợp các Sở, ngành, địa phương tham mưu UBND thành phố thực hiện: Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: đã tham mưu UBND thành phố đã hỗ trợ 03 đợt năm 2018 cho 329 lượt tàu/572 chuyến biển với tổng số tiền: 48,038 tỷ đồng. Tổ liên ngành đã tổ chức 04 đợt kiểm tra niêm phong máy VX-1700 và nghề khai thác hải sản trên tàu cá với tổng cộng 421 lượt tàu. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp vi phạm. Đã thực hiện niêm phong và mở niêm phong cho 145 lượt tàu. Tổ chức xử lý môi trường, xây dựng cảng cá Thọ Quang thành điểm tham quan hấp dẫn cho du khách.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tháng 10/2018 ước giảm 0,45% so với tháng trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,1%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 3,23%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,23%; ngành khai khoáng giảm 9,94%.
So với cùng kỳ năm 2017, IIP toàn ngành công nghiệp tháng 10/2018 ước tăng 4,13%. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,76%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 11,71%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,78%; riêng ngành công nghiệp khai khoáng giảm 12,41%.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2018, IIP toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố ước tăng 7,67% so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,93%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 6,66%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,67%; riêng ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,26%.
Một số ngành công nghiệp có chỉ số IIP 10 tháng đầu năm 2018 tăng cao so với cùng kỳ năm 2017, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: ngành sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tăng 99,32% được xem là dấu hiệu hồi phục sản xuất so với tình trạng suy giảm ở cùng kỳ năm trước; sản xuất xe có động cơ tăng 83,38%; sản xuất sơn vẹc ni và các chất sơn quét, bột ma tít tăng 38,58% do thị trường xây dựng vẫn còn đang sôi động; ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 33,81%; sản xuất máy vi tính, thiết bị ngoại vi cho máy vi tính tăng 31,13% do thị trường tiêu thụ khá thuận lợi so với cùng kỳ; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 22,85%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 12,56%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 10,07%; ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị tăng 9,19%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính tăng 4,42%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 27,64% trong đó sản xuất dụng cụ thể dục thể thao tăng 48,67%.
Một số ngành công nghiệp có mức IIP tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: ngành dệt giảm 18,18%; sản xuất trang phục giảm 1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 11,28% do việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới không được thuận lợi; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 5,71% trong đó sản xuất các sản phẩm từ giấy bìa giảm 15,59%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7,29%; sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại giảm 5,7%; sản xuất kim loại giảm 11,42% do hoạt động của 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc bị gián đoạn do sự cố trong xử lý chất thải ra môi trường.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng đầu năm 2018 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số sản phẩm có sản lượng tăng rất cao như: bộ dây đánh lửa sử dụng cho xe có động cơ tăng 99,3%; đồ nội thất bằng gỗ tăng 64,9%; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay tăng 109,2%; thiết bị câu và bắt cá tăng 48,7%; sơn vẹc ni tăng 38,6%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 33,8%; bộ phận và các phụ tùng của máy tính tăng 31,1%; thịt cá đông lạnh tăng 41,4%; tôm đông lạnh tăng 16,1%; cấu kiện tháp và cột làm bằng những thanh sắt, thép bắt chéo nhau tăng 25,8%...
Bên cạnh đó có khá nhiều sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2017 như: giấy copy giảm 51,1%; tai nghe các loại giảm 39,7%; trang phục may sẵn giảm 26,4%; gạch ngói xây dựng giảm 23,7%; vải dệt thoi sợi bông giảm 28,9%; các loại khăn làm từ sợi giảm 17,1%; sắt thép không hợp kim giảm 21,5%; giày dép thể thao giảm 11,3%; xi măng giảm 4,3%; lốp hơi mới bằng cao su giảm 7,3%...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 10/2018 có dấu hiện giảm so với cùng kỳ (ước giảm 7,93%), cộng dồn 10 tháng đầu năm 2018, chỉ số tiêu thu toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp (khoảng 2,15%) so với cùng kỳ. Trong đó, các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao hơn so với chỉ số tiêu thụ chung như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,54%; sản xuất đồ uống tăng 6,37%; chế biến gỗ tăng 59,86%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 16,26%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,16%... Các ngành có chỉ số tiêu thụ thấp hơn so với chỉ số tiêu thụ chung như: ngành dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu...
Chỉ số tồn kho của ngành chế biến chế tạo dự kiến tại thời điểm cuối tháng 10/2018 tăng khá cao (ước tăng 127,82%) so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành chỉ số tồn kho có dấu hiệu tăng cao hơn mức chung như: sản xuất trang phục; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất thiết bị điện; sản xuất xe có động cơ...Một số sản phẩm có chỉ số tồn kho giảm hơn so với mức tồn kho chung như: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản phẩm từ cao su plastic; sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại; sản xuất kim loại...
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp ước tính 10 tháng đầu năm 2018 giảm 3,51% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 6,4% (giảm chủ yếu do tác động của Công ty Điện lực Đà Nẵng); lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,55%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 4,55% (do một số doanh nghiệp FDI khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, phải cắt giảm nhân công). Xét theo nhóm ngành kinh tế cấp I thì ngành khai khoáng giảm 7,48%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 3,47% (tập trung chủ yếu ở một số ngành như: sản xuất linh kiện điện tử; dệt, may... cắt giảm nhân công do khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng); ngành sản xuất và phân phối điện khí đốt giảm 8,92% (nguyên nhân là ngành điện sử dụng công nghệ điện tử trong việc ghi chữ số công tơ thay cho việc thuê lao động đến ghi trực tiếp tại nhà khách hàng); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải giảm 1,15%.
3. Thương mại - Dịch vụ
3.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 10/2018 ước đạt 4.586 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt409,1 tỷ đồng, tăng 36,6%; kinh tế ngoài Nhà nước ước đạt 4.177 tỷ đồng, tăng 10,8%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tính chung 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 46.996 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước đạt 3.718 tỷ đồng, tăng 26,67%, chiếm 7,91% trong tổng mức; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 43.240 tỷ đồng, tăng 11,7%, chiếm 92%; kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 37,7 tỷ đồng, bằng 19% so với cùng kỳ, chiếm 0,1% tổng mức (do Công ty Total VN ngừng hoạt động, rút khỏi thị trường Đà Nẵng).
Doanh thu bán lẻ một số mặt hàng 10 tháng đầu năm có xu hướng tăng khá cao như: vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 16,3%; mô tô và các phương tiện đi lại khác trừ ô tô tăng 24,7%; mặt hàng nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 22,6%; xăng dầu các loại tăng 15,8% do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng, dầu; lương thực, thực phẩm tăng 15%; mặt hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,2%, do nhu cầu xây dựng của người dân tiếp tục tăng. Bên cạnh đó cũng có một số mặt hàng tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2017 như: ô tô các loại giảm 2,9%; đá quý, kim loại quý giảm 1,2%.
3.2. Dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành
Tổng doanh thu của cả 3 ngành dịch vụ: lưu trú, ăn uống và lữ hành 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 15.728 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: khu vực kinh tế tư nhân tăng cao nhất đạt mức 6.649 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 42,3%; kinh tếcá thể đạt 6.173 tỷ đồng, tăng 10,9%, chiếm tỷ trọng 39,3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.687 tỷ đồng, tăng 14,8%, chiếm 17,1%; kinh tế Nhà nước đạt 195,4 tỷ đồng, giảm 0,9%, chiếm 1,2%.
Doanh thu tính theo từng ngành kinh tế cấp 2 mười tháng đầu năm 2018 như sau: ngành dịch vụ lưu trú ước đạt 4.739 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ (chiếm 30,1% trên tổng doanh thu chung của 3 ngành); dịch vụ ăn uống ước đạt 9.610 tỷ đồng, tăng 15,1% (chiếm 61,1%); dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 1.378 tỷ đồng, tăng 23%(chiếm 8,8%), nguyên nhân chủ yếu do các công ty dịch vụ du lịch công đoàn, TravelMart, Việt Nam Vitourstăng nên làm tăng nhóm lữ hành.
Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.949,2 nghìn lượt, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017, tương ứng với số ngày khách cơ sở lưu trú phục vụ là 5.682 nghìn ngày, tăng 12,7%. Trong đó, lượt khách quốc tế đạt 1.019 nghìn lượt, tăng 15%, tương ứng với số ngày khách phục vụ là 2.430 nghìn ngày, tăng 27,9% so với cùng kỳ. Bình quân số ngày lưu trú của khách quốc tế là 2,4 ngày/lượt, khách trong nước là 1,7 ngày/lượt.
Số lượt khách cơ sở lữ hành phục vụ 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 491,1 nghìn lượt, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khách quốc tế đạt 215,8 nghìn lượt, tăng 43,6%; khách trong nước đạt 222,1 nghìn lượt, tăng 9,7%; khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đạt 53 nghìn lượt, tăng 143,2%, như vậy xu hướng đi du lịch nước ngoài của người dân Đà Nẵng tăng liên tục trong thời gian qua.
3.3. Hoạt động vận tải
Doanh thu vận tải đường bộ, đường thủy, hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 10/2018 ước đạt 1.037,5 tỷ đồng, giảm 2,7% so tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Xét theo thành phần kinh tế, khối doanh nghiệp Nhà nước giảm 13,5% so với tháng trước, chiếm tỷ trọng 7,1% (do ảnh hưởng của 2 công ty Cảng Đà Nẵng và Petrolimex chiếm tỉ trọng lớn có doanh thu giảm so với tháng trước), tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2017 doanh thu của khối Nhà nước tăng 1,8%; kinh tế cá thể tăng 6% so tháng trước, và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2018, doanh thu vận tải đường bộ, đường thủy, kho bãi và hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 10.720 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vận tải đường bộ ước đạt 6.874,4 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017; vận tải đường thủy đạt 68,9 tỷ đồng, tăng 24,6%; dịch vụ kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải đạt 3.776,1 tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải hành khách bằng đường bộ 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2.887,4 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển bằng đường bộ 10 tháng ước đạt 1.314,3 triệu Hk.km, tăng 8,8%.
Doanh thu vận tải hàng hóa bằng đường bộ 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4.055,9 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường bộ ước đạt 3.010,6 triệu tấn.km, tăng 0,8%.
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 10/2018 ước đạt: 713 nghìn tấn giảm 18,2% so với tháng trước và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó hàng nhập khẩu đạt 146 nghìn tấn, giảm 31,3% so với tháng trước, giảm 27,2% so cùng kỳ; hàng xuất khẩu đạt 326 nghìn giảm 16,5% so với tháng trước, tăng 24,4% so với cùng kỳ; hàng nội địa đạt 241 nghìn tấn giảm 10,4% so với tháng trước, tăng 10,7% so với cùng kỳ; hàng container đạt 434 nghìn tấn giảm 4,9% so với tháng trước, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7.124 nghìn tấn, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, hàng nhập khẩu đạt 1.805 nghìn tấn; hàng xuất khẩu 3.014 nghìn tấn; hàng nội địa 2.305 nghìn tấn; hàng container 4.157 nghìn tấn.
4. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Tính từ đầu năm đến ngày 22/10/ 2018, có 3.373 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc được thành lập mới, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó bao gồm: 2.933 doanh nghiệp, giảm 22,4%; 440 đơn vị trực thuộc, giảm 32,7%. Tổng vốn đăng ký 10 tháng đầu năm đạt 15.630 tỷ đồng, giảm 39,3%.
Tính đến ngày 22/10/2018, có 26 doanh nghiệp và 1 đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng hoạt động; 16 doanh nghiệp và 99 đơn vị trực thuộc đã hoàn tất thủ tục giải thể; 3.763 lượt đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp.
II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ
- Chỉ số giá
- Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2018 tăng 0,38% so với tháng trước, trong đó có 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI giảm: Bưu chính viễn thông 0,1% ; văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,02%, nhóm lương thực giảm 0,04% . Bên cạnh có 7 nhóm hàng tăng như: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09%; may mặc giày dép mũ nón tăng 0,06%; thiết bị đồ dùng tăng 0,07%; đồ uống thuốc lá tăng 0,01%; nhóm giao thông tăng 1,55%; nhà ở vật liệu chất đốt tăng 1,18% chủ yếu do cao điểm mùa xây dựng, giá nhân công tăng do khan hiếm nhân công, đồng thời nhu cầu về thuê nhà ở tăng. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số bình ổn: Nhóm giáo dục.
CPI tháng 10 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Thực phẩm tháng này tăng cao là do giá lợn hơi liên tiếp tăng nên tác động đến chỉ số nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 0,18%. … nguyên nhân, thực phẩm tăng là do nguồn cung giảm như thủy sản tươi sống giảm.
- Trong tháng giá xăng giữ ổn định, dầu diesel điều chỉnh tăng vào ngày 06/10/2018 và ngày 22/10/2018, với mức tăng: 430đ/lít xăng 95-III; 450đ/lít xăng E5; dầu diesel tăng 490đ/lít đã tác động đến chỉ số của nhóm nhiên liệu tăng 3,41% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,16%.
- Giá gas từ ngày 01 tháng 10 năm 2018 tăng 12.000đ/bình 12kg nên tác động đến nhóm gas và các loại chất đốt khác tăng 3,01%.
- Trong tháng nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt của hộ gia đình tăng: điện sinh hoạt tăng 1,03% so với tháng trước, nước của hộ gia đình tăng 0,19%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng đầu năm 2018 tăng 3,37% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, mức tăng chung thấp hơn so với mức tăng bình quân của cùng kỳ năm trước tăng 3,69%; CPI tháng 10/2018 tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,8% so với tháng 12/2017.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI 10 tháng đầu năm, có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI: Nhóm giao thông tăng 7,01%; Giáo dục tăng 6,89%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,66%. Tuy nhiên, những nhóm hàng tăng thấp hơn mức tăng bình quân chung: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,78%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,50%; Văn hóa giải trí và du lịch tăng 1,14%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,29%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,86%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,82%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%. Bưu chính viễn thông giảm 0,52% so bình quân cùng kỳ năm trước, các cấp, các ngành tăng cường thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018; các ngành và địa phương thực hiện tốt Quyết định 486/QĐ-UBND của UBND thành phố về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách thành phố Đà Nẵng năm 2018.
- Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng 10/2018 tăng 0,38% so với tháng trước; giảm 1,27% so với tháng 12/2017; giảm 2,25% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng đầu năm 2018 tăng 3,72% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2018 tăng 0,21% so với tháng trước; tăng 3,25% so với tháng 12/2017; tăng 3,21% so với cùng kỳ; bình quân 10 tháng đầu năm 2018 tăng 1,2% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
- Hoạt động ngân hàng
Trong tháng 10/2018, mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn vẫn ổn định, tạo điều kiện cho khách hàng trong hoạt động sản suất kinh doanh; mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi VNĐ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có sự điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn.
2.1. Công tác huy động vốn
Lãi suất huy động VNĐ như sau: tiền gửi không kỳ hạn phổ biến ở mức từ 0,3% - 0,5%/năm; kỳ hạn dưới 01 tháng ở mức 1%; kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,4% - 5,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng ở mức 5,5% - 8%/năm; từ trên 12 tháng ở mức 6,9% - 8%/năm, một số tổ chức tín dụng trên địa bàn áp dụng lãi suất trên 12 tháng ở mức 8,5% và có nhiều chương trình khuyến mãi.
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đến cuối tháng 10 năm 2018 ước đạt 124.900 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 12,43%. Trong đó, huy động nội tệ đạt 119.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,92%; ngoại tệ đạt 5.100 tỷ đồng, chiếm 4,08%. Tỷ lệ tăng trưởng huy động nội tệ tăng 12,62% so với cùng kỳ năm trước; ngoại tệ tăng 8,13%.
Huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 84.400 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; tiền gửi thanh toán đạt 39.000 tỷ đồng, tăng 16,81%; phát hành giấy tờ có giá là 1.900 tỷ đồng, tăng 29,74%.
2.2. Công tác tín dụng
Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 7%-9%/năm, các lĩnh vực ưu tiên tối đa ở mức 6%-6,5%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn phổ biến ở mức khoảng 9% - 11%/năm, các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7% -10%/năm.
Tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế tính đến cuối tháng 10/2018 ước đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 25,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cho vay nội tệ đạt 135.500 tỷ đồng, tăng 27,28% so với cùng kỳ năm trước; cho vay ngoại tệ (quy VNĐ) ước đạt 4.500 tỷ đồng, giảm 14,91%.
Dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 53.800 tỷ đồng, tăng 25,44%, chiếm 38,43% trong tổng dư nợ; cho vay trung, dài hạn đạt 86.200 tỷ đồng, tăng 25,19%, chiếm 61,57% tổng dư nợ.
- Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước sơ bộ 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 20.450,3 tỷ đồng, tăng 2,22% so với cùng kỳ và đạt 79,04% dự toán năm. Trong đó, thu ngân sách Trung ương ước đạt 7.597,1 tỷ đồng, tăng 7,77% so với cùng kỳ năm trước, đạt 76,36% dự toán; ngân sách địa phương đạt 12.853,2 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ, đạt 99,2% dự toán.
Trong tổng thu ngân sách Nhà nước, thu nội địa ước đạt 17.037,9 tỷ đồng, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước, đạt 75,27% dự toán năm; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 3.152,1 tỷ đồng, tăng 44,39%, đạt 97,29% dự toán.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo đạt 1.022,4 tỷ đồng, bằng 82,39% so với cùng kỳ, đạt 56,64% dự toán năm; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước đạt 3.830,7 tỷ đồng, bằng 97,1%, đạt 62,29% dự toán; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.621,3 tỷ đồng, tăng 2,34%, đạt 60,01% dự toán.
Tổng chi ngân sách địa phương 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 11.042,7 tỷ đồng, bằng 93,73% so với cùng kỳ năm trước và bằng 59,19% dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2018, trong đó chi thường xuyên đạt 4.712,2 tỷ đồng, bằng 95,08%, bằng 63,96% dự toán; chi đầu tư phát phiển đạt 3.922,1 tỷ đồng, bằng 86,15%, bằng 45,4% dự toán.
TỔNG HỢP THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
( Nguồn: KBNN Đà Nẵng, Số liệu tại thời điểm 17/10/2018)
Đơn vị tính: Triệu đồng
Nội dung |
Thực hiện 10 tháng đầu năm 2017 |
Dự toán năm 2018 |
Ước thực hiện đến ngày17 tháng 10 năm 2018 |
So với dự toán (%) |
So với cùng kỳ (%) |
Tổng thu ngân sách Nhà nước |
20.006.467 |
25.875.000 |
20.450.397 |
79,04 |
102,22 |
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
7.049.256 |
9.949.068 |
7.597.157 |
76,36 |
107,77 |
|
12.957.211 |
15.925.932 |
12.853.241 |
80,71 |
99,20 |
|
16.545.395 |
22.635.000 |
17.037.953 |
75,27 |
102,98 |
|
1.240.903 |
1.805.000 |
1.022.412 |
56,64 |
82,39 |
|
3.538.523 |
6.035.000 |
3.621.330 |
60,01 |
102,34 |
|
3.945.157 |
6.150.000 |
3.830.704 |
62,29 |
97,10 |
|
2.183.052 |
3.240.000 |
3.152.103 |
97,29 |
144,39 |
Tổng chi NSNN địa phương |
11.781.631 |
18.657.335 |
11.042.770 |
59,19 |
93,73 |
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
4.955.949 |
7.367.705 |
4.712.257 |
63,96 |
95,08 |
|
4.552.594 |
8.639.481 |
3.922.151 |
45,40 |
86,15 |
|
- |
61.613 |
- |
- |
- |
|
|
|
|
|
|
Thành phố đã triển khai các giải pháp quản lý thu NSNN bằng nhiều hình thức, cụ thể như sau: Kiểm soát các nguồn thu để chống tình trạng thất thu NSNN; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách thu; tăng cường công tác quản lý thu NSNN, tập trung chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất dự toán thu NSNN; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu theo hướng vừa khuyến khích sản xuất trong nước và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, vừa động viên hợp lý nguồn thu, chống thất thu ngân sách thành phố; tăng cường sự chỉ đạo, điều hành các cấp chính quyền địa phương trong việc phối hợp với các ngành để nâng cao chất lượng công tác quản lý thu ngân sách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kết hợp thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá; kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; thực hiện việc kê khai thuế, nộp thuế qua mạng nhằm rút ngắn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, miễn giảm các loại phí và thuế.vv.. tăng cường kiểm soát chi NSNN, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả; chủ động rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi thường xuyên; cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, xe ô tô; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định…Tiết giảm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu. Đảm bảo nguồn thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành và chính sách an sinh xã hội, hạn chế tối đa bổ sung kinh phí ngoài dự toán.
4.Thực hiện vốn đầu tư
Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương trên địa bàn ước tháng 10/2018 thực hiện được 463,4 tỷ đồng, tăng 7,66% so với cùng kỳ năm 2017; tăng 6,46% so với tháng trước. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 424,3 tỷ đồng, tăng 3,78% so với cùng kỳ năm 2017, tăng 6,69% so với tháng trước, chiếm tỷ trọng 91,56%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 39,1 tỷ đồng, tăng 81,41% so với cùng kỳ năm 2017, tăng 4% so với tháng trước, chiếm tỷ trọng 8,44% so với tổng vốn ngân sách địa phương tháng 10/2018.
Nhìn chung, hoạt động đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách được duy trì và có chiều hướng tăng khá so với cùng kỳ năm trước.Tính chung 10 tháng đầu năm 2018 vốn đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước địa phương trên địa bàn ước thực hiện là 3.697,8 tỷ đồng, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 3.419,5 tỷ đồng, tăng 7,77% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm tỷ trọng 92,48%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 278,2 tỷ đồng, tăng 16,16% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm tỷ trọng 7,52% so với tổng vốn ngân sách địa phương 10 tháng đầu năm 2018.
Tình hình một số công trình trọng điểm
- Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng: dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới và vốn đối ứng của thành phố Đà Nẵng. Dự án gồm có 5 hợp phần với tổng mức đầu tư 7.610 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 1.834 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ODA của Ngân hàng thế giới. Tính đến tháng báo cáo nguồn vốn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn ODA) đã thực hiện được 3.205,4 tỷ đồng đạt 42,12% tổng mức đầu tư. Trong đó tính riêng tháng 9/2018 thực hiện được 19 tỷ đồng; dự ước tháng 10/2018 thực hiện 25,4 tỷ đồng, cộng dồn từ đầu năm đến cuối quý báo cáo đạt 351,4 tỷ đồng.
- Dự án khu công nghệ cao: Được thành lập vào tháng 10/2010, trên diện tích 1.129,7 ha tại hai xã Hòa Liên và Hòa Ninh thuộc huyện Hòa Vang với 7 phân khu chức năng. Công trình nằm trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, nối liền các khu kinh tế trọng điểm miền Trung như: Khu Kinh tế Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Khu Kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Đây là khu CNC đa chức năng thứ ba của cả nước sau khu CNC Hòa Lạc - Hà Nội và khu CNC thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư dự kiến 8.841,1 tỷ đồng.
Tính từ khi khởi công đến cuối tháng báo cáo ước thực hiện được 2.075,5 tỷ đồng đạt 23,48% trên tổng mức dự kiến đầu tư. Trong đó tính riêng tháng 9/2018 thực hiện được 31,5 tỷ đồng, dự ước tháng 10 đạt 28,7 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến cuối báo cáo đạt 224,7 tỷ đồng.
- Dự án san nền khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân: Tổng vốn đầu tư 497,8 tỷ đồng. Tính từ khi khởi công đến cuối tháng báo cáo công trình đã thực hiện được 206,7 tỷ đồng đạt 41,52% so với tổng mức đầu tư. Trong đó dự kiến tháng 9/2018 đạt 2,5 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo đạt 14,5 tỷ đồng.
- Dự án đê kè Mân Quang nối tiếp đê kè Bạch Đằng Đông: Tổng vốn đầu tư 161,9 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình GT Đà Nẵng làm chủ dự án. Tính từ khi khởi công đến cuối tháng báo cáo công trình đã thực hiện được 121,3 tỷ đồng đạt 74,93% so với tổng mức đầu tư. Trong đó dự kiến tháng 9/2018 đạt 15,6 tỷ đồng, dự ước tháng 10 năm 2018 đạt 18 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo đạt 116,2 tỷ đồng.
- Xuất, nhập khẩu (Nguồn: Cục Hải Quan TP. Đà Nẵng)
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính 10 tháng đầu năm 2018 đạt 2.671,8 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ, trong đó: kim ngạch nhập khẩu đạt 1.320,2 triệu USD, tăng 10,8%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.351,6 triệu USD, giảm 11,7%.
Thuế xuất khẩu hàng hóa 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 78,9 tỷ đồng, đạt 72% dự toán Ngân sách Nhà nước giao, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2017; thuế nhập khẩu hàng hóa đạt 785,6 tỷ đồng, đạt 99% dự toán Ngân sách Nhà nước, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017.
III. AN SINH XÃ HỘI, Y TẾ, GIÁO DỤC VÀ VĂN HÓA
- Lao động việc làm
Trong tháng 10/2018, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức 03 phiên giao dịch việc làm, thu hút 306 lượt doanh nghiệp, 7.775 lượt lao động có nhu cầu tuyển dụng, kết quả chắp nối giới thiệu 583 lao động; tổng các thành phần kinh tế trên địa bàn tạo việc làm cho 2.836 lao động, trong đó, 1.200 vị trí việc làm tăng thêm, nâng lên tổng số 30.286 lao động được tạo việc làm trong năm, đạt 92,62% kế hoạch.
Trong tháng 10/2018, thẩm định và cấp giấp phép cho 96 lao động người nước ngoài, tiếp nhận 1.618 hồ sơ đăng ký BHTN, giải quyết cho 1.811 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.
- Thực hiện chính sách Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ xã hội
2.1. Công tác đền ơn đáp nghĩa
Trong tháng, thành phố cùng các sở ban ngành liên quan phối hợp tổ chức bốc thăm đất cho 20 hộ gia đình chính sách khó khăn về chỗ ở được thành phố bố trí đất; phối hợp, hoàn thành công tác khảo sát, thu thập thông tin về hoàn cảnh gia đình đối tượng chính sách và phúc tra khảo sát mức sống hộ người có công; đôn đốc, hướng dẫn xác lập hồ sơ các trường hợp người có công trong 2 cuộc kháng chiến nhưng không còn giấy tờ gốc theo quy định;
Thực hiện giải quyết trợ cấp hàng tháng và 1 lần cho 136 trường hợp[1]; hỗ trợ tiền sử dụng đất cho 03 trường hợp, kinh phí 314 triệu đồng; trợ cấp khó khăn đột xuất cho 30 trường hợp, kinh phí 87 triệu đồng; vận động Quỹ Đền ơn Đáp nghĩa được 4,122 tỷ đồng/3,842 tỷ đồng, đạt 107,3% kế hoạch.
2.2. Công tác giảm nghèo và công tác bảo trợ xã hội
Trong tháng, các sở ban ngành liên quan đã triển khai, đôn đốc, hướng dẫn địa phương báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018; tổng hợp, phân tích kết quả điều tra hộ gia đình có mức thu nhập thấp; xây dựng các phương án chuẩn nghèo; dự thảo văn bản, tổ chức họp lấy ý kiến các ngành về Nghị quyết thông qua chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và chính sách giảm nghèo giai đoạn 2019-2023 trên địa bàn thành phố.
Thành phố đã tiến hành thẩm định để bố trí kinh phí hỗ trợ nuôi dưỡng đối tượng tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi thuộc Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi thành phố; hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 06 người bị mắc bệnh hiểm nghèo, tổng số tiền 17 triệu đồng;
Phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát tại các chợ, tuyến đường, khu vực trọng điểm, qua kiểm tra, đã xử lý thu gom 16 đối tượng[2].
2.3. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Ngành LĐ-TBXH đã phối hợp tổ chức Chương trình “Đêm hội trăng rằm” cho 600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo và trẻ em hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hòa Vang, trao tặng quà học bổng, quà trung thu cho hơn 1.100 lượt trẻ, kinh phí hơn 770 triệu đồng[3];
Tổ chức cuộc họp, lấy ý kiến các đơn vị liên quan về phương án củng cố đội ngũ Cộng tác viên (CTV) BVCSTE theo hướng giao nhiệm vụ của CTV BVCSTE cho CTV DS-SKCĐ; tư vấn, tập huấn về phòng chống xâm hại, bạo lực, lao động trẻ em, xây dựng ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em và phụ huynh tại địa phương; hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 03 trường hợp trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, bị tử vong trên địa bàn quận Thanh Khê và Liên Chiểu, số tiền 25 triệu đồng; tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác và triển khai dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng” do tổ chức Tầm Nhìn Thế Giới tài trợ; trong tháng, Quỹ Bảo trợ trẻ em triển khai, thực hiện các hoạt động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổng giá trị bằng hiện vật hơn 132 triệu đồng[4].
2.4 Công tác phòng chống tệ nạn xã hội
Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 02 hội nghị[5]; tổ chức khóa tập huấn kỹ năng sống cho hội viên mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy”; phối hợp tuyên truyền, giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội bằng nhiều hình thức: tư vấn cho 47 lượt người liên quan đến ma túy (kết quả 13 trường hợp đăng ký cai nghiện tự nguyện tập trung và 16 trường hợp tham gia cai nghiện tại gia đình - cộng đồng); xây dựng phim phóng sự về chính sách hỗ trợ người nghiện ma túy sau 5 năm không tái nghiện, cấp phát 3.000 tờ rơi, duy trì chuyên trang, chuyên tin, bài viết về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội trên trang Website Sở, Báo Lao động xã hội, Báo Đà Nẵng.
Trong tháng 10/2018, ngành LĐ-TBXH đã tiếp nhận 62 học viên, giải quyết về cộng đồng đúng thời hạn 38 học viên, chấp hành hành phạt tù 01 học viên; hiện, Cơ sở đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho 431 học viên[6] và 43 người không có nơi cư trú ổn định; toàn thành phố hiện có 55 người đang cai nghiện tại gia đình-cộng đồng (có việc làm 30 người, chiếm tỷ lệ 54,5%), 723 người trong diện quản lý sau cai (có việc làm 479 người, chiếm 66,3%)[7].
Các ngành chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra tình hình triển khai thực hiện mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ hoạt động mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS”[8]; phối hợp kiểm tra, khảo sát các tuyến đường trọng điểm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm; trong kỳ, Đội Kiểm tra liên ngành 178 quận huyện đã kiểm tra 15 cơ sở (03 karaoke, 03 massage, 09 internet), phát hiện 07 cơ sở vi phạm hành chính, đề nghị xử phạt 15 triệu đồng.
- Giáo dục - Đào tạo
Trong tháng 10 năm 2018, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã tổ chức các khóa tập huấn bồi dưỡng cho 240 giáo viên tiếng Anh cấp Tiểu học, THCS, THPT và Giáo dục thường xuyên. Các thầy cô giáo tham gia lớp bồi dưỡng với 03 chuyên đề: Games, cách thực tạo Games và sử dụng Games trong tiết dạy; kĩ thuật dạy kĩ năng nghe và nói; kĩ năng phát âm.
Theo hệ thống xếp hạng giáo dục đại học quốc tế (UniRank), năm 2018, Đại học Đà Nẵng xếp thứ 2 trên 67 trường đại học Việt Nam. Liên tục trong năm qua, ĐH Đà Nẵng luôn có thứ hạng cao trong tốp các trường ĐH hàng đầu Việt Nam: nằm trong tốp 6 theo bảng xếp hạng danh tiếng QS-Asia (tiệm cận tốp 400 trường ĐH tốt nhất châu Á); tốp 6 theo bảng xếp hạng ĐH của Webometrics (công bố tháng 7-2018).
Trong tháng 10/2018, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đón nhận chứng nhận chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng của Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) cho 4 chương trình đào tạo gồm: Kỹ thuật Điện - Điện tử, Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật Dầu khí và Công nghệ Thông tin. Trước đó, 2 chương trình đào tạo khác là chương trình tiên tiến ngành Điện tử-Viễn thông và chương trình tiên tiến ngành Hệ thống nhúng đã được AUN-QA đánh giá ngoài và công nhận đạt chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn đánh giá của AUN-QA giai đoạn 2016-2020 với kết quả chất lượng cao nhất Việt Nam từ trước đến nay.
- Hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng
4.1. Tình hình dịch bệnh
Trong tháng 10/2018, tình hình bệnh Sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vẫn duy trì ở mức cao, số ca mắc ghi nhận trong tháng là 517 trường hợp (tăng 05 ca so với tháng trước) rải rác tại các quận, huyện.
Tính đến ngày 15/10/2018:
- Sốt xuất huyết (SXH): Trung bình ghi nhận mỗi tuần có 145 - 155 trường hợp mắc, toàn thành phố ghi nhận tích lũy có 2.651 trường hợp, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm 2017 (5.469 trường hợp), không có tử vong do Sốt xuất huyết. Trong tháng, ghi nhận 82 ổ dịch nhỏ (tăng 10 ổ dịch nhỏ so với tháng trước), tích lũy đến ngày 15/10/2018 là 251 ổ dịch nhỏ.
- Tay chân miệng (TCM): Tình hình bệnh TCM có chiều hướng tăng mạnh vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Trong tháng, ghi nhận 162 ca mắc, giảm 10 ca so với tháng trước. Trung bình ghi nhận mỗi tuần có 50-70 trường hợp mắc, toàn thành phố ghi nhận tích lũy đến ngày 15/10/2018 có 1.376 trường hợp mắc, tăng 1,56 lần so với cùng kỳ năm 2017 (1.189 trường hợp), không có trường hợp tử vong.
- Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 86 ca mắc, giảm 25 ca so với tháng 8. Trung bình ghi nhận mỗi tuần có 18-22 trường hợp mắc, toàn thành phố ghi nhận tích lũy đến ngày 15/10/2018 có 2.109 trường hợp mắc, tăng 2,31 lần so với cùng kỳ năm 2017 (913 ca mắc).
- Các bệnh truyền nhiễm khác: Ghi nhận 01 ca viêm não do não mô cầu, 05 ca Sởi, các bệnh truyền nhiễm khác như: Rubella, Viêm não Nhật Bản, Cúm A, Dại, Thương hàn, Bại liệt … không ghi nhận ca mắc.
4.2. Tình hình dịch HIV/AIDS
|
9 tháng đầu năm 2017 |
9 tháng đầu năm 2018 |
Lũy kế từ khi phát hiện ca đầu tiên tại Đà Nẵng |
|||
Chung |
Người Đà Nẵng |
Chung |
Người Đà Nẵng |
Chung |
Người Đà Nẵng |
|
Phát hiện nhiễm mới |
118 |
65 |
161 |
89 |
2.387 |
1.309 |
Bệnh nhân AIDS |
16 |
14 |
31 |
24 |
919 |
772 |
Tử vong do AIDS |
9 |
9 |
11 |
11 |
486 |
459 |
Số người còn sống |
|
|
|
|
1.901 |
850 |
|
|
|
|
|
|
|
Tính đến ngày 05/10/2018, toàn thành phố có 319 bệnh nhân đang được quản lý điều trị Methadone, trong đó số bệnh nhân phát sinh tăng trong 10 tháng đầu năm 2018 là 35 người.
4.3. Chương trình Tiêm chủng mở rộng
Tính đến 30/9/2018 tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đầy đủ đạt 77,6%, trong đó các loại vắc xin: BCG đạt tỷ lệ: 70,7%; vắc xin Bại liệt 3: 75,4%; DTC - VGB - Hib mũi 3: 74,4%; Sởi: 77,9%; Viêm gan B < 24h: 59% ; Phụ nữ có thai được bảo vệ uốn ván UV2: 74%.
4.4. Tình hình khám chữa bệnh
Trong tháng 10/2018, số lượt khám bệnh là 230,6 nghìn lượt người, tăng 12,4% so với tháng trước (trong đó khám BHYT là 170,5 nghìn lượt, chiếm 74%); số bệnh nhân điều trị nội trú là 30.600 bệnh nhân, giảm 10% so với tháng trước (trong đó bệnh nhân BHYT là 28.898 người, chiếm tỷ lệ 94,4% ); tổng số phẫu thuật: 6.065 ca, trong đó phẫu thuật loại đặc biệt và loại I là 2.760 ca.
Công suất sử dụng giường bệnh bình quân các bệnh viện là 114,3%, giảm 1,26 điểm phần trăm so với tháng trước.
4.5. Thực hiện các chỉ tiêu Dân số và công tác KHHGĐ
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 9/2018, tổng số trẻ em sinh ra tại Đà Nẵng là 9.571 trẻtăng 103 trẻ so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 465 trường hợp sinh con thứ ba trở lên, giảm 30 trường hợp.
Sử dụng các biện pháp tránh thai: Dụng cụ tử cung đạt 7.485 trường hợp; triệt sản đạt 156 ca; thuốc cấy đạt 513 trường hợp; thuốc tiêm đạt 957 trường hợp; viên uống tránh thai đạt 9.597 trường hợp; bao cao su đạt 30.323 trường hợp.
Số bà mẹ mang thai tham gia sàng lọc trước sinh là 6.070 người; số trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh đạt 8.156 trẻ; tỷ số giới tính khi sinh là 105,4 bé trai/100 bé gái.
- Văn hóa và đời sống
- Lĩnh vực Văn hóa
Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân quan với sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thành phố Đà Nẵng, kỳ vọng sẽ phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và khai thác dịch vụ du lịch tại di tích này. Việc khảo cổ đã cơ bản hoàn thành và đang tiến hành lập dự án đầu tư trình các cấp thẩm định, phê duyệt, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trước 31-10-2018 để đủ điều kiện đăng ký vốn triển khai trong năm 2019. Hải Vân Quan là di tích có ý nghĩa, vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt cả về góc độ lịch sử, địa chính trị và quân sự.
- Lĩnh vực Thể thao
Giải bóng đá vô địch quốc gia 2018 với sự tham gia của 14 câu lạc bộ trên khắp cả nước. Tính đến 20/10, đội tuyển bóng đá SHB Đà Nẵng đang xếp hạng thứ 10 sau 26 vòng đấu tại giải Bóng đá Vô địch quốc gia V-League 2018.
- Trật tự an toàn xã hội
6.1. Tình hình cháy nổ
Tháng 10/2018 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 26 vụ cháy, tăng 22 vụ so với cùng kỳ năm 2017 (26/4 vụ), giảm 31 vụ so với tháng trước, do cao điểm vào mùa nắng nóng nên tình hình cháy nổ rất dễ xảy ra. Trong tổng số 26 vụ cháy xảy ra, có 7 vụ cháy nhà dân, 05 vụ cháy trụ điện, 01 vụ cháy chung cư, 01 vụ cháy phương tiện giao thông (xe múc, xe đầu kéo, xe bồn), 03 vụ cháy gara ô tô, 05 vụ cháy khác, nguyên cháy do chập điện 15 vụ, sơ suất do sữa chửa nguồn điện 02 vụ, đốt xử lý thực bì 04 vụ, rò rỉ khí ga xảy ra 02 vụ, có 17 vụ thiệt hại không đáng kể về tài sản (09 vụ đang thống kê giá trị thiệt hại), không có tử vong về người.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn Đà Nẵng đã xảy ra 339 vụ cháy, tăng 290 vụ so với cùng kỳ năm 2017; trong đó 73 vụ cháy nhà dân, 07 vụ cháy khu chung cư, 01 vụ cháy chợ, 01 vụ cháy khu thương mại, 16 vụ cháy cơ quan, doanh nghiệp, 07 vụ cháy rừng và 234 vụ cháy khác, tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 445,4 triệu đồng, không có tử vong về người.
6.2. Tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông đường bộ trong tháng 10 (từ 16/9 - 15/10/2018) xảy ra 11 vụ, làm chết 06 người, bị thương 05 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 01 vụ, tăng 03 người chết, giảm 07 người bị thương.
Từ 16/9/2018 - 15/10/2018, tai nạn giao thông đường sắt không xảy ra. So sánh cùng kỳ năm 2017, số vụ, số người chết và bị thương không tăng không giảm.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố xảy ra 73 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 49 người, bị thương 47 người; 03 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 02 người, 02 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2017, tai nạn giao thông trên địa bàn Đà Nẵng nhìn chung giảm cả 3 tiêu chí: giảm 12 vụ, giảm 01 người chết và giảm 09 người bị thương.
- Môi trường
Vấn đề môi trường nổi cộm tại Đà Nẵng trong tháng 10/2018 phải kể đến là việc thành phố công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và xử lý về môi trường tại Cty CP Thép Dana - Ý, Cty CP Thép Dana - Úc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Kết luận đã chỉ ra hàng hoạt sai phạm của hai nhà máy thép trong suốt 10 năm hoạt động. Cụ thể, Cty CP Thép Dana - Úc đã hoạt động sản xuất, thay đổi một số máy móc, thiết bị nhưng không lập lại điều chỉnh, bổ sung đánh giá tác động môi trường, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Cả hai Cty chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận hoàn thành toàn bộ công trình, biện pháp bảo vệ môi trường nhưng đã đưa dự án vào hoạt động sản xuất từ những năm 2008-2009.
Về xử lý chất thải, từ khi hoạt động cho đến nay, Cty CP Thép Dana - Ý đã không hợp đồng với các Cty môi trường để vận chuyển, xử lý mà chủ yếu tự san lấp mặt bằng, một phần đang lưu giữ tại nhà máy. Năm 2017, Cty đổ xỉ thải không đúng quy định. Việc quản lý chất thải nguy hại từ năm 2010 - 2012 của nhà máy thép Dana - Ý cũng bị phát hiện có vấn đề khi Cty đã hợp đồng với 3 doanh nghiệp khác để chuyển giao xử lý nhưng cả 3 doanh nghiệp này đều không được cấp phép trong lĩnh vực trên. Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp còn sản xuất sản lượng luyện thép vượt công suất so với quy định tại giấy chứng nhận đầu tư. Trong quá trình hoạt động, hai Cty đã thay đổi một số hệ thống lò luyện không đúng với dây chuyền đã đăng ký và phê duyệt.
Thời gian qua, thành phố đã và đang có nhiều biện pháp quyết liệt trong xử lý các đơn vị xả thải không đúng quy định, gây ô nhiềm môi trường cũng như triển khai thực hiện nhiều dự án xử lý chất thải trên địa bàn./.
[1] Trong đó, hàng tháng 72 trường hợp (23 trường hợp theo Pháp lệnh Ưu đãi Người có công, 49 trường hợp theo Quyết định 40 của UBND thành phố) và trợ cấp 1 lần 64 trường hợp.
- Trong đó: Lang thang xin ăn: 05 đối tượng; Tâm thần lang thang:6 đối tượng; Lang thang không nơi cư trú: 05 đối tượng (Ngoại tỉnh 11 đối tượng, không rõ 2 đối tượng và 3 người ở Đà Nẵng).
[3] Trao tặng 230 suất học bổng cho trẻ em hộ đồng bào dân tộc thiểu số (01 triệu đồng/suất), hỗ trợ kinh phí mua 370 suất dụng cụ học tập (400.000 đồng/suất) và quà trung thu với tổng kinh phí 558 triệu đồng; hỗ trợ 400 suất dụng cụ học tập cho 400 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của các quận với kinh phí 160 triệu đồng; phối hợp với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tặng quà cho 100 trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS với 30 triệu đồng; phục vụ lãnh đạo thành phố thăm và tặng quà 04 cơ sở trợ giúp trẻ em với 22 triệu đồng.
[4] Nhân dịp tết Trung thu 2018, phối hợp công ty Cổ phần Truyền thông Alaska và công ty GrabTaxi tổ chức tặng 370 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Làng Hy Vọng, Trung tâm phòng chống HIV/AISD và Hội từ thiện & BVQTE (trong đó 30 em nhận học bổng), tổng kinh phí 110 triệu đồng; phối hợp tổ chức Cứu tế Thế giới - Úc (AOGWR) khảo sát hỗ trợ bể bơi di động cho học sinh tiểu học phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, đồng thời tổ chức gặp mặt và tặng quà cho 08 trẻ em bị tim bẩm sinh đã được hỗ trợ phẫu thuật; phối hợp Công ty Bảo Việt nhân thọ Đà Nẵng tổ chức chương trình “An sinh giao dục” tặng 10 xe đạp và Ba lô cho 10 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt quận Cẩm Lệ, tổng trị giá 22 triệu đồng nhân dịp năm học mới 2018-2019.
[5] Hội nghị tuyên truyền, quán triệt các quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống mại dâm; hội nghị giao ban và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác CNMT, PCMD, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn thành phố.
[6] Trong đó 25 học viên là người ngoài thành phố.
[7] Trong 723 người đang quản lý sau cai có 685 người đủ điều kiện phân loại (509 người tiến bộ, chiếm 74,3%, 115 người chưa tiến bộ chiếm 16,8% và 61 người có nguy cơ tái nghiện, chiếm 8,9%) và 38 người mới về chưa đủ điều kiện phân loại
[8] Tại 03 phường Hòa An, Hòa Minh và Thanh Khê Đông.