Trong khi đó, sự suy giảm kinh tế ở Việt Nam và Trung Quốc là do tác động của nền kinh tế thực, chứ không phải là khủng hoảng tài chính, nên thời gian phục hồi chắc chắn cũng sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, tình hình thực tế thế nào còn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan, vào sự điều hành của Chính phủ cũng như năng lực của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Nguồn: Viện Nghiên cứu QL KT TW
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra ba kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2009. Với kịch bản lạc quan, tăng trưởng GDP của nước ta trong năm nay đạt 5,56%.
Ngày 13/5, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố Báo cáo kinh tế Việt Nam 2008 và dự báo về tăng trưởng năm 2009.
Theo nhóm tác giả, năm 2009 kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đà suy giảm và tăng trưởng chậm hơn so với năm 2008, do tác động mạnh và chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt của cuộc suy thoái kinh tế kinh tế toàn cầu. Sự suy giảm của kinh tế thế giới là nhân tố có thể tác động bất lợi cho nền kinh tế trong nước, một nền kinh tế vốn dĩ dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.
Ba kịch bản về tăng trưởng GDP 2009 của CIEM cho rằng, nền kinh tế sẽ tăng trưởng với tốc độ thấp hơn năm 2008, lạm phát cao và thâm hụt ngân sách ở mức tương đối lớn, một phần do tác động của việc thực thi gói chính sách kích cầu của Chính phủ.
Với kịch bản cơ bản, giả định GDP của các đối tác thương mại của Việt Nam tăng 0,5%, giá dầu thô thế giới giảm 50%, GDP trong nước sẽ tăng 4,69% so với mức 6,2% năm 2008, thấp xa so với các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Theo đó, lạm phát sẽ tăng 9,4% và xuất khẩu giảm 12,2%.
Theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế theo ba khu vực chính (nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng - dịch vụ) tương ứng là 2,67%, 4,69% và 5,7%; trong đó, ngành xây dựng tăng 5,4%.
Kịch bản lạc quan dự báo, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5,56%, mức thâm hụt ngân sách lên đến 9,4% GDP, lạm phát tăng 8,9%, xuất khẩu giảm 7,2%. Giả định của kịch bản này là GDP của các đối tác thương mại tăng 1%, giá dầu thô giảm khoảng 45%.
Còn kịch bản bi quan dựa trên dự báo GDP của các đối tác thương mại tăng 0%, đồng Việt Nam mất giá danh nghĩa 3 điểm phần trăm, cung tiền tệ (M2) tăng 15% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ là 3,39%, lạm phát tăng 8,2%, xuất khẩu giảm 25,5%.
TS. Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nhiều khả năng nền kinh tế diễn biến theo kịch bản lạc quan, tức là GDP tăng 5,56%.
Lý do là tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm khả quan, gói kích cầu của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng. Hơn nữa, dù cuộc khủng khoảng kinh tế đang ảnh hưởng sâu rộng đến các nước trên thế giới nhưng khu vực Đông Nam Á không nằm trong mắt bão; Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, đang chuyển đổi nên mức tiêu dùng nội địa, mức cầu có khả năng thanh toán chứ không đơn giản là chỉ nhìn vào những yếu tố như các nước khác như tiền lương, thu nhập.
TS. Đinh Văn Ân còn chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lần này là cuộc khủng hoảng về cơ cấu, thể chế. Do vậy, để khắc phục được cần phải mất một thời gian ít nhất từ 5 - 10 năm.