(+84) 236 3 822 768   danang@gso.gov.vn
 

Kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2012
Người đăng tin: Quản trị Ngày đăng tin: 03/01/2013 Lượt xem: 183

Kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2012 có nhiều khó khăn, tăng trưởng 8,16% so năm trước, công nghiệp-xây dựng tăng trưởng chậm, dịch vụ duy trì tăng trưởng khá (tăng 12,44%) Năm 2012, trong bối cảnh tình hình kinh tế biến động, cả nước và thành phố đối mặt với khó khăn thách thức, doanh nghiệp thiếu vốn, vốn vay ngân hàng khó tiếp cận, giá cả đầu vào tăng, sản phẩm tồn kho cao, doanh nghiệp phải thu hẹp qui mô, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể phá sản… Nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Đà Nẵng, kinh tế đã duy trì được sự tăng trưởng, đời sống-xã hội và ANTT ổn định. (Nguồn Báo cáo sơ bộ kinh tế - xã hội Đà Nẵng năm 2012 của Cục Thống kê Đà Nẵng)

Kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2012 có nhiều khó khăn, tăng trưởng 8,16% so năm trước, công nghiệp-xây dựng tăng trưởng chậm, dịch vụ duy trì tăng trưởng khá (tăng 12,44%)

(Nguồn Báo cáo sơ bộ kinh tế - xã hội Đà Nẵng năm 2012 của Cục Thống kê Đà Nẵng)

Năm 2012, trong bối cảnh tình hình kinh tế biến động, cả nước và thành phố đối mặt với khó khăn thách thức, doanh nghiệp thiếu vốn, vốn vay ngân hàng khó tiếp cận, giá cả đầu vào tăng, sản phẩm tồn kho cao, doanh nghiệp phải thu hẹp qui mô, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể phá sản… Nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Đà Nẵng, kinh tế đã duy trì được sự tăng trưởng (tuy chưa đạt kế hoạch), đời sống - xã hội và ANTT ổn định.

Giá trị sản xuất trên địa bàn (GO) tính theo giá thực tế ước năm 2012 thực hiện 101.295 tỷ đồng (tăng 18,83% so năm trước), năm 2011 đạt 85.247 tỷ đồng (tăng 31,19% so năm 2010). Năm 2012, GO ngành nông lâm thủy sản tăng 12,61% (năm 2011 tăng 34,79%), GO ngành công nghiệp, xây dựng tăng 16,55% (năm 2011 tăng 33,10%), GO dịch vụ tăng 23,15% (năm 2011 tăng 27,85%).

Tổng sản phẩm trong nước trên địa bàn (GRDP) tính theo giá thực tế ước năm 2012 thực hiện 46.368,6 tỷ đồng (tăng 18,48% so năm trước), năm 2011 đạt 39.134,8 tỷ đồng (tăng 29,39% so năm 2010). Năm 2012, giá trị tăng thêm (VA) tính theo giá thực tế ước đạt 41.988,8 tỷ đồng, tăng 18,48% so năm trước, trong đó: ngành nông lâm thủy sản tăng 11,44% (năm 2011 tăng 35,35%), VA ngành công nghiệp, xây dựng tăng 14,68% (năm 2011 tăng 37,21%), VA dịch vụ tăng 22,24% (năm 2011 tăng 27,58%).

Cơ cấu GRDP ước năm 2012 (giá hiện hành) như sau: Khu vực nông, lâm, thủy sản 2,97% (2011 là 3,15%); khu vực công nghiệp, xây dựng 39,15% (2011 là 40,45%) và khu vực dịch vụ 57,88% (2011 là 56,40%).

GRDP năm 2012 (tính theo giá 1994) của thành phố Đà Nẵng ước đạt 13.957 tỷ đồng, tăng 8,24% so cùng kỳ năm 2011 (tốc độ GDP năm 2011 so với năm 2010 là: 10,95%). Trong đó: Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 0,33%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 3,14% và khu vực dịch vụ tăng 12,65% so với năm 2011. Các khu vực kinh tế đóng góp như sau: Nông lâm thủy sản giảm 0,01%; Công nghiệp, xây dựng tăng 1,32%; Dịch vụ và thuế nhập khẩu tăng 6,92%.

Giá trị sản xuất tính theo giá so sánh 2010 ước năm 2012 đạt 79.563 tỷ đồng tăng 8,36% so năm trước, trong đó khu vực 1 giảm 1,27%, khu vực 2 tăng 5,76%, khu vực 3 tăng 13,37%. Các ngành có GTSX tăng trưởng cao hơn mức tăng chung chủ yếu ở ngành dịch vụ, và những ngành có tỷ trọng GO cao có GO tăng trưởng khá như ngành thương mại tăng 13,68%, lưu trú, ăn uống tăng 16,39%, thông tin và truyền thông tăng 19%,…

GRDP năm 2012 (giá so sánh 2010) của thành phố Đà Nẵng ước đạt 36.253 tỷ đồng, tăng 8,16% so cùng kỳ năm 2011. Trong đó: Khu vực NLTS giảm 1,95%, khu vực CNXD tăng 3,26% và khu vực DV tăng 12,44% so với năm 2011.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2012 ước đạt 10.911 tỷ đồng, đạt 81,1% dự toán, trong đó: thu thuế nhập khẩu 2.500 tỷ đồng, đạt 100% dự toán, thu nội địa 6.400 tỷ đồng, đạt 62,2% dự toán, nếu loại trừ tiền sử dụng đất (1.300 tỷ đồng) thì ước đạt 75,1% dự toán. Thu ngân sách nhà nước đạt thấp, do việc thực hiện miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Tổng chi ngân sách năm 2012 thực hiện 10.568,41 tỷ đồng, đạt 81,8% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển 63.092,16 tỷ đồng, chi thường xuyên 3.038,17 tỷ đồng. Công tác quản lý điều hành chi ngân sách gặp khó khăn do nguồn thu không đảm bảo.

Tình hình các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Đà Nẵng năm 2012 cụ thể:

1) Công nghiệp: Ước năm 2012, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp thành phố tăng 6,38% so với năm trước, trong đó: ngành công nghiệp khai thác bằng 87,79%, ngành công nghiệp chế biến tăng 5,47%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện bằng 11,04%, sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 8,24% so với năm 2011.

Năm 2012 một số sản phẩm có sản lượng tăng khá như: mực đông tăng 138,92%, giày dép thể thao tăng 69,23%, cấu kiện thép tăng 31,54%, linh kiện điện tử tăng 48,61%... Bên cạnh đó còn có một số sản phẩm giảm sản lượng như: quần áo thể thao giảm 22,69%, lốp xe đạp, xe máy giảm 11,06%, đồ chơi giảm 34,6%...

Một số ngành công nghiệp năm 2012 có mức tăng cao hơn mức tăng chung như: sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,04%; khai thác xử lý cung cấp nước tăng 8,24%; dệt tăng 10,86%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 69,23%; sản xuất xe có động cơ tăng 10,27% so với năm 2011…

Trong năm 2012 một số doanh nghiệp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng sản xuất như: Công ty TNHH ITG- Phong phú, Công ty TNHH Imperial Đà Nẵng, Nhà máy đóng tàu, Công ty cơ điện công nghiệp tàu thủy… và một số công ty hoạt động cầm chừng, giảm sút như Công ty tôn Liên chiểu, Cty điện chiếu sáng…

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, chính phủ đã có nhiều chính sách như: yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay; bảo lãnh tín dụng; gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế GTGT; giảm tiền thuê đất; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Nhờ đó sản xuất công nghiệp trong các tháng cuối năm đã có phần khởi sắc hơn, mức tăng trưởng khá hơn song vẫn chưa ổn định (3 tháng đầu năm 2012 chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,08%, 6 tháng đầu năm 2012 tăng 4,97%, 9 tháng đầu năm 2012 tăng 6,65%, năm 2012 tăng 6,38 so với cùng kỳ).

2) Nông, lâm nghiệp và thủy sản: Năm 2012 mặc dù giảm diện tích gieo trồng, sự cản trở khai thác hải sản trên biển Đông…nhưng ngành nông lâm thủy sản đã đạt được kết quả khá. Ước giá trị sản xuất (giá 2010) toàn ngành đạt 2.067 tỷ đồng, bằng 98,73% so với năm 2011. Trong đó: giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 51,058 tỷ đồng, lâm nghiệp 616 tỷ đồng và thủy sản 1.399,9 tỷ đồng.

Nông nghiệp: Diện tích gieo trồng lúa năm 2012 đạt 5.919 ha, bằng 92,13% so với 2011, năng suất lúa trung bình đạt 59,9 tạ/ha, tăng 6,3 tạ/ha so với năm 2011, sản lượng đạt 35.463 tấn lúa (tăng 1023 tấn). Tuy diện tích gieo trồng giảm nhưng do năng suất tăng nên đã làm tăng sản lượng lên 4.045,8 tấn. Diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm khác như: ngô 610 ha, năng suất 57,7 tạ/ha; khoai lang 328 ha, năng suất 60,8 tạ/ha; sắn 166,5 ha... Nhìn chung các loại cây hằng năm khác năng suất đạt tương đối khá.

Tính tại thời điểm 01/10/2012, số lượng vật nuôi có trên địa bàn như sau: Trâu: 1.924 con, giảm 116 con; Bò: 13.257 con, tăng 1.063 con; Lợn: 60.285 con, tăng 1.717 con; Gia cầm: 397.625 con, giảm 117.115 con so với thời điểm 01/10/2011. Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật tiến hành chặt chẽ. Tổng số liều được tiêm phòng được: 1.425 liều cho lợn; 12.000 liều cho trâu, bò; 3600 liều cho gia cầm.

Lâm nghiệp: Năm 2012, ngành kiểm lâm đã tổ chức 266 đợt truy quét tại rừng, lập biên bản 162 vụ vi phạm hành chính, xử lý 154 vụ, phạt 850 triệu đồng. Nghiệm thu lâm sản khai thác: 235,3 Ster gỗ rừng trồng; 480.344 m3 gỗ keo lá tràm, 7 m3 gỗ vườn và 1.665 kg gốc mít. Kiểm tra lâm sản nhập xưởng: 149.681 tấn gỗ rừng trồng; 8 m3 gỗ rừng tự nhiên trong nước qui tròn và 9.809 m3 gỗ nhập khẩu qui tròn. Năm 2012 đã xảy ra 16 vụ cháy rừng trên diện tích 180,94 ha, giá trị thiệt hại ước tính 1.820 triệu đồng.

Thủy sản: Sản lượng khai thác thuỷ sản ước năm 2012 đạt 33.024 tấn, bằng 98,76% so với kế hoạch năm và 95,76% so với năm 2011. Trong đó: khai thác biển đạt 32.979 tấn, chiếm 99,22% tổng sản lượng khai thác; bằng 98,06% so với năm 2011.

Diện tích nuôi trồng ước năm 2012 là 461,1ha, bằng 77,56% so với năm trước, trong đó diện tích nuôi cá 418,4 ha. Sản lượng nuôi trồng thu hoạch được: cá 627,5 tấn, tăng 3,89% so với năm trước; tôm 130,3 tấn, bằng 130,04% so với năm trước; sản xuất tôm giống đạt 62 triệu con; bằng 77,50% so với năm 2011. Ngành thủy sản đã tăng cường hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh nên trong năm 2012 dịch bệnh cơ bản được khống chế, tuy nhiên tháng 12/2012 diện tích nuôi nghêu ở Mân Quang, Thọ Quang, Sơn Trà bị chết khá lớn, nguyên nhân do ô nhiễm môi trường (nước thải doanh nghiệp xả ra).

3) Thực hiện vốn đầu tư: Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2012 ước thực hiện được 26.833 tỷ đồng, giảm 13,63% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó: nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 7.827 tỷ đồng, tăng 2,97% so năm 2011. Vốn ngân sách cấp tỉnh ước thực hiện 7.766 tỷ đồng tăng 3,58% so với năm trước. Trong tổng vốn thực hiện: Vốn đầu tư XDCB tăng 1,2% so năm trước (vốn xây lắp tăng 6,2%), vốn mua sắm, s/c MMTB... giảm 47,62% so năm trước

* Tình hình một số công trình trọng điểm năm 2012:

+ Dự án xây dựng cầu mới qua Sông Hàn (Cầu Rồng): Từ khi khởi công đến 15/12/2012 công trình đã thực hiện được 1.205,7 tỷ đồng, đạt 80,45% giá trị 3 gói thầu, trong đó: gói thầu 1a đã hoàn thành quyết toán với giá trị xây lắp hoàn thành đạt 251 tỷ đồng. Năm 2012 công trình thực hiện được 583,6 tỷ đồng, đạt 97,19% khối lượng kế hoạch, giải ngân được 396,6 tỷ, đạt 79,3% kế hoạch năm 2012.

+ Trung tâm hành chính thành phố: Từ khi khởi công đến 15/12/2012 công trình đã thực hiện được 441,5 tỷ đồng, đạt 25,49% so với tổng mức đầu tư. Riêng năm 2012 công trình thực hiện được 206.451 tỷ đồng, chủ yếu là gói thầu xây lắp phần thân hoàn thiện.

+ Bệnh viện ung thư Đà Nẵng: Từ khi khởi công đến 15/12/2012 công trình (Phần xây lắp) đã thực hiện được 736,68 tỷ đồng, đạt 88,4% so với tổng mức đầu tư. Năm 2012 công trình đã thực hiện được 453,2 tỷ đồng.

+ Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi: Từ khi khởi công đến 15/12/2012 công trình đã thực hiện được 2.145 tỷ đồng, đạt 0,65% so với tổng mức đầu tư.

* Thành phố Đà Nẵng có 07 dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý. Hầu hết các dự án tập trung vào lĩnh vực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghệ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật môi trường. Tổng vốn đầu tư 07 dự án trên là 340 triệu USD.

4) Vận tải: Tổng doanh thu hàng hóa, hành khách, dịch vụ đại lý vận tải trên địa bàn thành phố ước năm 2012 đạt 4.618 tỷ đồng, tăng 5,27% so năm 2011. Trong đó: ngành đường bộ tăng 4,67%, đường biển tăng 9,76% so năm 2011. Khối nhà nước đạt 1.018 tỷ đồng, tăng 9,07%, ngoài nhà nước đạt 3.598 tỷ đồng, tăng 4,24% và đầu tư nước ngoài tăng 10,81% so với năm trước. Chia theo loại hình thì doanh thu vận tải hàng hóa tăng 6,03%, hành khách tăng 5,45% so năm 2011.

Sản lượng vận chuyển hành khách năm 2012 ước đạt 32,33 triệu HK tăng 5,10% và khối lượng vận tải hàng hóa 2012 ước đạt 32,92 triệu tấn tăng 6,43% so năm 2011. Ước tính khối lượng luân chuyển hành khách năm 2012 đạt 1.237 triệu HK.Km tăng 4,96%; Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 3.204 triệu T.Km tăng 6,33% so năm 2011. Dự kiến năm 2012 sản lượng hàng hóa thông qua Cảng tăng 14,85% so năm 2011, tương đương 4.442 tấn thông qua.

5) Thương mại: Tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ năm 2012 ước đạt 51.873 tỷ đồng, tăng 16,12% so với năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước ước đạt 6.621 tỷ đồng, (chiếm 12,76% so tổng mức bán chung của thành phố), tăng 5,59% so năm trước ; Kinh tế tư nhân dự ước đạt 28.204,5 tỷ đồng, (chiếm 54,37%), tăng 15,28% so năm trước ; Kinh tế cá thể ước đạt 16.090 tỷ đồng, (chiếm 31,02%), tăng 22,56% so năm trước ; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dự ước đạt 948,1 tỷ đồng, (chiếm 1,83%), tăng 19,01% so năm trước. Thương nghiệp chiếm 73,66% tổng mức và tăng 17,66% so với năm 2011; khách sạn, nhà hàng chiếm 10,98%, tăng 21,32% so với năm 2011; du lịch chiếm 0,95%, tăng 16,17% so với năm 2011, dịch vụ chiếm 14,41% tăng 5,61% so với năm 2011.

Ước năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 894,976 triệu USD, tăng 14,91% so với năm trước. Hoạt động xuất khẩu năm 2012 giữ được tốc độ tăng tương đối ổn định, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 474,058 triệu USD chiếm tỉ trọng cao nhất, chiếm 52,97% tổng kim ngạch xuất khẩu thành phố, tăng 16,95% so với năm 2011. Chủ yếu do sự tăng trưởng về xuất nhập khẩu của các công ty: Cty điện tử Foster tăng hơn 2 lần so năm 2011, Cty Mabuchi tăng 33,7% so năm 2011.

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản, hàng may mặc đạt thấp do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp, ngoài ra Công ty ITG Phong Phú là công ty kinh doanh hàng may mặc xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn nhưng năm nay ngừng sản xuất. Nhóm hàng xuất khẩu có xu thế phát triển trong thời gian đến là nhóm hàng linh kiện điện tử, nhóm hàng này chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2012 ước đạt 879.791 triệu USD tăng 6,15% so với năm trước. Trong đó: kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế tư nhân đạt 309 triệu USD, chiếm 35,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 7,02% so với 2011; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 349 triệu USD, chiếm 41,8%, tăng 9,51%; kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế nhà nước đạt 221 triệu USD, chiếm 25,1%, tăng 0,15% so với 2011.

6) Giá cả: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2012 so với cùng kỳ năm 2011 tăng 6,38%. Những nhóm hàng tăng cao so với mức tăng bình quân chung như: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 13,29%, nhóm giáo dục tăng 21,92%, nhóm nhà ở điện nước, chất đốt và VLXD tăng 12,09%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,33%, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 8,4%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 6,58%. Những nhóm hàng còn lại tăng thấp hơn giá bình quân chung, riêng nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm 0,65% so cùng kỳ. Giá vàng tăng 5,02% so cùng kỳ, giá Đô la Mỹ tháng này giảm 0,69% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 so năm 2011 tăng 9,18%. Những nhóm hàng tăng khá cao so với mức tăng bình quân chung như: Ăn uống ngoài gia đình tăng 9,22%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 9,70%, giáo dục tăng 12,68%. Những nhóm hàng còn lại tăng thấp hơn giá bình quân chung, riêng nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm 1,23%. Giá vàng (nhẫn tròn 1-2 chỉ) tăng 10,49%, giá Đô la Mỹ giảm 0,22% so với năm 2011.

7) Hoạt động Y tế: Năm 2012 ước có 1.332 nghìn lượt người khám chữa bệnh. Trong đó: số bệnh nhân khám BHYT chiếm 65,09% tổng số bệnh nhân, số bệnh nhân nằm điều trị nội trú là 201,8 nghìn lượt người, tăng gần 10 nghìn lượt so với cùng kỳ. Công suất sử dụng giường bệnh chung toàn thành phố trong năm 2012 bình quân đạt 154,4%, tăng 41,48% so với năm 2011. Số ca phẫu thuật trong năm 2012 ước 70 nghìn ca, tăng hơn 10 nghìn ca so với năm 2011, trong đó: phẫu thuật loại đặc biệt và loại 1 chiếm 28,64% (giảm 6,36% so với 2011). Việc thực hiện được các kỹ thuật điều trị phức tạp cho thấy ngành y tế ngày càng có một đội ngũ y bác sĩ có chất lượng, cộng với trang thiết bị càng được cải tiến có thể giúp bệnh nhân vượt qua được các ca bệnh hiểm nghèo, yên tâm điều trị.

Tình hình dịch bệnh: Bệnh tay-chân-miệng năm 2012 có xu hướng tăng: Trong năm 2012, có 2.772 ca mắc bệnh TCM, trong đó có 01 trường hợp tử vong tại quận Cẩm Lệ, tăng 1981 ca so với năm 2011, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai các công tác phòng chống dịch TCM, thành lập các đoàn đi kiểm tra phòng chống dịch từ tuyến thành phố đến quận, huyện, xã, phường. Dịch sốt xuất huyết năm nay không có dấu hiệu bùng phát như năm trước, tuy nhiên muỗi có xu hướng kháng thuốc nên dịch bệnh chưa có chiều hướng giảm: Tính đến ngày 18/12/2012 có 108 ca mắc sốt xuất huyết, so với năm 2011 giảm 33 ca.

Tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm: Năm 2012 Thành phố đã thành lập được 90 đoàn kiểm tra, trong đó có 68 đoàn kiểm tra liên ngành và đã thanh kiểm tra 4.821/6.871 cơ sở quản lý, đạt tỷ lệ 70%. Số cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế là 4.181 cơ sở, đạt tỷ lệ 86,9%. Số cơ sở vi phạm là 578 cơ sở, chiếm tỷ lệ 14,4% so với tổng số được kiểm tra; trong đó: cảnh cáo 604 cơ sở, tỷ lệ 95,7% so với tổng số cơ sở vi phạm; phạt tiền 79 cơ sở, tỷ lệ 13,7% so với tổng số cơ sở vi phạm; số tiền phạt 122 triệu đồng; tuy nhiên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2012 cũng xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại nhà hàng khách sạn Sandy Beach và bánh mỳ Đồng Tiến đường Phan Đăng Lưu, cơ quan chức năm đã xử lý và phạt cơ sở vi phạm.

8) Hoạt động giáo dục: Tỷ lệ tốt nghiệp PTTH năm 2011-2012 đạt 99,5%, tăng 1,9% so với năm học trước, tốt nghiệp Bổ túc THPT đạt 87,1%, tăng 6,3%. Năm học 2011-2012 có 32/130 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 24,6%, 68% trường tiểu học, 16/54 trường THCS và 4/20 trường PTTH đạt chuẩn quốc gia. Chú trọng tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, kết quả có 63/77 học sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia đạt giải, chiếm tỷ lệ 81,8%. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT: có 10.797 thí sinh đỗ, đạt tỉ lệ 99,53%; trong đó: xếp loại giỏi có 225 HS, xếp loại tốt nghiệp khá có 1.086 em.

9) Các hoạt động Văn hóa, văn nghệ, du lịch: Năm 2012, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 2.831 nghìn lượt, vượt 9,3% so với kế hoạch; trong đó khách quốc tế ước đạt 675.684 lượt, tăng 26%, khách nội địa ước đạt 2.155.751 lượt, tăng 6% so với năm 2011. Tổng thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt 6.105 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2011 và vượt 20,77% so với kế hoạch. Năm 2012, khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng qua đường bộ ước đạt 34545 lượt khách, tăng 16,1% so với năm 2011; đón 49 chuyến tàu với 46453 lượt khách, tăng 11% so với năm 2011. Khách du lịch tàu biển tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do các hãng tàu lớn cập Cảng, với tần suất 01 chuyến/tuần; và còn có các chuyến tàu mới đưa khách đến tham quan thành phố.

Ngành VHTT đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 15 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, mừng Đảng đón Xuân - 2012, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế... Sở VHTTDL đã tổ chức Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các Trường Văn hóa nghệ thuật, Thể dục thể thao và Du lịch”, Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2012, Cuộc thi sáng tác ca khúc về thành phố Đà Nẵng, tổ chức lớp nghệ thuật Hè cho học sinh, sinh viên. Năm 2012 đã đưa vào hoạt động các tuyến bay thuê chuyến từ Macao, Nam Kinh và Hàng Châu. Đến nay có 9 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng đang được duy trì hoạt động.

10) Tai nạn giao thông: Năm 2012, lực lượng Công an thành phố kiểm soát các chốt chặn tại nhiều ngã đường nên tình trạng vi phạm trật tự giao thông được hạn chế. Năm 2012 xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông đường bộ, giảm 31 vụ so với năm 2011, làm chết 91 người (giảm 32 người), bị thương 79 người (giảm 64 người). Thành phố lắp đặt thêm các trạm tín hiệu đèn, mở rộng nâng cấp một số tuyến đường nên tình trạng tắc đường giờ cao điểm không còn xảy ra, hạn chế ngập úng trên một số tuyến đường vì mưa lớn.

11) Xã hội và đời sống: Năm 2012 thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm cho các lao động trên địa bàn thành phố, mỗi phiên giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động mỗi tháng, trong đó có 21% là người ngoại tỉnh. Đa số lao động được tuyển dụng trực tiếp vào làm việc tại các DN dệt may, điện tử, khách sạn, dịch vụ bảo vệ... Năm 2012 thành phố đã tạo việc làm cho 32.159 lao động, đưa 300 người đi làm việc ở nước ngoài, đạt 150% kế hoạch. Trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, thành phố đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần giúp các thành phần kinh tế ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới cho xã hội. Chương trình thành phố "5 không", "3 có" tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh thực hiện. Thành phố đã hỗ trợ 291 triệu đồng trợ cấp hàng tháng cho 582 hộ đặc biệt nghèo (500.000 đồng/hộ) và 481,7 triệu đồng hỗ trợ 1.927 hộ đặc biệt nghèo còn khả năng lao động. Năm 2012 ước có 5.854 hộ vươn lên thoát nghèo, đạt 121% kế hoạch, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,4% và không còn hộ đặc biệt nghèo.

12) Môi trường: Năm 2012, Đà Nẵng được APEC công nhận đô thị có hàm lượng các bon thấp và được chọn 1 trong 20 đô thị thực hiện đề án "Mô hình đô thị các bon thấp nhất" của thế giới. Để đạt được sự công nhận này, chính quyền TP. Đà Nẵng trong hàng chục năm qua đã triển khai đồng bộ các dự án chỉnh trang đô thị, các dự án cây xanh và đã đệ trình 4 dự án tiêu biểu nhằm hạn chế thải khí carbon vào môi trường tự nhiên bao gồm: sử dụng xe đạp điện, tàu điện ngầm, giảm phát thải khí nhà kính sử dụng năng lượng mới, và xây dựng hệ thống xe buýt nhanh. Các dự án này đang trình chính phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt sẽ được đồng bộ triển khai trong những năm đến.

Nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng năm 2012 còn khó khăn nhưng tăng trưởng tương đối ổn định hơn năm trước, kinh tế bước đầu phục hồi sau khủng hoảng, đời sống người dân cũng dần được cải thiện. Mức tăng trưởng kinh tế còn chưa đạt mức phấn đấu thành phố đề ra, nguyên nhân do tình hình kinh tế thiếu ổn định, chính sách vĩ mô thiếu đồng bộ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp. Thành phố đã tập trung, phối hợp các ngành các cấp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tập trung vào những giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cho cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ như hỗ trợ về vay vốn, tiền thuê đất, thuế; tiếp tục đẩy mạnh các chính sách xã hội như: hỗ trợ việc làm, xóa đói giảm nghèo, bố trí tái định cư, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng giao thông đô thị, cải thiện cơ chế chính sách.

(P.T.M.P)

Chuyên mục, tin tức liên quan:

Video Video

 

 

Thư viện hình ảnh Thư viện hình ảnh

Liên kết web Liên kết web

Bản quyền thuộc về Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng

Địa chỉ: 310 Hoàng Diệu - Hải Châu - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (+84) 236 3822768 - 3827680

Email: danang@gso.gov.vn