(+84) 236 3 822 768   danang@gso.gov.vn
 

Tình hình kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng tháng 02 năm 2013
Người đăng tin: Quản trị Ngày đăng tin: 12/03/2013 Lượt xem: 21

Chính thức tháng 01 năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố Đà Nẵngtăng 53,54%. Trong đó: ngành công nghiệp khai thác bằng 95,75%; ngành công nghiệp chế biến tăng 64,34%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 19,58%

* Chính thức tháng 01 năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố Đà Nẵng tăng 53,54%. Trong đó: ngành công nghiệp khai thác bằng 95,75%; ngành công nghiệp chế biến tăng 64,34%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 19,58%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 21,03% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 năm 2013 tăng cao so với cùng kỳ do Tết âm lịch năm trước rơi vào tháng 01 năm 2012 (thời gian nghỉ Tết chiếm gần 1/3 tháng 01/2012).

* Ước tính tháng 2/2013 so với 01 năm 2013, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp bằng 69,31%. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ bằng 74,87%; công nghiệp chế biến bằng 61,22%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện bằng 97,48%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 2,48%. Tháng 02/2013 sản xuất công nghiệp giảm do thời gian nghỉ Tết Quý Tỵ kéo dài 10 ngày.
Tháng 02/2013 so với cùng kỳ năm 2012, ước chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp bằng 80,42%. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ bằng 60,31%; công nghiệp chế biến bằng 73,36%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 7,33%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 10,7%.
* Ước lũy kế 2 tháng đầu năm 2013 so cùng kỳ năm 2012, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 11,43%. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ bằng 76,5%, công nghiệp chế biến tăng 11,73%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 13,2%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 15,57% so cùng kỳ năm 2012.
Qua 2 tháng đầu năm 2013 một số ngành chủ lực có tốc độ phát triển khá so với cùng kỳ: CNCB thực phẩm tăng 14,65%, CN dệt tăng 33,46% (Trong đó: SX lưới tăng 87,91%), CN sản xuất trang phục tăng 20,56%. Đồng thời, một số ngành giảm sút là: Khai thác đá giảm 23,5%, ngành khoáng phi kim loại giảm 25,15%, SX phụ tùng xe có động cơ giảm 42,14%, ngành chế biến, chế tạo khác giảm 25,74%...
2. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
a/ Nông nghiệp:
* Trồng trọt:
Diện tích lúa gieo sạ Vụ Đông Xuân 2012-2013 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ước đạt 2.958 ha; bằng 93,50% so với cùng kỳ năm trước và 51% diện tích gieo trồng so với kế hoạch năm 2013. Chủ yếu là giống lúa NX30, Xi23, ngoài ra tùy theo điều kiện từng địa phương bố trí một số giống trung, ngắn ngày hợp lý cho từng trà theo lịch thời vụ như: TBR 45, HT1, X21,… Hiện nay lúa trong giai đoạn đẻ nhánh và phát triển tốt. Mặc dù đầu vụ đã phát động ra quân diệt chuột tại mỗi địa phương, nhưng năm nay không có lũ lụt nên số lượng chuột trên đồng ruộng vẫn còn cao, có nguy cơ gây hại cho các trà lúa.
Diện tích gieo trồng vụ Đông-Xuân các loại cây hằng năm khác như: ngô 243,3 ha, bằng 93,3% so với cùng kỳ năm trước; khoai lang 175 ha, bằng 86,81% so với cùng kỳ năm trước; lạc 544,5 ha; sắn 97 ha; mía 130 ha (bằng 87,25%), rau 420 ha (bằng 77,22%)… Các loại cây trồng vụ Đông Xuân đang phát triển tốt.
* Chăn nuôi: Tính tại thời điểm 01/10/2012, số lượng đàn gia súc gia cầm có trên địa bàn như sau: Trâu: 1.924 con so với thời điểm 1/10/2011 giảm (-116) con; Bò: 13.257 con tăng (+1063) con; Lợn: 60.285 con tăng (+1717) con; Gia cầm: 397.625 con giảm (-117 115) con.
Trong tháng 02/2013, tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, tất cảc các loại vật nuôi trên địa bàn đều phát triển bình thường. Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật tiến hành chặt chẽ. Công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng đã được tăng cường và giám sát tình hình dịch bệnh đến tận thôn, tổ, hộ gia đình chăn nuôi nhằm phát hiện sớm và có biện phát xử lý kịp thời, nên không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Ước tính tháng 02 năm 2013, trên toàn địa bàn đã kiểm soát giết mổ hơn 34.625 con heo; 1.529 trâu, bò và 72.692 gia cầm; Tổng số liều được tiêm phòng được: 900 liều cho lợn; 10.005 liều cho trâu, bò; 8.150 liều cho gia cầm.
b/ Lâm nghiệp
Tháng 02/2013, thời tiết tại Đà Nẵng có mưa vừa và nắng nhẹ, các ngành chức năng liên quan tập trung công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn, đặc biệt trong dịp cận Tết nên không xảy ra cháy rừng. Tính từ đầu năm 2013 đến nay lực lượng kiểm lâm Đà Nẵng đã tổ chức được trên 35 đợt truy quét tại rừng, đã lập biên bản 08 vụ vi phạm hành chính và xử phạt tiền tạm thu giữ nhiều hiện vật quí.
c/ Thuỷ sản
Hoạt động khai thác thuỷ sản trong tháng 02/2013 tương đối thuận lợi do thời tiết tốt, sản lượng khai thác ước đạt 2.825 tấn, tăng 278 tấn so tháng trước, lũy kế 02 tháng năm 2013 đạt 5.348 tấn, đạt 14,65% so với kế hoạch năm và 126,97% so với cùng kỳ năm 2012.
Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn cũng khá thuận lợi, sản lượng nuôi trồng ước trong tháng 02 đạt 10,5 tấn cá, 8,5 tấn tôm. Lũy kế 02 tháng đầu năm 2013 đạt 66 tấn cá, 10,6 tấn tôm. Nhìn chung sản lượng nuôi trồng tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2012.
3. Thực hiện vốn đầu tư
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 01/2013 thực hiện được 341 tỷ đồng, giảm 13,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: từ vốn cân đối ngân sách tỉnh: 162 tỷ đồng, chiếm 47,71%; vốn nước ngoài: 87 tỷ đồng, chiếm 25,76%; từ nguồn vốn khác: 90 tỷ đồng, chiếm 26,53% so với tổng số. Tháng 01/2013 là tháng đầu thực hiện kế hoạch vốn đầu tư 2013 nên có nhiều công trình chưa triển khai được.
Dự kiến tháng 2 năm 2013, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn của Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được 301 tỷ đồng, giảm 11,83% so với tháng trước, trong đó: nguồn cân đối ngân sách: 135 tỷ đồng chiếm 44.95%, vốn nước ngoài: 80 tỷ đồng, chiếm 26,65%; từ nguồn vốn khác: 85 tỷ đồng, chiếm 28,4% so với tổng số. Do Tết âm lịch rơi vào tháng 2/2013, thời gian nghỉ Tết kéo dài vì vậy tiến độ xây dựng bị giảm sút so với tháng trước.
* Tình hình một số công trình trọng điểm năm 2013:
+ Dự án xây dựng cầu mới qua Sông Hàn (Cầu Rồng): Dự án này được khởi công từ ngày 19/07/2009. Dự án bao gồm 3 gói thầu chính là 1a, 1b, nút 2 đầu cầu. Tính từ khi khởi công đến 31/1/2013 công trình đã thực hiện được 1.223tỷ đồng, đạt 92,3% giá trị 3 gói thầu. Gói thầu 1a đã hoàn thành, gói thầu 1b hoàn thành 93,8% khối lượng. Dự kiến cuối tháng 3/2013 sẽ hoàn thành, hiện nay đang triển khai sản xuất, lắp đặt đầu, đuôi rồng, vảy rồng, hoàn thiện vỉa hè, cầu thang đi bộ phía bờ đông.
+ Trung tâm hành chính thành phố: Tính từ khi khởi công đến 15/1/2013 công trình đã thực hiện được 473.135 triệu đồng, đạt 27,32% so với tổng mức đầu tư, chủ yếu là gói thầu xây lắp phần ngầm và phần thân hoàn thiện .
+ Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi: Tính từ khi khởi công đến 15/8/2012 công trình đã thực hiện được 2.145 triệu đồng đạt 0,65% so với tổng mức đầu tư. Chủ yếu là phần thí nghiệm cọc. Từ 15/8/2012 công trình đến nay chưa triển khai thêm.
+ Cầu Nguyễn Tri phương và đường Nguyễn Tri Phương nối dài đi Hòa Quý: Cầu nguyễn Tri Phương cơ bản đã hoàn thành, tính từ khởi công đến 30/1/2013, công trình đã thực hiện được 525 tỷ đồng, đạt 97% giá trị hợp đồng. Riêng tháng 1/2013 thực hiện được 16,24 tỷ đồng. Đường Nguyễn Tri Phương nối dài đi Hòa Quý tính từ khởi công đến 30/1/2013 thực hiện được 182,7 tỷ đồng, đạt 78,08% giá trị hợp đồng. Riêng tháng 01/2013 thực hiện được 151,22 tỷ đồng.
4. Vận tải
* Doanh thu: Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp và các dịch vụ, đại lý vận tải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chính thức tháng 1/2013 đạt 422 tỷ đồng, tăng 7,74% so với tháng 1/2012.
Mặc dù các công ty vận tải mất một số ngày nghỉ Tết Quý Tỵ nhưng giá cước vận tải trong những ngày giáp Tết và sau Tết tăng cao, vì vậy không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu.
Ước doanh thu vận tải 2 tháng đầu năm 2013 đạt 919 tỷ đồng, tăng 12,51% so cùng kỳ năm trước. Như các năm, Tết âm lịch năm nay thành phố Đà Nẵng không để cho hành khách nào nghỉ lại tại bến xe vào dịp Tết do không mua được vé. Doanh thu vận tải tăng là do khối lượng vận chuyển lớn về hành khách trước và sau Tết âm lịch.
* Sản lượng:
Do nhu cầu đi lại các tháng trước và sau Tết, khối lượng hành khách vận chuyển tháng 02 năm 2013 tăng, ước tính khối lượng luân chuyển 2 tháng đầu năm 2013 đạt 447 triệu HK.km tăng 12,45% so cùng kỳ năm 2012. Khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 827 triệu Tấn.km tăng 0,14% so cùng kỳ năm 2012.
* Hàng hoá thông qua cảng: Tổng sản lượng hàng hóa thông qua Cảng tháng 01 năm 2013 đạt 363 nghìn tấn, tăng 9,8% so tháng 01 năm 2012. Trong đó: hàng nhập khẩu đạt 81 nghìn tấn, bằng 99% so cùng kỳ năm trước; hàng xuất khẩu đạt 185 nghìn tấn, tăng nhẹ 1% so cùng kỳ năm trước; hàng nội địa đạt 96 nghìn tấn tăng 12% so tháng 01 năm 2012. Hàng container đạt 148 nghìn tấn, tăng 35,2% so cùng kỳ năm trước.
Dự ước tháng 02/2013, sản lượng hàng hóa thông qua cảng là 300 nghìn tấn tăng nhẹ 1,69% so cùng kỳ năm 2012. Lũy kế 2 tháng đầu năm sản lượng hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 663 nghìn tấn, tăng 5,05% so cùng kỳ năm trước.
5. Thương mại
a, Về lưu chuyển hàng hoá:
* Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 02/2013 đạt 4.910 tỷ đồng, tăng 1,76% so tháng trước và tăng 26,24% so với tháng 02 năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 0,53% so tháng trước và tăng 17,15% so với tháng 02 năm 2012. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 581,31 tỷ đồng, chiếm 11,84% so tổng mức bán chung của thành phố, tăng 1,1% so tháng trước và 18,97% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế tư nhân đạt 2.753,36 tỷ đồng, chiếm 56,07% so tổng mức bán chung của thành phố, tăng 0,99% so tháng trước, tăng 30,97% so cùng kỳ; Kinh tế cá thể đạt 1.479,6 tỷ đồng, chiếm 30,13% so tổng mức bán chung của thành phố, tăng 3,32% so tháng trước, tăng 19,85% so cùng kỳ năm 2012.
* Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 2 tháng đầu năm 2013 đạt 9.735,79 tỷ đồng, tăng 22,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước dự ước đạt 1.156,32 tỷ đồng, chiếm 11,88% so tổng mức bán chung của thành phố, tăng 19,16% so cùng kỳ; Kinh tế tư nhân dự ước đạt 5.479,67 tỷ đồng, chiếm 56,28% so tổng mức bán chung của thành phố, tăng 28,45% so cùng kỳ; Kinh tế cá thể dự ước đạt 2.911,6 tỷ đồng, chiếm 29,91% so tổng mức bán chung của thành phố, tăng 12,54% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dự ước đạt 186,1 tỷ đồng, chiếm 1,91% so tổng mức bán chung của thành phố, tăng 37,29% so cùng kỳ năm 2012.
Trong 2 tháng đầu năm 2013 tổng mức bán lẻ Thương nghiệp là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất (73,55% so tổng mức), và tăng 22,82% so cùng kỳ năm trước. Các nhóm ngành hàng khác như khách sạn, nhà hàng, du lịch tăng mạnh do nhu cầu vui chơi, giải trí, du lịch trong các ngày Tết Nguyên Đán: Khách sạn, nhà hàng chiếm 10,85% tổng mức, tăng 22,29% so cùng kỳ năm 2012; Du lịch chiếm 0,82% tổng mức, tăng 13,56% so cùng kỳ năm trước; Dịch vụ chiếm 14,78%, tăng 20,28% so cùng kỳ năm 2012.
b, Về ngoại thương:
Năm nay Tết Quý Tỵ nhằm vào đầu tháng 02 năm 2013, thời gian nghỉ Tết khá dài nên số ngày hoạt động xuất nhập khẩu tháng 02/2013 ít hơn các tháng trước.
* Dự ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 02 năm 2013 của Tp Đà Nẵng đạt 62,34 triệu USD, giảm 24,4 % so tháng trước, và giảm 12,63% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước giảm 15,94% so cùng kỳ và giảm 23,6% so tháng trước; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10,23% so cùng kỳ và giảm 26,1% so tháng trước; khu vực kinh tế tư nhân giảm 13,17% so cùng kỳ và giảm 22,6% so tháng trước.
Hàng thủy hải sản ước đạt 6,8 triệu USD, bằng 10,9% so tổng kim ngạch xuất khẩu của TP Đà Nẵng, giảm 12,73% so cùng kỳ năm trước. Hàng CN-TTCN ước đạt 55,54 triệu USD, bằng 89,1% so tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Đà Nẵng, giảm 11,87% so cùng kỳ năm trước.
* Ước cộng dồn 2 tháng đầu năm 2013 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 144,86 triệu USD, tăng 14,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Hàng thủy hải Sản ước đạt 16,71 triệu USD, bằng 11,54% so tổng kim ngạch xuất khẩu của TP Đà Nẵng, tăng 1,17% so cùng kỳ năm trước; Hàng CN-TTCN ước đạt 128,14 triệu USD bằng 88,46% so tổng kim ngạch xuất khẩu của TP ĐN, tăng 16,28% so cùng kỳ năm 2012.
* Ước kim ngạch nhập khẩu tháng 2 năm 2013 ước thực hiện 58,03 triệu USD, giảm 10,87% so cùng kỳ năm trước, giảm 20% so tháng trước.
Trong kim ngạch nhập khẩu, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt kim ngạch 25,33 triệu USD, chiếm 43,65% so tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn, giảm 9,35% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế tư nhân ước đạt 21,63 triệu USD, chiếm 37,27%, giảm 10,03% so cùng kỳ năm 20112, kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 11,07 triệu USD, chiếm 19,08 % so tổng kim ngạch, giảm 15,85% so cùng kỳ năm trước.
* Ước kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2013 đạt 130,6 triệu USD, tăng 8,52% so cùng kỳ năm trước. Trong kim ngạch nhập khẩu: khu vực kinh tế tư nhân ước đạt 47,05 triệu USD, chiếm 36,03%, tăng 8,54% so cùng kỳ năm trước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt kim ngạch 57,155 triệu USD chiếm 43,76% so tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 11,25%, kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế nhà nước đạt 26,39 triệu USD, chiếm 20,21% kim ngạch và tăng 3,02% cùng kỳ năm trước.
c, Chỉ số giá tiêu dùng
* Chỉ số chung giá tiêu dùng CPI tháng 02/2013 so tháng trước tăng 1,23%. Trong đó: khu vực thành thị tăng 1,22%, khu vực nông thôn tăng 1,35%. Chỉ số giá của các nhóm hàng tăng cao trong tháng 02/2013 hầu hết là các hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của ngày Tết.
Tăng cao nhất là chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm tăng 2,79% là do nhu cầu mua sắm các loại thực phẩm để phục vụ cho các ngày Tết, trong đó: trứng các loại tăng 7,55%, quả tươi chế biến tăng 7,35%, thịt gia súc tươi sống tăng 3,98%, thịt gia cầm tươi sống tăng 4,54%…
Nhóm hàng may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,77%, trong đó: nhóm dịch vụ may mặc, mũ nón và giày dép tăng 5,84%, nhóm giày, dép tăng 2,67%, nhóm hàng quần áo may sẵn tăng 1,83%.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,69% là do tác động chủ yếu của các nhóm hàng: dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 2,96%, nhóm hiếu hỉ tăng 2,52%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,58%, là do tác động của các mặt hàng nước giải khát, bia, rượu trong dịp Tết.
Nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình tăng 1,49%, chỉ số giá của nhóm hàng này tăng cao, là do thực phẩm mua vào chế biến, giá nhân công phục vụ trong những ngày Tết tăng cao hơn ngày thường.
Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,77% so tháng trước, do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, vì vậy chỉ số giá của nhóm dịch vụ giao thông công cộng tăng cao nhất trong nhóm giao thông tăng 6,92%, trong đó vé ôtô khách tăng 15,76%, vé tàu hỏa tăng 4,5%.
Tháng 2/2013, các nhóm hàng tăng thấp hơn chỉ số giá chung: Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,56%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,91%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,92%. Các nhóm hàng còn lại tương đối bình ổn so tháng trước, riêng chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,11% so tháng trước.
Về giá vàng, do tác động giảm giá của giá vàng thế giới nên giá vàng tháng nay chỉ bằng 97,76% so tháng trước. Giá đô la Mỹ giảm nhẹ 0,04% so tháng trước.
* Chỉ số giá tháng 02/2013 so với tháng 12 năm 2012 tăng 4,95%, đặc biệt duy nhất nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số tăng cao hơn so với mức chung là 64,35% so với tháng 12/2012. Nhóm hàng thực phẩm tăng 4,43%, may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,76% so với tháng 12/2012.
* Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng đầu năm 2013 so với bình quân cùng kỳ năm 2012 tăng 9,18%, mức tăng chung thấp hơn so với mức tăng của năm trước (tăng 16,8%). Chỉ số giá các nhóm hàng so cùng kỳ tăng không đồng đều. Những nhóm hàng tăng khá cao so với mức tăng bình quân chung như: Nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 76,3%, nhóm giáo dục tăng 21,93%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 13,37%, giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 9,39%. Những nhóm hàng còn lại tăng thấp hơn giá bình quân chung, riêng nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm 0,61% so cùng kỳ.
Giá vàng tăng so cùng kỳ là 3,93%, giá Đô la Mỹ giảm 0,63% so với cùng kỳ năm trước.
* Diễn biến giá cả thị trường trong những ngày trước, trong và sau Tết tăng cao hơn so với ngày thường, đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: thực phẩm tươi sống, hàng thực phẩm chế biến, các loại hàng củ, quả tươi và giá các mặt hàng tiêu dùng khác như gia vị khô, mực khô, tôm khô, gạo ngon, nếp, đậu xanh, bánh kẹo, … Tuy nhiên, giá chỉ tăng nhẹ, vì giá của các mặt hàng đã nhích tăng giá dần dần từ các ngày đầu tháng Chạp năm Nhâm Thìn và không có hiện tượng sốt giá, thiếu hàng thường xảy ra trong dịp Tết. Một nguyên nhân chính làm cho giá không tăng trong dịp Tết là do sức mua của thị trường yếu hơn các năm trước, nguồn hàng hóa được cung cấp dồi dào.
Cũng như mọi năm, để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, năm nay thành phố tạm ứng tiền mua hàng dự trữ cho các đại lý, các siêu thị cung ứng hàng tiêu dùng trên địa bàn thành phố từ những tháng trước để phục vụ Tết. Trong những ngày trước Tết, từ ngày 04/02 đến 09/02 (tức ngày 24 đến 29 tháng Chạp âm lich), UBND thành phố đã giao cho Sở Công thương làm việc với Công ty TNHH Đắc Vinh tổ chức bán hàng thịt heo bình ổn giá tại 13 điểm bán hàng ở các chợ trên địa bàn thành phố và 02 xe bán hàng lưu động với giá bán bình ổn, thịt heo vai: 85.000đ/kg, thịt mông: 95.000đ/kg (lượng thịt dự trữ là 35 tấn, gồm 15 tấn thịt vai, 20 tấn thịt mông). Siêu thị Co.opmart tổ chức bán hàng Tết ngoài siêu thị, gồm: 02 xe lưu động tại các xã miền núi Hòa Bắc và Hòa Phú, các điểm bán hàng tại các KCN Hòa Khánh (Liên Chiểu) và KCN Dịch Vụ Thủy Sản Thọ Quang (Sơn Trà) để phục vụ người dân và công nhân tại các địa bàn đó, với các mặt hàng thiết yếu như: bánh, kẹo, nước giải khát, đường, mỳ ăn liền, bột ngọt,.... Lượng hàng hóa về các chợ ở những ngày giáp Tết phong phú, tuy vậy sức mua trong dân năm nay giảm hơn so mọi năm.
Biến động giá các mặt hàng Tết tại thành phố Đà Nẵng rõ nhất là hàng thực phẩm tươi sống và chế biến. Giá chả bò tăng khá cao vào những ngày giáp Tết (từ ngày 24-28 Tết tăng khoảng 18%). Giá thịt bò tăng nhẹ trong những ngày giáp Tết: từ ngày 24 Tết giá thịt bò thăn loại 1 là 250.000đ/kg, ngày 26 Tết tăng thêm 10.000đ/kg (260.000đ/kg) và đến ngày 28 Tết giá mặt hàng này tăng lên 270.000đ/kg. Giá các mặt hàng thịt heo vẫn bình ổn trong những ngày giáp Tết, do nguồn cung dồi dào và TP đã có chính sách bình ổn giá mặt hàng này…. Giá các mặt hàng thịt heo, thịt bò đã tăng một lần vào những ngày cuối tháng 01 dương lịch (giữa tháng Chạp âm lịch). Giá các mặt hàng gia cầm trong những ngày giáp Tết tương đối ổn định, chỉ có gà ta tăng giá từ 10-20 nghìn đồng/kg (trước ngày 24 Tết: 170.000đ/kg, ngày 24 Tết: 180.000đ/kg, ngày 28 Tết: 190.000đ/kg) nguyên nhân chính là do người dân mua nhiều để phục vụ cúng cuối năm. Giá các mặt hàng rau bình ổn, các mặt hàng củ, quả tăng nhẹ. Các mặt hàng bia, nước giải khát đã tăng từ những ngày giữa tháng Chạp âm lịch (cuối tháng 1/2013), trong những ngày giáp Tết các mặt hàng này giữ giá ổn định không tăng, riêng các loại bia Heniken, Larue lon có xu hướng giảm giá.
Những ngày sau Tết, giá các mặt hàng bia và nước giải khát các loại vẫn giữ giá ổn định, các mặt hàng lương thực, thịt heo các loại có xu hướng giảm so trước Tết, riêng mặt hàng thịt bò thăn loại 1 tăng lên 300.000 đồng/kg (tăng 30.000 đồng so với 28 Tết). Các mặt hàng rau, củ quả có giảm giá một ít so với thời gian trước và trong Tết. Nhìn chung sức mua của người dân giảm sút nhiều so mọi năm.
II. VĂN HÓA, XÃ HỘI VÀ ĐỜI SỐNG
Trong dịp Tết Nguyên Đán UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ tặng quà cho các đối tượng chính sách, xã hội trong đó có: 136 đồng chí lão thành cách mạng; 7 đồng chí tử tù; 250 gia đình chính sách đặc biệt khó khăn; 282 mẹ Việt Nam anh hùng, AHLLVT, AHLĐ; 257 thương bệnh binh 1/4 và 1/3 hưởng mức trợ cấp 500.000 đ/người. 60 gia đình chính sách tiêu biểu hưởng mức 450.000 đ/gia đình. 50 cán bộ bị tù đày thường xuyên bệnh tật; 260 cán bộ "tiền khởi nghĩa"; 485 thân nhân liệt sĩ hưởng tuất nuôi dưỡng được hưởng mức hỗ trợ 300.000 đ/người. 915 bà mẹ VNAH đã từ trần; 4.490 thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp; 6.176 thương binh hạng 2-3-4, quân nhân bị tai nạn; 870 bệnh binh 2/3 và quân nhân bệnh nghề nghiệp; 2.548 người có công giúp đỡ các mạng; 70 thân nhân cán bộ lão thành cách mạng... được hưởng mức hỗ trợ 100.000 đ/người...
UBND TP đã ban hành quyết định 8209/QĐ-UB, trợ cấp 159kg lương thực cho 19.541 khẩu; trong đó có 1.452 khẩu gia đình chính sách nghèo hưởng trợ cấp 10kg/khẩu, 18.089 khẩu gia đình nghèo mỗi khẩu hưởng trợ cấp 8kg. Với sự hỗ trợ trên, TP Đà Nẵng quyết không để có một hộ nào phải đói trong dịp Tết âm lịch.
Tổng số lượt khám bệnh trong dịp Tết Quý Tỵ là 8.822 lượt người, tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 2.513 người. Trong đó, từ ngày 8 đến ngày 17-2-2013, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã khám cho 1.881 lượt bệnh nhân, với tổng số bệnh nhân nhập viện nội trú là 1.074 người, bệnh viện cũng tiếp nhận 315 ca sinh. Số ca mắc bệnh Tay-Chân-Miệng vào viện là 120 trường hợp; số ca bị sốt xuất huyết là 37. Chế độ hỗ trợ tiền ăn cho người bệnh nằm lại bệnh viện trong những ngày Tết theo Quy định của UBND thành phố (50.000 đồng/người/ngày) cũng được thực hiện đầy đủ.
Chuyên mục, tin tức liên quan:

Video Video

 

 

Thư viện hình ảnh Thư viện hình ảnh

Liên kết web Liên kết web

Bản quyền thuộc về Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng

Địa chỉ: 310 Hoàng Diệu - Hải Châu - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (+84) 236 3822768 - 3827680

Email: danang@gso.gov.vn