Công nghiệp
* Ước tính tháng 11/2013 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp bằng 98,92% so với tháng trước.
* Ước tính 11 tháng đầu năm 2013 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 10,62% so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá như: Công ty CP sản xuất thương mại Hữu nghị (giày Hữu nghị) có sản phẩm giày tăng 73,31%, Công ty CP thép Đana-ý, Công ty TNHH điện tử Việt-Hoa tăng 48,04% so với cùng kỳ, Công ty Matrix Việt Nam sản xuất đồ chơi trẻ em.
Nông nghiệp:
* Trồng trọt: Lúa Hè Thu (vụ Mùa) đến nay đã thu hoạch xong, năng suất đạt 53,9tạ/ha (giảm 3 tạ/ha so với cùng kỳ năm ngoái), các loại cây hằng năm khác vụ Mùa đều phát triển bình thường.
* Chăn nuôi: Qua điều tra chăn nuôi ngày 01/10/2013 đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố như sau: Trâu: 1.913 con, bằng 99,43%, so với thời điểm 01/10/2012; Bò: 13.785 con, tăng 3,98% (+528 con); Lợn: 72.291 con, tăng 19,92% (+12.006 con); Gia cầm: 380.338 con, bằng 95,65% (-17.287 con) so với thời điểm 01/10/2012.
Lâm nghiệp
Trong tháng 11/2013, các cơ quan chuyên ngành đã tổ chức 15 đợt truy quét tại rừng, lập biên bản 06 vụ vi phạm hành chính, xử lý 08 vụ, phạt tiền 103 triệu đồng, tịch thu 44,25 m3 gỗ xẻ; 2,518 m3 gỗ tròn và thả lại rừng một số lâm sản có giá trị khác. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chuyên ngành đã tổ chức 273 đợt truy quét tại rừng, lập biên bản 126 vụ vi phạm hành chính, xử lý 125 vụ, phạt tiền 506 triệu đồng, tịch thu và thả lại rừng một số lâm sản có giá trị khác.
Thuỷ sản
Sản lượng khai thác thuỷ sản trong tháng 11/2013 ước đạt 2.429 tấn, trong đó: khai thác biển ước đạt 2.241 tấn, lũy kế 11 tháng đầu năm 2013 ước đạt 33.272 tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn thành phố diễn ra bình thường, sản lượng nuôi trồng trong tháng 11/2013 ước đạt 10 tấn cá, lũy kế 11 tháng đầu năm 2013 đạt 659 tấn cá. Sản xuất tôm giống trong tháng 11/2013 ước đạt 2 triệu con, lũy kế 11 tháng đầu năm 2013 ước đạt 78 triệu con.
Thực hiện vốn đầu tư
* Lũy kế 10 tháng đầu năm 2013 vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được 4.115 tỷ đồng, đạt 45,59% so với kế hoạch 2013 và giảm 43,41% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố chiếm 98,94%, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện chiếm 1,06%.
* Dự kiến 11 tháng đầu năm 2013, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn của Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 4.751 tỷ đồng, bằng 63,7% so cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng từ nguồn thu ngân sách không đạt so với kế hoạch nên nhiều công trình thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước địa phương quản lý phải giãn tiến độ thi công.
Vận tải
* Doanh thu: Ước tính doanh thu vận tải 11 tháng đầu năm 2013 đạt 4.430 tỷ đồng, tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó: loại hình vận tải hành khách đạt 1.479 tỷ đồng, tăng 17,2%; vận tải hàng hóa đạt 2.089 tỷ đồng, tăng 2,3%; nhóm dịch vụ vận tải đạt 862 tỷ đồng, tăng 9,7% so cùng kỳ năm 2012.
* Sản lượng: Ước tính 11 tháng đầu năm 2013, tổng sản lượng hành khách luân chuyển đạt 1.483 triệu HK.KM, tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước; hàng hóa luân chuyển đạt 2.756 triệu T.KM, bằng cùng kỳ năm 2012.
* Hàng hoá thông qua cảng: Tổng hợp 10 tháng đầu năm 2013, sản lượng thông qua Cảng thực hiện được 4.093 nghìn tấn, tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước; trong đó: hàng nhập khẩu đạt 1.122 nghìn tấn, tăng 50,7%; hàng xuất khẩu đạt 1.850 nghìn tấn, tăng 7,9%; hàng nội địa đạt 1.121 nghìn tấn, bằng 85,1% so cùng kỳ năm 2012.
Thương mại
* Về nội thương: Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 11 tháng đầu năm 2013 ước đạt 56.119,79 tỷ đồng, tăng 18,63% so cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ còn tăng 10,21% so cùng kỳ.
* Về ngoại thương: Ước cộng dồn 11 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 921,68 triệu USD, tăng 9,7% so cùng kỳ năm trước. Ước kim ngạch nhập khẩu của 11 tháng đầu năm 2013 đạt 909,59 triệu USD tăng 8,79% so cùng kỳ năm trước.
* Về giá cả thị trường:
+ Chỉ số chung giá tiêu dùng CPI tháng 11/2013 so tháng trước tăng 0,16%. Chỉ số giá tiêu dùng các nhóm hàng tiêu dùng so tháng trước là: Giá lương thực tăng 0,74, Giá thực phẩm tăng 0,45, Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,03%, May mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,34%, Đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%, Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%, Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%, Giáo dục tăng 0,02%, Bưu chính viễn thông ổn định, Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,24%, Giao thông giảm 0,42%.
Chỉ số giá vàng: giảm 1,13%, chỉ số giá USD giảm 0,08% so với tháng trước.
+ Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2013 so với tháng 12/2012 tăng 6,95%. Tăng cao nhất là nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 66,11%, kế đến là nhóm Giáo dục tăng 7,41%; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 6,20%; thực phẩm tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó có nhóm Lương thực giảm 2,38% và nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,70% so với tháng 12 năm 2012.
Giá vàng giảm 27,70%, giá USD tăng 1,23% so với cùng kỳ năm trước.
+ Chỉ số giá tiêu dùng so với bình quân 11 tháng đầu năm 2013 so cùng kỳ năm 2012 tăng 8,42%, mức tăng chung thấp hơn so với mức tăng của năm trước (tăng 9,44%). Những nhóm hàng tăng khá cao so với mức tăng bình quân chung như: nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 72,87%; nhóm giáo dục tăng 16,12%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 9,62%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 8,45%. Những nhóm hàng còn lại tăng thấp hơn giá bình quân chung, riêng nhóm hàng lương thực giảm 2,2%, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,7% so cùng kỳ.
Giá vàng giảm 12,66%, giá Đô la Mỹ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Văn hóa-xã hội đời sống
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước vừa có quyết định công nhận 7 cán bộ, giảng viên công tác tại các trường thành viên ĐH Đà Nẵng là phó giáo sư trong năm 2013.
Trong đợt lũ vừa qua (sau cơn bão Haiyan) trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang có 20.570 nhà dân, 713 tổ dân phố, 197 trường học và nhà trẻ bị ngập nước, hơn 22.500 giếng khơi, giếng khoan và gần 20.000 nhà vệ sinh cũng bị ngập. Trung tâm Y tế Dự phòng đã đề xuất Sở Y tế khoản kinh phí 292,4 triệu đồng để thực hiện kịp thời việc tiêu độc, khử trùng, phun hóa chất xử lý ô nhiễm môi trường cùng các hoạt động phòng chống dịch bệnh nhằm không để dịch bùng phát trên địa bàn thành phố. Trước mắt, xử lý ô nhiễm 22.500 giếng nước, phun hóa chất 713 tổ dân phố và 225 chợ, cơ quan, trường học, nhà trẻ bị ngập.
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, dịch đau mắt đỏ và tay-chân-miệng đang tiếp tục diễn biến phức tạp, đáng lo ngại nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết, từ ngày 21/10/2013 đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 294 ca mắc sốt xuất huyết với tần suất từ 68-83 ca/tuần. Số người mắc sốt xuất huyết nhiều nhất ở quận Hải Châu với 69 ca, Liên Chiểu 64 ca, Thanh Khê 44 ca, Cẩm Lệ 40 ca.
Sở Công thương thành phố Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa nhằm chủ động nguồn hàng phục vụ người dân Đà Nẵng trong những ngày cuối năm và Tết cổ truyền. Đến nay, đã có 11 đơn vị, doanh nghiệp đầu mối có kế hoạch cung ứng ra thị trường lượng lớn hàng hóa với tổng giá trị trên 128 tỷ đồng. Các nhà bán lẻ đã tăng khoảng 20-25% số lượng hàng hóa so với Tết Nguyên đán 2013. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá lương thực, thực phẩm tại 13 điểm trên toàn thành phố và 2 xe lưu động. UBND thành phố tạm ứng 4 tỷ đồng không tính lãi để các doanh nghiệp thực hiện bảo đảm người dân được mua thực phẩm với giá tốt nhất (giá thấp hơn thị trường từ 10-15%). Ngoài mạng lưới các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng phân phối sỉ và lẻ, hơn 4.000 tiểu thương của 8 chợ lớn sẽ tập trung vào mùa kinh doanh Tết với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng.
*
* *
Tóm lại, 11 tháng đầu năm 2013 kinh tế thành phố đã có tín hiệu phục hồi nhờ các chính sách quyết liệt của Chính phủ và lãnh đạo thành phố quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn; Đời sống xã hội ổn định và tiếp tục được nâng cao.