Thực hiện Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 về tái cơ cấu phát triển kinh tế đất nước, thành phố Đà Nẵng đã chọn năm 2014 làm năm doanh nghiệp và sau 9 tháng nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, thành phố đã đạt được những kết quả nhất định, tạo đà lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng Đà Nẵng và thống nhất đất nước.
Ước tính tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2014 theo giá so sánh 2010 tăng 9,27% so với cùng kỳ năm trước (năm 2013 tăng 7,71%). Trong đó các khu vực kinh tế: VA khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,61%, tăng khá so với mức tăng 6,55% của cùng kỳ năm trước, đóng góp tăng trưởng 3,6% GRDP; VA khu vực dịch vụ tăng 8,59%, cao hơn mức tăng 8,34% của cùng kỳ năm trước, đóng góp tăng trưởng 5,04% GRDP; thuế nhập khẩu tăng 62,79%, đóng góp tăng 0,59% GRDP; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản VA tăng 1,43% so với cùng kỳ, góp phần làm tăng 0,04% GRDP toàn thành phố.Với mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2014 đã cho thấy nền kinh tế Đà Nẵng phục hồi và chủ yếu ở các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tính riêng khối công nghiệp giá trị sản xuất tăng cao hơn cùng kỳ năm trước nên 9 tháng đầu năm VA tăng 11,93%, đóng góp 3,10% tăng trưởng GRDP (năm 2013 tốc độ này chỉ ở mức 8,35%). Đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá VA tăng 12,05%; công nghiệp điện VA tăng 10,12%, ngành xây dựng VA tăng 4,28%.
Khu vực dịch vụ, 9 tháng đầu năm 2014, nhìn chung ngoại trừ các ngành vẫn khó khăn chiếm tỉ trọng lớn trong GRDP tăng thấp như kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, vận tải, hầu hết các ngành tăng trưởng khá như: Ngành thương nghiệp tăng 9,39%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 14,86%, ngành thông tin và truyền thông tăng 18,37%, ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng 11,29%, ngành hoạt động nghệ thuật vui chơi và giải trí tăng 11,78%%,...
Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2014, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,43% và khu vực dịch vụ chiếm 62,63% (Cùng kỳ năm trước cơ cấu ngành tương ứng là: 3,12%; 35,26% và 61,62%).
Một số chỉ tiêu chủ yếu thực hiện trong 9 tháng đầu năm: Tổng sản phẩm trong nước tăng 9,27%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,49%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,61%, chỉ số IIP tăng 11,02%; giá trị sản xuất dịch vụ tăng 9,08%; Thực hiện vốn đầu tư phát triển là 24.079 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 779 triệu USD tăng 5,26%, xuất siêu 10 triệu USD; Tổng mức bán lẻ tăng 18,13%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng 22,23%.
Đến ngày 17/9/2014, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 8.162,5 tỷ đồng, bằng 74,7% dự toán. Trong đó thu nội địa 6.244,5 tỷ đồng, bằng 73,5% dự toán (thu tiền sử dụng đất 1.265,2 tỷ đồng, bằng 79,1% dự toán, thu thuế xuất nhập khẩu 1.801,4 tỷ đồng, bằng 80,1 % dự toán. Tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 10.801,9 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 8.845,1 tỷ đồng, bằng 75,7% dự toán (trong đó chi đầu tư phát triển 4.310,8 tỷ đồng, bằng 78,4% dự toán).
Cụ thể tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng đầu năm 2014 như sau:
I. CÁC NGÀNH kinh tẾ
1. Công nghiệp
Ước tính tháng 9/2014, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp bằng 95,50% so với tháng trước.
Ước 9 tháng đầu năm, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm ước tăng 11,02% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 23,94%; công nghiệp chế biến tăng 11,08%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 10,12%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 5,96%.Ước 9 tháng đầu năm 2014 có 16 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng. Một số ngành có tốc độ phát triển khá so với cùng kỳ: Khai thác tăng 23,94%; SX giày dép tăng 43,34%; Sản xuất hóa dược liệu tăng 36,70%; SX sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 34,93%; sản xuất xe có động cơ, công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 22,32%... Có 3 ngành chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ: CN Dệt giảm 7,21%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 37,32%; SX sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 8,94%.
So với cùng kỳ năm trước, 9 tháng đầu năm 2014, một số sản phẩm có sản lượng tăng khá như đá xây dựng tăng 24,12%; phi lê cá và các loại thịt cá khác tươi tăng 237,41%; lưới đánh cá tăng 34,95%; giày, dép tăng 44,66%; bê tông tươi trộn sẵn tăng 38,20%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại tăng 50,65% ... và có một số sản phẩm bị giảm mạnh như: mực đông lạnh giảm 33,96%; vải dệt thoi giảm 42,25%, ...
2. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
a) Nông nghiệp
* Về Trồng trọt: Diện tích gieo trồng lúa Vụ Đông Xuân 2013-2014 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đạt 2.963 ha, tăng 1,19% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông Xuân ước đạt: ngô 217 ha, bằng 83,86% so với cùng kỳ năm trước; khoai lang 198,5 ha, bằng 95,43% so với cùng kỳ năm trước; rau, đậu 463,7 ha, bằng 98,24%; lạc 558 ha, bằng 89,42% so với cùng kỳ năm trước; cây hoa 54,7 ha, bằng 101,67% so với cùng kỳ năm 2013…
Năng suất cây trồng vụ Đông Xuân đạt tương đối cao, đặc biệt năng suất lúa đạt 63,8 tạ/ha, tăng 2,8 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2013, cao nhất từ trước đến nay. Ngô 57,4 tạ/ha, giảm 1,5 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; Khoai lang 61,8 tạ/ha, giảm 0,9 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; Lạc 21,8 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; Rau các loại 125,4 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; Thuốc lá 20,5 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước…
Tổng diện tích cây lâu năm ước đạt 511 ha, bằng 98,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích cây ăn quả ước đạt 288 ha, tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước; cây lấy quả chứa dầu ước đạt 42 ha, bằng 95,45% so với cùng kỳ năm trước; cây điều ước đạt 28 ha, bằng 87,50% so với cùng kỳ năm trước; cây hồ tiêu ước đạt 77 ha, tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước; cây chè ước đạt 78 ha, bằng 97,50% so với cùng kỳ năm 2013.
* Về Chăn nuôi: Trong 9 tháng đầu năm 2014, trước tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh, công tác kiểm soát giết mổ được chú trọng, ước tính tháng 9/2014, trên toàn địa bàn đã kiểm soát hơn 37.986 con heo; 2.107 trâu, bò và 81.383 gia cầm. Lũy kế từ đầu năm đến nay việc kiểm soát giết mổ trên địa bàn ước: 284.668 con heo; 15.692 trâu, bò; 543.455 con gia cầm.
Tính đến thời điểm đầu tháng 9/2014, đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố ước đạt như sau: Tổng số lượng trâu 1.936 con, giảm 0,21% so với cùng kỳ năm trước; Tổng số lượng bò 13.392 con, tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước; Tổng số lượng lợn 64.468 con, tăng 0,75% so với cùng kỳ năm 2013; Tổng đàn gia cầm 453 ngàn con, bằng 98,37% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó: gà 401 ngàn con, tăng 6,54% so với cùng kỳ.
b) Lâm nghiệp
Trong tháng 9/2014, thời tiết nắng nóng kéo dài nên đã xảy ra 3 vụ cháy rừng với diện tích 15,95 ha, trong đó 13,6 ha rừng tự nhiên; 1,95 ha rừng trồng và 0,4 ha cây bụi, lau lách. Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn xảy ra 14 vụ cháy rừng với diện tích 146,6 ha.
Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trong 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 16.150 m3, bằng 94,78% so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng củi khai thác 9 tháng năm 2014 ước đạt 70.560 Ste, tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác lâm sản so với cùng kỳ năm 2013 không có gì biến động lớn.
Trong tháng 9/2014, cơ quan chuyên ngành đã tổ chức được 25 đợt kiểm tra tại rừng. Đã lập biên bản 10 vụ phạm hành chính, xử lý 12 vụ. Phạt tiền 69,6 triệu đồng, tịch thu nhiều lâm sản có giá trị cao khác. Kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2014, cơ quan chuyên ngành tổ chức được 190 đợt kiểm tra tại rừng, lập biên bản 95 vụ vi phạm hành chính và đã xử lý 81 vụ vi phạm hành chính, phạt tổng số tiền 1.286 triệu đồng và tịch thu nhiều lâm sản có giá trị cao.
c) Thủy sản
Tính đến thời điểm 15/9/2014 trên địa bàn thành phố, tàu khai thác thủy sản có động cơ 1.783 chiếc, với tổng công suất 106.296 CV, trong đó số tàu thuyền đánh bắt xa bờ có mã lực lớn là 212 chiếc với tổng công suất 68.202 CV (chiếm tỷ trọng 64,16% so với tổng công suất tàu thuyền trên toàn thành phố).
Tổng sản lượng khai thác 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 25.157 tấn, bằng 96,17% so với cùng kỳ năm 2013. Thủy sản nuôi trồng ước đạt 742 tấn cá, tăng 8,33 %; 65 tấn tôm thẻ chân trắng, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2013.
Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn cũng khá thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh nuôi trồng, đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 471 ha (trong đó, diện tích nuôi thâm canh là 305 ha, nuôi bán thâm canh là 166 ha), bằng 97,23% so với cùng kỳ năm 2013.
3. Thực hiện vốn đầu tư
Dự kiến trong quý III năm 2014 vốn đầu tư phát triển trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng ước đạt 9.098 tỷ đồng. Trong đó : vốn nhà nước trên địa bàn 3.386,4 tỷ đồng chiếm 37,22%; vốn ngoài nhà nước 5.069,3 tỷ đồng chiếm 55,72%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 642,3 tỷ đồng chiếm 7,06% so với tổng số. Chia theo khoản mục đầu tư: vốn đầu tư vào xây dựng cơ bản 5.975,1 tỷ đồng chiếm 65,67%; đầu tư mua sắm TSCĐ không qua XDCB là 1.718,3 tỷ đồng chiếm 18,89%; đầu tư sửa chữa lớn nâng cấp TSCĐ là 45,1 tỷ đồng chiếm 0,5%; bổ sung vốn lưu động 1.296,8 tỷ đồng chiếm 14,25%; đầu tư khác 62,7 tỷ đồng chiếm 0,69% so với tổng số.
Ước vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 9 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ước đạt 24.079 tỷ đồng, tăng 9,62% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn nhà nước trên địa bàn 9.182,7 tỷ đồng chiếm 38,14%; vốn ngoài nhà nước 12.824 tỷ đồng chiếm 53,26%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.072,3 tỷ đồng chiếm 8,6% so với tổng số. Chia theo khoản mục đầu tư: vốn đầu tư vào xây dựng cơ bản 15.655,8 tỷ đồng, chiếm 65,02%; đầu tư mua sắm TSCĐ không qua XDCB là 4.630,9 tỷ đồng chiếm 19,23%; đầu tư sửa chữa lớn nâng cấp TSCĐ là 136,4 tỷ đồng, bổ sung vốn lưu động 3.468,6 tỷ đồng, chiếm 14,41%; đầu tư khác 187,3 tỷ đồng.
* Tình hình một số công trình trọng điểm năm 2014, các công trình như Trung tâm hành chính thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi, Dự án nút giao thông ngã ba Huế, Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang tiếp tục triển khai công tác thi công đúng tiến độ. Công trình Trung tâm hành chính thành phố đã khánh thành đưa vào sử dụng 05/9/2014.
4. Vận tải hàng hóa, hành khách
Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố vẫn hoạt động bình thường; đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa thực hiện quy định về tải trọng của Bộ Giao thông vận tải đã làm đơn giá hàng vận chuyển tăng và vận tải hàng hóa đường dài khách hàng có xu hướng chuyển sang phương thức đường biển và đường sắt.
Tổng doanh thu ngành vận tải tháng 9 năm 2014 ước đạt 535,2 tỷ đồng, tăng 11,2% so cùng kỳ năm 2013; và tăng 1,41% so với tháng trước. Cụ thể từng ngành vận tải như sau: Doanh thu vận tải hành khách tháng 09 năm 2014 ước đạt 184,5 tỷ đồng, tăng 9,7% so cùng kỳ năm 2013; và tăng 3,48% so với tháng trước; Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 09 năm 2014 ước đạt 241,8 tỷ đồng, tăng 10,4% so tháng 9 năm 2013; và tăng 0,5% so với tháng trước;Doanh thu dịch vụ vận tải tháng 09/2014 ước đạt 108,7 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ năm 2013; và tăng 0,01% so với tháng trước.
Ước tính khối lượng luân chuyển hành khách tháng 9/2014 đạt 113,1 triệu HK.km, tăng 7,6% so cùng kỳ 2013; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 270,5 triệu T.km, tăng 6,5% so cùng kỳ năm 2013.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu ngành vận tải ước đạt 4.732,9 tỷ đồng, tăng 9,45% so cùng kỳ năm 2013. Trong 9 tháng năm 2014, khối lượng luân chuyển hành khách đạt 942,2 triệu Hk.km, tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2013; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 2.039,3 triệu T.km, bằng 102,38% so cùng kỳ năm 2013.
Phân theo thành phần kinh tế: Doanh thu doanh nghiệp vận tải Nhà nước ước đạt 1.025,3 tỷ đồng, tăng 26,2% so cùng kỳ; doanh thu doanh nghiệp vận tải ngoài Nhà nước ước đạt 3.470 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2013; doanh thu hộ cá thể ước đạt 236,6 triệu đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2013.
* Hàng hoá thông qua cảng Dự tính 9 tháng năm 2014, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng đạt 4.443,6 nghìn tấn, tăng 21,5% so cùng kỳ năm 2013. Trong đó: hàng xuất khẩu đạt 1.697,7 nghìn tấn, tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2013; hàng nhập khẩu đạt 1.201,1 nghìn tấn, tăng 21,25% so với cùng kỳ; hàng nội địa đạt 1.544,8 nghìn tấn, tăng 46,62% so với cùng kỳ; hàng Container ước đạt 1.989,9 nghìn tấn, tăng 26,33% so với cùng kỳ năm 2013.
5. Thương mại
* Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 47.133 tỷ đồng, tăng 18,1% so cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 14,6%). Trong tổng mức bán lẻ 9 tháng đầu năm 2014, so với cùng kỳ năm trước: Nhóm thương nghiệp tăng 15,1%; Nhóm lưu trú và ăn uống tăng 22,6%; du lịch tăng 18,3% so cùng kỳ; dịch vụ tăng 23,8%.
* Hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành: Ước tháng 09/2014 doanh thu ngành lưu trú và ăn uống đạt 931,6 tỷ đồng, giảm 6,6% so với tháng trước và tăng 23,6% so với cùng kỳ 9/2013. Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu ngành lưu trú ăn uống đạt 7.816,4 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2013. Doanh thu ngành lữ hành ước tháng 09/2014 đạt 85,9 tỷ đồng, giảm 10,2% so với tháng trước và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2013. Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu ngành lữ hành ước đạt 707,1 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Tổng lượt khách phục vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 9 tháng đầu năm 2014 là 2.406 nghìn lượt, trong đó: lượt khách lữ hành phục vụ là 151 nghìn lượt khách, lượt khách lưu trú phục vụ là 2.255 nghìn lượt khách.
b) Về ngoại thương
* Lũy kế 9 tháng năm 2014, Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 779,0 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 180,0 triệu USD, tăng 13,9% so cùng kỳ; khu vực kinh tế tư nhân đạt 212,1 triệu USD, tăng 9,7% so cùng kỳ 2013 và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 386,8 triệu USD, tăng 9,8% so cùng kỳ.
* Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 768,7 triệu USD tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2013.
c, Về giá cả thị trường
* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 09/2014 tăng 0,48% so tháng trước. Ngoài nhóm nhóm giáo dục tăng 8,42% khá cao so tháng trước, các nhóm hàng khác tăng không đáng kể hoặc giảm. Nhóm hàng tăng chỉ số giá: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%, Giá thực phẩm tăng 0,28%, nhóm nhà ở, điện nước Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%, Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%, Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,17%, May mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,35%, Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,11%, Lương thực tăng 0,03%. Nhóm ổn định chỉ số giá: Bưu chính viễn thông; Ăn uống ngoài gia đình. Nhóm giảm chỉ số giá: Giao thông giảm 2,13%; Chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,47%,
Giá vàng giảm 1,71% so với tháng trước; Giá USD giảm 0,08% so với tháng 8/2014.
* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 09/2014 tăng 2,18% so với tháng 12 năm 2013. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống tăng 2,02%; Nhóm may mặc mũ nón tăng 3,01%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,31%; Nhóm giải trí tăng 2,85%; thwujc phẩm tăng 2,5%; cao nhất là nhóm giáo dục tăng 8,56%; các nhóm khác tăng nhẹ; riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,2%.
Giá vàng tăng 1,22%; Giá đô la Mỹ tăng 0,47% so với tháng 12/2013.
* Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013 tăng 3,69%, mức tăng chung thấp hơn so với mức tăng bình quân của cùng kỳ năm trước (tăng 8,66%). Những nhóm hàng tăng cao hơn so với mức tăng bình quân chung như: nhóm giáo dục tăng 7,52%; nhóm hàng hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,47%; nhóm thực phẩm tăng 5,52%, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 4,81%. Những nhóm hàng còn lại tăng thấp hơn giá bình quân chung. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,54% so bình quân cùng kỳ năm trước.
Giá vàng so bình quân 9 tháng đầu năm 2014 giảm 14,47% và giá Đô la Mỹ tăng 0,78% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
6. Hoạt động y tế
Trong những ngày nghỉ Lễ Quốc Khánh 2/9, Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động sôi động thu hút nhiều khách thăm quan nghỉ dưỡng đến thành phố. Tuy nhiên cũng trong đợt nghỉ lễ 2/9 trên địa bàn thánh phố có 883 cas cấp cứu. Trong đó, 472 bệnh nhân nhập viện, 177 cas tai nạn giao thông, 75 cas tai nạn sinh hoạt, 19 trường hợp tai nạn do bạo lực và 1 người tử vong do đa chấn thương vì tai nạn giao thông.
Ngày 10/9/2014, Bệnh viện Đà Nẵng khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm khu vực miền Trung về Y học hạt nhân và xạ trị, giúp chẩn đoán sớm ung thư, bệnh lý tim mạch, thần kinh.
Để chủ động phòng, chống dịch Ebola, Cảng hàng không quốc tế Sân bay Đà Nẵng, Cục Hải quan và Cảng Đà Nẵng phối hợp với Sở Y tế thống nhất mua 2 máy siêu lọc máu, 2 máy tuần hoàn ngoài cơ thể và 1 camera đo thân nhiệt trong thời gian sớm nhất. UBND thành phố Đà Nẵng và Sở Y tế đã lên nhiều phương án giám sát hành khách quốc tế tại các cửa khẩu và trong cộng đồng, đặc biệt trang bị đủ phương tiện phòng hộ và máy móc điều trị dịch.
Trong tháng qua, khoảng 66 nghìn trẻ em từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được tiêm miễn phí vaxin viêm não Nhật Bản mũi 1 và 2.
7. Giáo dục
Ngày 05/9/2014, cùng với 22 triệu học sinh trên cả nước, hơn 200 nghìn học sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khai giảng năm học mới 2014-2015. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến dự, gửi lời chúc mừng đến tập thể thầy và trò các trường phổ thông.
Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 3 vào các trường thành viên, dành cho thí sinh (khu vực 3, học sinh phổ thông) trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Đến nay nhiều trường CĐ, ĐH trên địa bàn thành phố đã tổ chức lễ đón tân sinh viên, sau khi đã ổn định học tập và chỗ ăn ở cho học sinh trúng tuyển.
8. Tình hình văn hóa xã hội
Ngày 08/9/2014, Lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng đến thăm và vui Tết Trung thu cùng các em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khó khăn thành phố Đà Nẵng (Làng Hy Vọng). Hòa cùng niềm vui của trẻ em đón Tết Trung thu, thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Bí thư Thành ủy đã trao tận tay quà Trung thu cho các em và căn dặn các em cố gắng hơn nữa, chăm ngoan học giỏi để trở thành những người có ích cho xã hội, qua đó thể hiện sự quan tâm và tình thương của toàn xã hội dành cho thế hệ tương lai của thành phố.
Đề án hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2014 đã được triển khai với 818 nhà nằm trong danh sách. Trong quá trình triển khai, phát sinh thêm 12 căn nhà xuống cấp nặng cần sửa chữa gấp, nâng tổng số nhà cần sửa chữa là 830 căn. Kết quả, sau 9 tháng đầu năm 2014 đồng bộ triển khai thực hiện, đã có 950/818 hộ được hỗ trợ kinh phí sửa nhà (vượt 16,14% kế hoạch) với tổng kinh phí thực hiện 22,6 tỷ đồng. Năm 2015, thành phố phấn đấu sửa chữa, xây mới 1.000 căn nhà cho các hộ chính sách, đồng thời tặng kèm cho các gia đình 1 bộ bàn ghế hoặc 1 tủ thờ bằng gỗ tốt.
9. An toàn cháy nổ, giao thông
Trong tháng 9/2014, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy ra 14 vụ cháy, trong đó: đáng chú ý là 8 vụ cháy của khu vực nhà dân và 3 vụ cháy rừng. Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng có thể do đạn lân tinh (hay còn gọi là đạn phốt pho) còn sót lại từ thời chiến tranh đã phát nổ do nắng nóng kéo dài. Tính từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 102 vụ cháy, khiến 14 người bị thương và không có thiệt hại về người. Tổng giá trị thiệt hại hơn 475 tỷ đồng.
Tình hình giao thông trên thành phố 9 tháng đầu năm 2014 tập trung ở giao thông đường bộ, số vụ tai nạn giao thông đường sắt và đường thủy không xảy ra. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương đều giảm. Đa phần các vụ vi phạm giao thông xảy ra là do lỗi của người tham gia, có đến 1.282 trường hợp đi không không đúng làn đường quy định, và hơn 280 trường hợp đi ngược chiều và đi vào đường cấm... Chỉ tính riêng trong tháng trước lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, lập biên bản 5.494 trường hợp vi phạm (2.815 ôtô, 2.646 môtô, 33 xe máy điện). Ra quyết định xử phạt 3.645 trường hợp. Tạm giữ 13 ôtô, 189 môtô. Tước quyền sử dụng GPLX 596 trường hợp (195 ô tô, 401 mô tô).
Tóm lại, 9 tháng đầu năm 2014, kinh tế thành phố Đà Nẵng đã có dấu hiệu phục hồi và phát triển, đời sống xã hội ổn định, an ninh trật tự được giữ vững.
Kết quả kinh tế xã hội đạt được trong 9 tháng đầu năm là do thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện sát sao các nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, tăng đầu tư, xúc tiến nhiều hoạt động tích cực để tái cơ cấu kinh tế phát triển thành phố, phát huy lợi thế và điểm mạnh để xây dựng thành phố Đà Nẵng đúng tầm trung tâm khu vực kinh tế vùng; chăm lo, phát triển lĩnh vực văn hoá thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm hộ nghèo, xoá nhà tạm; xây dựng nếp sống văn hoá văn minh đô thị và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nâng cao đời sống dân cư, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội./.