(+84) 236 3 822 768   danang@gso.gov.vn
 

 

 

Tình hình kinh tế-xã hội TP. Đà Nẵng tháng 12 năm 2014
Người đăng tin: Quản trị Ngày đăng tin: 16/01/2015 Lượt xem: 160

(Nguồn báo cáo kinh tế-xã hội tháng 12 năm 2014 của Cục Thống Kê Đà Nẵng)

Năm 2014 tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt sự chiếm đóng và tuyên bố trái phép của Trung Quốc trên vùng Biển Đông và một số đảo của Việt Nam đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chính trị cũmg như kinh tế của Việt Nam. Trước khó khăn thách thức, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện đổi mới tái cơ cấu, chọn năm 2014 là “Năm doanh nghiệp” và có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nên kinh tế đã có xu hướng phục hồi phát triểu, đời sống an ninh chính trị ổn định và vững chắc.

Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2014 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng giao, có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch (3,6,7,10), 5 chỉ tiêu đạt và 2 chỉ tiêu không đạt (2,5); công tác tăng thu ngân sách đạt gần 10%, hoàn thành một số công trình trọng điểm đưa vào sử dụng; giải quyết cơ bản nợ đất tái định cư của các hộ giải tỏa; chương trình “Năm Doanh nghiệp” có kết quả tích cực, khả quan. Kết quả thực hiện năm 2014 như sau:

(1) Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) giá so sánh ước tăng 9,56% so với năm 2013 (Nghị quyết: 9-9,5%)

(2) Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 9,29% (Nghị quyết: 12-13%)

(3) Giá trị sản xuất công nghiệp – Xây dựng ước tăng 9,16% (Nghị quyết: 7-8%), trong đó công nghiệp ước tăng 10,8% (Nghị quyết: 9-10%)

(4) Giá trị sản xuất thủy sản nông lâm ước tăng 3,43% (Nghị quyết: 3-4%)

(5) Kim ngach xuất khẩu hàng hóa ước tăng 10,63% (Nghị quyết: 13,5-14%)

(6) Tổng thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 11.589 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán giao, trong đó tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện 15.599,2 tỷ đồng.

(7) Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 32.782,3 tỷ đồng, tăng 9,9% (Nghị quyết: 27.300 tỷ đồng, tăng 3-4%), trong đó vốn đầu tư từ NSNN đạt 7.267,6 tỷ đồng.

(8) Giải quyết việc làm cho hơn 3,1 vạn lao động (Nghị quyết: 3,1 vạn lao động)

(9) Tỷ lệ giảm sinh ước đạt 0,2%o (Nghị quyết: 0,2%o)

(10) Tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn mới thành phố) giảm còn 3,26% (Nghị quyết: 3,81%)

(11) Gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu thành phố giao.

Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP giá thực tế năm 2014 ước đạt 52.600 tỷ đồng, tăng 12,15% so với năm 2013. GRDP bình quân đầu người ước đạt 51.986 nghìn đồng/người (tương đương 2.441 USD/người). Cơ cấu ngành kinh tế Đà Nẵng vẫn giữ vững Dịch vụ - Công nghiệp – Nông nghiệp: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,62%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,26% và khu vực dịch vụ chiếm 61,12% (Năm 2013 cơ cấu ngành tương ứng là: 2,64%; 36,14% và 61,22%).

Trên cơ sở số liệu kinh tế - xã hội sơ bộ năm 2014, ước tính tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP tính theo phương pháp giá người sản xuất) năm 2014 theo giá so sánh 2010 tăng 9,56% so với năm 2013 (năm 2013 tăng 8,34% so năm 2012). Trong đó các khu vực kinh tế: VA khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,43%, đóng góp 3,77 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP 2014; VA khu vực dịch vụ tăng 9,29%, thấp hơn mức tăng 12,38% của năm 2013, đóng góp 5,71 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP 2014, trong đó thuế nhập khẩu tăng 47,63%, đóng góp 0,5% điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản VA tăng 3,3% đóng góp 0,08 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP năm 2014 toàn thành phố.Với mức tăng trưởng trên, dự báo năm 2014 nền kinh tế Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi đặc biệt là đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp giá trị sản xuất tăng 10,02%, cao hơn năm 2013 nên VA tăng 12,1%, đóng góp 2,95 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng GRDP (đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá VA tăng 11,83%; công nghiệp điện VA tăng 12,3%), ngành xây dựng VA tăng 6,97%. (Tốc độ này năm 2013 lần lượt là 6,11%, 15,4%, riêng ngành xây dựng năm 2013 giảm 7,41% so với năm 2012).

Khu vực dịch vụ, năm 2014, một số ngành chiếm tỉ trọng lớn trong GRDP tăng thấp như kinh doanh bất động sản VA tăng 5,89%; tài chính ngân hàng VA tăng 4,37% (Năm 2013 tăng lần lượt là 19,92% và 16,44%). Các ngành tăng trưởng khá như: Ngành thương nghiệp tăng 9,56%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 20,2%, vận tải tăng 6,86%, ngành thông tin và truyền thông tăng 10,32%, ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng 11,87%, dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 25,56%; ngành hoạt động nghệ thuật vui chơi và giải trí tăng 9,52%,...

Khu vực nông lâm thủy sản giá trị VA tăng 3,3%, trong đó ngành thủy sản tăng 4,9% đóng góp tăng trưởng 0,07 điểm % vào GRDP thành phố.

1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2014 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là: lúa 5.486 ha, ngô 358 ha, khoai lang 336 ha, rau, đậu 942 ha, mìa 299 ha, cây hoa 126 ha. So với năm trước diện tích gieo trồng lúa tăng 1,15%; ngô giảm 30,41%; khoai lang tăng 2,03%; rau đậu giảm 5,5%; mìa giảm 7,14%; cây hoa giảm 2,55%. Diện tích cây ngô, mía giảm nhiều so với năm trước là do nguồn nước không đảm bảo, hạn hán kéo dài.

Năng suất lúa năm 2014 cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 61,8 tạ/ha, tăng 4,16 tạ/ha (tăng 7,22%) so với năm 2013. Các loại cây trồng khác như ngô đạt 56,4 tạ/ha, giảm 1,8 tạ/ha (giảm 3,04%); khoai lang 21,1 tạ/ha, tăng 1,32 tạ/ha (tăng 2,17%); rau đậu 125,3 tạ/ha, tăng 0,39 tạ/ha (tăng 0,31%), cây mía 390,64 tạ/ha, tăng 2,77%; lạc 17,5 tạ/ha, bằng 81,02% so với năm 2013.

* Chăn nuôi: Ước tính năm 2014, trên toàn địa bàn đã kiểm soát hơn 175.770 con heo; 21.446 trâu, bò và 743.327 gia cầm. Công tác tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho vật nuôi trên địa bàn được chú trọng. Đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố ước đạt như sau:

+ Tổng số lượng trâu 1.908con, giảm 0,26% so với năm trước;

+ Tổng số lượng bò 16.086 con, tăng 16,69% so với năm trước;

+ Tổng số lượng lợn 70.990 con, giảm 1,8% so với năm 2013;

+ Tổng đàn gia cầm 450 ngàn con, tăng 18,3% so với năm 2013.

Trong đó: đàn gà 389 ngàn con, tăng 18,3% so với năm 2013.

1.2. Lâm nghiệp

Trong năm 2014 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 14 vụ cháy rừng thiệt hại 146,6 ha diện tích, tăng 4 vụ so với năm 2013, do năm nay thời tiết nắng nóng, ít mưa. Diện tích rừng trồng mới tập trung thực hiện được 450 ha, tăng 13,92% so với năm 2013. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng năm 2014 ước đạt 20.510 m3, bằng 81,1% so với năm trước; sản lượng củi khai thác năm 2014 ước đạt 97.310 Ster, bằng 75,86% so với năm 2013. Sản lượng củi và gỗ khai thác năm 2014 thấp hơn năm 2013 do năm trước có nhiều cơn bão, thành phố tận thu sản phẩm.

1.3. Thủy sản

Sản lượng khai thác thủy sản năm 2014 ước đạt 33.032 tấn, xấp xỉ sản lượng năm 2013, trong đó sản lượng khai thác đạt 32.244 tấn, bằng 99,87% so với năm 2013.

Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn khá thuận lợi, diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2014 đạt 471,3 ha (trong đó: diện tích nuôi thâm canh là 305,38 ha và nuôi bán thâm canh là 165,92 ha), bằng 96,84% so với năm 2013. Diện tích nuôi tôm 20,05ha giảm gần 8 ha so với năm trước. Sản lượng nuôi trồng ước đạt 787,8 tấn, tăng 5,76% so với năm 2013 (trong đó tôm thẻ chân trắng ước đạt 76,9 tấn, tăng 49,61% so với năm trước). Không có dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, sản lượng nuôi trồng tăng so với năm trước nguyên nhân do áp dụng kỹ thuật mới nên sản lương tôm cao.

2. Công nghiệp

Tháng 12 năm 2014, ước tính chỉ số IIP công nghiệp tăng 6,43% so với tháng trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 2,1% vì tháng 12 là tháng mưa nên ngành công nghiệp khai khoáng ước giảm, công nghiệp chế biến tăng 9,27%; công nghiệp điện giảm 3,53%; công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,25%.

Dự ước IIP tháng 12 năm 2014 tăng 9,3% so cùng kỳ năm 2013. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng khác sẽ tiếp tục tăng, mức 20,23%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,19%; CN điện tăng 19,79%; công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,25%.

Ước tính IIP công nghiệp năm 2014 tăng 10,81% so với năm 2013. Cụ thể: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 32,58%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,05%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,3%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,01% so với năm 2013.

Nhìn chung năm 2014 tình hình sản xuất công nghiệp thành phố có tốc độ tăng trưởng khá hơn so với năm 2013, những ngành có tốc độ phát triển khá so với cùng kỳ: Khai thác tăng 32,58%, SX giày dép tăng 56,01%, Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 19,86%, SX sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 39,70%,... Bên cạnh đó, có một số ngành SX giảm sút: Dệt giảm 5,39%, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 40,39%, SX kim loại giảm 1,45%, SX sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 7,65%.

Những sản phẩm có sản lượng năm 2014 tăng khá so với năm 2013 như: lốp ô tô Radial tăng 486,9%, ô tô du lịch tăng 61,1%, đồ chơi trẻ em tăng 47%, bia các loại tăng 24%, thép cán các loại tăng 20,9%, động cơ điện loại nhỏ tăng 20%, giày thể thao tăng 20%, quần áo may sẵn tăng 11,5%; đá xây dựng tăng 32,58%, phi lê cá và các loại thịt cá khác tươi tăng 249,45%, lưới đánh cá tăng 33,26%, giày dép tăng 56,01%, bê tông tươi trộn sẵn tăng 54,33%, sản xuất xi măng tăng 21,98%, các cấu kiện tháp và cột làm bằng những thanh thép tăng 66,0% ... Một số sản phẩm bị giảm mạnh như: mực đông lạnh giảm 51,72%, vải dệt thoi giảm 40,02% so với năm 2013, ...

Một số doanh nghiệp năm 2014 doanh thu lớn và có tốc độ tăng trưởng khá như: Công ty CP sản xuất thương mại Hữu nghị (Doanh thu: 370 tỷ) có sản phẩm giày tăng 56,01%, công ty Matrix Việt Nam sản xuất đồ chơi trẻ em (Doanh thu: 315 tỷ) tăng 12.87%, công ty Dược DANAPHA( Doanh thu: 320 tỷ), Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân(Doanh thu: 890 tỷ); Công ty cao su Đà Nẵng (Doanh thu: 3000 tỷ); Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (Doanh thu: 2000 tỷ); Công ty TNHH Yonezawa Việt Nam (Doanh thu:1300 tỷ) …Bên cạnh đó một số doanh nghiệp trong năm 2014 có tốc độ tăng trưởng chậm như: Công ty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật, Công ty TNHH điện tử Việt Hoa …

Trong năm 2014 thành phố có 27 dự án mới được đưa vào hoạt động, trong đó có một số dự án đầu tư hoàn thành trong năm 2013 nhưng đến năm 2014 mới đi vào hoạt động như: Công ty TNHH ô tô TCIE Việt Nam (1.250 tỷ đồng), Nhà máy cáp Miền Trung (66 tỷ đồng) và một số dự án hoàn thành đưa vào hoạt động cuối năm 2014 như: Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial (2.992 tỷ đồng), Dây chuyền cán thép 3 của thép Dana –Ý (175 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất tủ điện và các thiết bị điện (80 tỷ đồng)... đã góp phần tạo ra giá trị gia tăng, mức tăng trưởng cao trong công nghiệp.

3. Thương mại

3.1. Lưu chuyển hàng hoá

Dự ước năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 61.973 tỷ đồng, tăng 16,41% so với năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước ước đạt 5.597,4 tỷ đồng, bằng 82,95% so năm 2013; Kinh tế tư nhân đạt 32.552 tỷ đồng, tăng 39,52%; Kinh tế cá thể dự ước đạt 20.935,3 tỷ đồng, tăng 3,78%; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dự ước đạt 3.076 tỷ đồng, giảm 4,27% so với năm 2013.

Trong tổng mức bán lẻ năm 2014 so với năm trước: Nhóm thương nghiệp tăng 14,21%; Nhóm khách sạn, nhà hàng tăng 28,97%; du lịch tăng 42,37% so cùng kỳ; dịch vụ tăng 12,39%.

3.2. Hoạt động khách sạn nhà hàng, du lịch, lữ hành

Ngành ăn uống: Ước tháng 12/2014 doanh thu ngành ăn uống ước đạt 624,6 tỷ đồng, tăng 1,58% so với tháng trước và tăng 5,79% so với tháng 12/2013. Dự ước năm 2014, doanh thu ngành ăn uống 7.137,7 tỷ đồng, tăng 21,99% so với năm 2013. Ăn uống có mức tăng do kết hợp cả 2 yếu tố biến động giá và cung. Với một thành phố phát triển mạnh về du lịch thì ngoài nhu cầu phục vụ ăn uống cho dân địa phương, nhu cầu của khách du lịch đã góp phần nâng mức tăng chung của tổng mức bán lẻ trong năm 2014.

Ngành lữ hành và khách sạn:

Hạ tầng du lịch được đẩy nhanh tiến độ đầu tư, trong năm 2014 có 44 khách sạn (1.991 phòng) mới được đưa vào hoạt động (2 khách sạn 4 sao,5 khách sạn 3 sao, 37 khách sạn 1-2 sao), nâng tổng số khách sạn trên địa bàn thành phố lên 435 khách sạn (15.625 phòng) (trong đó 10 khách sạn 5 sao với 2.509 phòng, 11 khách sạn 4 sao với 1.806 phòng, 50 khách sạn 3 sao với 3.312 phòng, 358 khách sạn 1-2 sao với 7.751 phòng, 6 khu biệt thự với 247 phòng).

Doanh thu ngành lữ hành và khách sạn ước tháng 12/2014 đạt 327 tỷ đồng, giảm 3,44% so với tháng trước và tăng 16,29% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó: hoạt động khách sạn ước đạt 236,8 tỷ đồng, giảm 3,01% so với tháng trước và tăng 5,74% so với cùng kỳ năm 2013; hoạt động du lịch lữ hành đạt 90,6tỷ đồng, giảm 4,56% so với tháng trước và tăng 57,28% so với tháng 12/2013. Ước năm 2014, doanh thu ngành lữ hành và khách sạn ước đạt 4.134 tỷ đồng, tăng 46,74% so với năm 2013.

Tổng lượt khách phục vụ đầu năm 2014 là 3.470 nghìn lượt, tăng 17,88% so với năm 2013, trong đó: lượt khách lữ hành là 268 nghìn lượt khách, bằng 93,6% so năm trước, lượt khách lưu trú là 3.202 nghìn lượt khách, tăng 18,04% so với năm 2013. Trong tổng lượt khách tham quan, khách quốc tế ước đạt 1.841 nghìn lượt, tăng 2,58%; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 9.740 tỷ đồng, tăng 25,1%. Lưu trú cá thể phát triển là do nhu cầu thuê nhà trọ của công nhân và sinh viên tăng cao, không bị tác động bởi thời tiết và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đối với khách du lịch thì thời gian lưu trú khách còn ngắn và thu hút khách quốc tế còn thấp.

3.3. Vận tải, bưu chính

Ước năm 2014, doanh thu ngành vận tải đạt 6.426,2 tỷ đồng, tăng 9,03% so với năm 2013 (trong đó yếu tố tăng của chỉ số giá cước vận tải năm 2014 là 4,83%). Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.388,8 tỷ đồng, tăng 9,04%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 3.355,2 tỷ đồng, tăng 7,2%; doanh thu nhóm dịch vụ vận tải đạt 1.682,2 tỷ đồng, tăng 12,86% so với năm 2013. Tốc độ phát triển năm 2013 so 2012 của loại hình dịch vụ vận tải là 6,0%, trong khi năm 2014 so 2013 tăng gấp đôi với 12,86%, loại hình vận tải hàng hóa năm 2013 so 2012 tăng 7,5% và vận tải hành khách chỉ tăng 5%. Điều này chứng tỏ ngành dịch vụ đang có xu hướng tăng và chiếm ưu thế hơn hai ngành còn lại.

Khối lượng luân chuyển hành khách năm 2014 đạt 1.096 triệu Hk.km, tăng 6% so với năm 2013; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 2.583 triệu T.km, tăng 6,1% so với năm 2013.

* Hàng hoá thông qua cảng Dự tính năm 2014, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng đạt 5.799,7 nghìn tấn, tăng 15,76% so với năm 2013. Trong đó: hàng xuất khẩu đạt 2.154,4 nghìn tấn, bằng 91,25% so với năm 2013; hàng nhập khẩu đạt 1.541,6 nghìn tấn, tăng 14,61%; hàng nội địa đạt 2.103,7 nghìn tấn, tăng 61,31%; hàng Container ước đạt 2.914,9 nghìn tấn, tăng 34,35% so với năm 2013.

* Viễn thông: Doanh thu thông tin – truyền thông năm 2014 ước đạt 15.245 tỷ đồng, đạt 152,5% kế hoạch, tăng 7% so với năm 2013; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 32,8 triệu USD, đạt 109,2% kế hoạch, tăng 31,1%.

KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

1. Giá cả thị trường

1.1. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2014

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 giảm 0,28% so tháng trước. Chỉ số giá của các nhóm mặt hàng so với tháng trước như sau: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; Giáo dục tăng 0,02%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,07%, Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,08%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%. Nhóm tăng cao là nhóm: Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,41%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,15%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,34% do sắp đến Tết nên người dân tăng mua sắm dần; Bưu chính viễn thông tăng 0,41% do dịch vụ bưu điện tăng 9,14%. Giá vàng tăng 0,03%; Giá USD tăng 0,41% so với tháng 11/2014.

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 tăng 1,59% so với tháng 12 năm trước, trong đó: Nhóm hàng ăn uống tăng 2,28%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,6%; Nhóm may mặc mũ nón tăng 3,96%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,17%; Nhóm giải trí tăng 3,08%; Nhóm giáo dục tăng 8,61%; các nhóm khác tăng nhẹ; riêng nhóm Nhóm giao thông giảm 6,12%, Nhà ở điện nước chất đốt giảm 2,45%. Giá vàng giảm 3,92%; Giá đô la Mỹ tăng 1,25% so với tháng 12/2013.

1.2. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2014

* Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2014 so với bình quân năm 2013 tăng 3,34%, mức tăng chung thấp hơn so với mức tăng bình quân năm trước (tăng 8,34%). Chỉ số giá phần lớn các nhóm hàng giảm so với chỉ số giá chung bình quân. Những nhóm hàng tăng khá cao so với mức tăng bình quân chung như: nhóm giáo dục tăng 7,79%; nhóm hàng hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,09%; nhóm thực phẩm tăng 5,08%, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 4,61%, Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,73%. Những nhóm hàng còn lại tăng thấp hơn giá bình quân chung. Riêng nhóm bưu chính viễn thông chỉ bằng 99,54% so bình quân năm trước. Năm 2014, giá vàng giảm 12,44% và giá Đô la Mỹ tăng 0,8% so với bình quân năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng sau so với tháng trước trong cả năm 2014 cho thấy sự biến động giá tập trung vào các tháng đầu năm:

Tình hình kiểm soát giá cả, thị trường tại Đà Nẵng được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm bình ổn giá, chống hàng giả, ổn định đời sống dân cư. Tết âm lịch thành phố luôn trợ giá cho Công ty Thương mại Đắc Vinh bán bình ổn giá thịt heo Tết tại các của chợ của thành phố và các điểm tập trung dân cư. Tại các điểm du lịch, nơi có điều kiện đẩy giá, ép khách nhưng Đà Nẵng quản lý tốt, kiểm tra giám sát thường xuyên, đặc biệt là điểm chợ Hàn tại trung tâm thành phố nên giá cả luôn giữ ổn định so với các tỉnh và cả nước.

2. Thực hiện vốn đầu tư

* Dự kiến năm 2014, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thực hiện được 32.782.,3 tỷ đồng, tăng 9,85% so với năm 2013. Trong đó: vốn ngân sách nhà nước 14.035,8 tỷ đồng, bằng 97,82% so với năm trước; vốn ngoài nhà nước 16.066,7 tỷ đồng, tăng 23,35% so với năm 2013; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2.679,7 tỷ đồng, tăng 8,54% so với năm trước.

Phân theo khoản mục đầu tư, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2014 đầu tư vào xây dựng cơ bản 21.449,7 tỷ đồng tăng 7,39% so với năm 2013; đầu tư mua sắm TSCĐ không qua XDCB 6.269,8 tỷ đồng tăng 13,33%; đầu tư sửa chữa lớn nâng cấp TSCĐ 178.625 triệu đồng bằng 56,76% so với năm 2013; bổ sung vốn lưu động 4.645,7 tỷ đồng tăng 20,8%; đầu tư khác 238.361 triệu đồng tăng 35,67% so với năm trước.

3. Xây dựng

Ước năm 2014, tổng giá trị sản xuất ngành xây dựng giá hiện hành thành phố thực hiện được 18.635,9 tỷ đồng, tăng 9,48% so với năm 2013. Trong đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 14.329,5 tỷ đồng, tăng 9,84% so với năm trước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 48,1 tỷ đồng, tăng 43,6% so với năm 2013. Riêng giá trị xây lắp hộ dân cư tăng 13,3% so năm trước, đạt 2.220,9 tỷ đồng, do những tháng cuối năm thời tiết thuận lợi hơn các năm trước, người dân cũng tăng nhu cầu sửa sang nhà cửa đón Tết.

Giá trị sản xuất xây dựng chia theo loại công trình như sau:

+ Công trình nhà ở: 4.004,7 tỷ đồng, tăng 13,6%

+ Công trình nhà không để ở: 5.207,7 tỷ đồng 5,05%

+ Công trình kỹ thuật dân dụng: 5.677,9 tỷ đồng, tăng 12,55%

+ Hoạt động xây dựng chuyên dụng: 3.745,7 tỷ đồng; tăng 7,15% so với năm 2013.

Đến thời điểm hiện tại, các công trình xây dựng đang gấp rút hoàn thành tiến độ thi công đế kịp bàn giao trước dịp Tết. Do vậy, cần tập trung giải ngân nhanh, ưu đãi các thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế để khuyến khích doanh nghiệp hoạt động tốt.

4. Tài chính – tín dụng

4.1. Thu chi ngân sách

* Thu ngân sách nhà nước Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ năm 2014 là 11.331 tỷ đồng, giảm 4,47% so với năm 2013 và đạt 97,03% kế hoạch năm 2014. Trong đó: Ngân sách trung ương ước đạt 3.492 tỷ đồng, tăng 13,75% so với năm 2013; ngân sách địa phương ước đạt 7.839 tỷ đồng, giảm 10,83% so với năm 2013.

Thu nội địa: Ước thực hiện tổng thu nội địa (thu thuế, phí, thu khác và thu tiền sử dụng đất) là 8.598 tỷ đồng, tăng 1,15% so với kế hoạch và giảm 10,98% so với năm 2013;

Thu thuế xuất nhập khẩu: 2.461 tỷ đồng, tăng 9,38% so với kế hoạch và tăng 17,36% so với năm 2013.

* Chi ngân sách địa phương

Sơ bộ chi ngân sách địa phương năm 2014 là 8.615 tỷ đồng, bằng 70,89% kế hoạch và bằng 71,51% so với năm 2013. Cụ thể một số lĩnh vực như sau:

Chi đầu tư phát triển: Ước thực hiện 4.316 tỷ đồng, đạt 82,12% so với kế hoạch. Trong đó: Chi đầu tư xây dựng cơ bản là 4.163 tỷ đồng chủ yếu là nguồn vốn trong nước;

Chi thường xuyên: Ước thực hiện là 4.295 tỷ đồng, đạt 95,61% kế hoạch và giảm 16,81% so với năm 2013.

5. Về ngoại thương

Ước năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.127,9 triệu USD, tăng 10,63% so với năm 2013. Trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 260,7 triệu USD, tăng 19,58%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 561,4 triệu USD, tăng 6,46% và khu vực kinh tế tư nhân đạt 305,8 triệu USD, tăng 11,54% so với năm 2013. Cụ thể: hàng nông lâm sản ước đạt 1,2 triệu USD, bằng 36,23% so với năm 2013; hàng thủy sản ước đạt 200,2 triệu USD, tăng 22,04%; hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt 926,4 triệu USD, tăng 8,73% so với năm 2013.

Ước năm 2014, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.108,1 triệu USD tăng 9,42% so với năm 2013. Trong đó: Khu vực kinh tế tư nhân đạt 404,2 triệu USD, tăng 10,52%; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 438,1 triệu USD, tăng 8,89%; Khu vực kinh tế nhà nước đạt 265,8 triệu USD, tăng 8,64% so với năm 2013.

Mặt hàng nhập khẩu năm 2014 tăng so với năm 2013 chủ yếu ở các mặt hàng sau: tân dược tăng 29,55%; bột mỳ tăng 16,01%; chất dẻo tăng 24,7%; nguyên phụ liệu may mặc tăng 21,4%; tơ sợi xơ dệt tăng 17,71% so với năm 2013.

III. AN SINH XÃ HỘI, Y TẾ, GIÁO DỤC VÀ VĂN HÓA

1. Dân số và lao động việc làm

N năm 2014, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 34 phiên giao dịch việc làm. Trong đó có 1 phiên chợ việc làm di động cho người khuyết tật và người lao động. Đến dự các phiên giao dịch có 1.765 doanh nghiệp (920 đơn vị phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch) đăng ký tuyển dụng 34.955 lao động (16.479 nữ). Trong đó: nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề 15.146 người, lao động phổ thông 19.809 người. Có khoảng 18.380 lao động tham gia phiên giao dịch. Trung tâm giao dịch việc làm đã chắp nối, giới thiệu cho 13.859 lao động (6.681 lao động nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 10.129 người, lao động phổ thông 3.730 người. Kết quả phỏng vấn sơ tuyển tại phiên giao dịch có 10.802 lao động được kết nối, giới thiệu thành công (6.132 nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 8.014 người, lao động phổ thông 2.752 người

Năm 2014, ước dân số trung bình thành phố Đà Nẵng có 1.011.803 người, tăng 18.954 người so với năm 2013, tốc độ tăng 1,9%. Tốc độ tăng này có châm lại so với năm trước. Các thành phần kinh tế trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho 2.500 lao động, 11 tháng 29.612 lao động, đạt 95,52% kế hoạch.

Dự báo trong năm 2014, tỷ lệ sinh và chết có giảm nhẹ, tỷ lệ di cư thuần dương nhưng không cao. Cụ thể:

2013

Ước 2014

Tỷ lệ tăng dân số chung

18,8‰

27,0‰

Tỷ suất sinh thô

19,4‰

18,0‰

Tỷ suất chết thô

6,4‰

6,0‰

Tỷ lê tăng tự nhiên

13,0‰

12,0‰

Tỷ xuất di cư đến

15,5‰

22,0‰

Tỷ suất di cư đi

9,7‰

7,0‰

Tỷ suất di cư thuần

+ 5,8‰

+ 15,0‰

2. Chính sách cho các đối tượng

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tốt các chính sách hỗ trợ và chăm sóc trẻ em, tổ chức tốt công tác thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công cách mạng. Ngoài việc thực hiện chính sách trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng cho 27.000 đối tượng, vào dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ thành phố đã hỗ trợ lương thực cho 48.919 hộ, 85.240 khẩu với tổng số lương thực là 1.278 tấn gạo; phối hợp với các địa phương tổ chức mừng thọ cho 8.343 người cao tuổi với kinh phí 2,3 tỷ đồng; Hỗ trợ sinh kế cho 200 người khuyết tật; đào tạo nghề phi chính quy cho 100 người; tiến hành kế hoạch sửa chữa và xây mới 150 nhà cho người khuyết tật; tổ chức 2 hội nghị vinh danh và đối thoại với người khuyết tật. Thành phố đã thực hiện chi gần 19,3 tỷ đồng quà tết và quà 27/7 cho 60.335 lượt đối tượng chính sách. Tổ chức cấp phát quà của Chủ tịch nước và UBND thành phố đến 103.523 lượt đối tượng chính sách, kinh phí trên 29 tỷ đồng, trong đó quà của Chủ Tịch nước có kinh phí trên 10 tỷ đồng; quà của UBND thành phố có kinh phí trên 19 tỷ đồng. Truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 1.154 mẹ, phối hợp các địa phương, đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo cho 298 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn thành phố, với mức phụng dưỡng hàng tháng hơn 1 triệu, trao tặng Huân chương Độc lập các hạng cho 47 gia đình liệt sĩ, duy trì 100% gia đình chính sách có nhà ở ổn định. Hoàn thành Đề án hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công với 950/818 căn nhà được sửa chữa, xây mới, vượt 16,14% kế hoạch.

Năm 2014, đã giải quyết chế độ trợ cấp thường xuyên, 1 lần theo Pháp lệnh ưu đãi người có công cho hơn 20.500 lượt đối tượng chính sách, trong đó có 173 đối tượng hưởng chế độ ưu đãi Giáo dục - Đào tạo, 80 đối tượng được cấp dụng cụ chỉnh hình, 1.827 đối tượng tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày, 3.628 đối tượng được cấp thẻ BHYT, 10.150 đối tượng hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ,... Ngoài ra, tổ chức nghỉ dưỡng, kết hợp tham quan cho cán bộ hưu trí trung cao cấp tại Campuchia, khu nghỉ dưỡng Lăng Cô, Khách sạn Mỹ Khê và tại nhà; tổ chức bốc thăm đất cho 204 hộ chính sách khó khăn về đất ở; miễn giảm tiền sử dụng đất cho 254 hộ, với kinh phí hơn 8,9 tỷ đồng; sửa chữa nhà 15 trường hợp, kinh phí 280 triệu đồng; trợ cấp khó khăn đột xuất 466 trường hợp, kinh phí 1,2 tỷ đồng; giải quyết di dời mộ liệt sĩ cho 11 trường hợp và hỗ trợ xây mộ gia tộc, mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ cho 38 trường hợp ..

Đầu năm 2014, toàn thành phố có 15.186 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,27% so với tổng số hộ dân cư. Qua một năm tích cực triển khai thực hiện, ước có 7.300 hộ thoát nghèo, đạt tỷ lệ 122,42% so với kế hoạch, trong đó 1.575 hộ thoát khỏi hộ đặc biệt nghèo, 114 hộ cựu chiến binh thoát nghèo, 362 hộ chính sách thoát nghèo. Có được kết quả đó là nhờ các giải pháp tích cực như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức gặp mặt đối thoại trực tiếp, hướng dẫn các mô hình, kinh nghiệm làm ăn; hỗ trợ đất sản xuất; đào tạo nghề và giải quyết việc làm; hỗ trợ về tín dụng; nhà ở, điện, nước sinh hoạt và cải thiện điều kiện vệ sinh; hỗ trợ về y tế, giáo dục,... Các đơn vị địa phương đã mua và cấp trên 84.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, với kinh phí trên 46 tỷ đồng; cho 2.479 hộ nghèo vay vốn với tổng kinh phí 52,3 tỷ đồng; thành phố bằng nguồn quỹ vì người nghèo để triển khai xoá 105 nhà cho hộ nghèo có đất ở ổn định, với kinh phí 3,1 tỷ đồng và hỗ trợ sửa chữa trên 196 nhà cấp 4 xuống cấp với kinh phí trên 2,03 tỷ đồng; bố trí chung cư cho 209 hộ trong đó có 161 hộ nghèo và hộ phụ nữ đơn thân thuộc diện hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 6.984 lượt hộ nghèo theo chuẩn Trung ương với tổng kinh phí 628,56 triệu đồng ...

Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chương trình “thành phố 5 không, 3 có”, thành phố đã tập trung 44 đối tượng tâm thần lang thang chuyển vào Trung tâm điều dưỡng người tâm thần, 64 đối tượng lang thang xin ăn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “có việc làm”, thành phố đã giải ngân cho vay 96,4 tỷ đồng vốn hỗ trợ giải quyết việc làm đối với 1.583 dự án, góp phần giải quyết 2.377 lao động, trong đó vốn ủy thác từ ngân sách cho vay đối với hộ di dời giải tỏa là 16.566 triệu đồng cho 741 dự án, thu hút 1.087 lao động. Các doanh nghiệp có chức năng Xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố đã đưa hơn 100 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

3. Giáo dục - Đào tạo

Năm học 2013-2014, toàn ngành có 37,5% cháu từ 0-2 tuổi ra nhà trẻ, 99% cháu từ 3-5 tuổi ra mẫu giáo, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp là 99,9%, huy động 100% cháu trong độ tuổi học tiểu học, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 và trên 99% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông là 99,3%. Tỷ lệ học sinh đạt học sinh giỏi bậc tiểu học đạt 65,9%, bậc trung học cơ sở đạt 34,7%, bậc trung học phổ thông đạt 8%; tỷ lệ học sinh hạnh kiểm tốt bậc tiểu học đạt 100%, bậc trung học cơ sở đạt 85,5% và bậc phổ thông trung học đạt 70,4%.

Chất lượng học sinh được nâng cao, thành tích các kỳ thi quốc gia và quốc tế được duy trì và cải thiện, năm học 2013-2014, thành phố chọn 76 học sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, kết quả có 59 em đạt giải, gồm 1 giải nhất, 17 giải nhì, 21 giải ba và 20 giải khuyến khích. Về tiêu chuẩn, định mức và chỉ tiêu tỷ lệ giáo viên so lớp học của từng cấp học 1,75 giáo viên/lớp. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đều tăng lên, đạt 99,7%.

Mạng lưới trường học năm 2014 như sau:

Mầm non

Tiểu học

Trung học cơ sở

Trung học phổ thông

Số trường

144

100

57

21

Số trường đạt chuẩn

39

71

18

5

Tăng (+) so 2013

+ 4

+ 2

+ 1

4. Hoạt động y tế

Công tác quản lý nhà nước về y tế được tăng cường, công tác y tế dự phòng và an toàn vệ sinh thực phẩm được đẩy mạnh, không xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tính đến 18/12/2014 có 275cas sốt xuất huyết (bằng 13,9% so với cùng kỳ năm 2013), giảm 1.703 cas, không có trường hợp tử vong; bệnh tay chân miệng có 1.581 cas, bằng 60,74% so với cùng kỳ năm 2013 (giảm 1.022 cas), không có trường hợp tử vong; bệnh thủy đậu là 1.577 cas, trung bình 1 tuần có 22 cas mắc thủy đậu, bệnh đau mắt đỏ tổng có 2.247 cas, trong tuần có trung bình hơn 40 cas đau mắt đỏ.

Thành phố đã cấp giấy chừng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 3.132/3.484 cơ sở, đạt tỷ lệ 89,9%, không xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể trên địa bàn. Tuy nhiên có 3 vụ ngộ độc thực phẩm, tổng số là 11 người mắc.

5. Văn hóa đời sống

Thành phố đã tổ chức triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực. Đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 trung tâm công nghệ sinh học, nhân rộng các mô hình sản xuất nấm, chăn nuôi, cây cảnh...đã kiểm tra tiến độ thực hiện 28 đề tài, dự án, nghiệm thu 9 đề tài cấp thành phố, triển khai thực hiện 46 đề tài, dự án và bàn giao kết quả nghiên cứu của 9 nhiệm vụ khoa học công nghệ cho 36 đơn vị ứng dụng. Hoàn thành cơ bản mô hình trồng Thanh long ruột đỏ, mô hình trồng nấm Sò, triển khai giai đoạn sản xuất thực nghiệm 900 cây Mokara và 260 cây Hồ điệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao…

Đến nay, đã hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 42 tổ chức, cá nhân, kiểm định 11.701 phương tiện đo, hiệu chuẩn 1.733 phương tiện; đánh giá chứng nhận việc áp dụng hệ thống ISO cho 38 đơn vị.

Về thể thao thành phố cũng có những thành tích cao, đoàn Đà Nẵng đã tham gia thi đấu 83 giải (gồm 17 giải quốc tế và khu vực, 66 giải trong nước), đạt 100 huy chương vàng, 100 huy chương bạc, 142 huy chương đồng (giải quốc gia đạt 98 HCV – 97 HCB – 137 HCD, giải quốc tế đạt 2 HCV – 3 HCB – 5 HCĐ); riêng VĐV Hoàng Quý Phước đã giành 15 huy chương vàng giải quốc gia và 3 huy chương (2 vàng, 1 bạc) giải Đông Nam Á.

6. Trật tự an toàn xã hội

* Tình hình cháy nổ: Tháng 12/2014 trên địa bàn đã xảy ra 6 vụ cháy, ước tính thiệt hại 13 triệu đồng, không có thiệt hại về người, nâng tổng số vụ cháy trong năm 2014 lên 130 vụ, tổng thiệt hại hơn 735 triệu đồng và làm bị thương 4 người. Trong đó có 60 vụ xảy ra tại nhà dân, 32 vụ xảy ra tại các cơ quan, doanh nghiệp, 3 vụ xảy ra ở chợ, 16 vụ cháy rừng và 18 vụ xảy ra tại các địa bàn khác.

* Tai nạn giao thông: Tai nạn giao thông Đường bộ: Năm 2014 giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí an toàn giao thông về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 131 vụ, giảm 30 vụ so với cùng kỳ năm 2013, làm chết 69 người (giảm 33 người), bị thương 123 người (giảm 22 người). Tai nạn giao thông Đường thuỷ: Không xảy ra.

* Công tác kiểm tra, xử lý tệ nạn mại dâm: 11 tháng đầu năm, Ngành LĐ –TB&XH đã tổ chức kiểm tra 654 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, qua đó phạt cảnh cáo 58 cơ sở, phạt hành chính 94 cơ sở với số tiền 242,7 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 6 cơ sở có hành vi mua bán dâm.

* Lĩnh vực cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện: Trung tâm 05-06 đã tiếp nhận 20 học viên, trong đó cai nghiện tự nguyện 17 trường hợp, cai nghiện bắt buộc theo quy định mới 3 trường hợp, giải quyết cho về cộng đồng 288 người; số học viên còn lại tại Trung tâm 05-06 hiện còn 67 người. Hiện thành phố có 473 người được quản lý sau cai nghiện, trong đó có việc làm 307 người, chiếm 64,9%.

Tại Đà Nẵng hiện có 948 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động (khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, massage, cà phê, giải khát, cắt tóc…) với 4.003 nhân viên nữ làm việc. Ước tính số nữ nhân viên có biểu hiện, nghi vấn hoạt động mại dâm là 150 người (chưa kể số lượng gái bán dâm di động). Đa số người bán dâm kiểu này không khai lai lịch rõ ràng khi bị bắt, không có nơi cư trú ổn định…

Trong 10 tháng đầu năm 2014 phát hiện 112 ca nhiễm HIV mới, trong đó trường hợp là người ngoài tỉnh chiếm đến 50% (56 ca). Liên Chiểu là quận có số ca nhiễm HIV được phát hiện mới cao nhất trong số các ca nhiễm HIV của thành phố (14 ca).

7. Môi trường

Mô hình thành phố môi trường Đà Nẵng hướng đến trong tương lai và trong quá trình chỉnh trang đô thị là thành phố thân thiện môi trường đảm bảo các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, quản lý tốt chất thải rắn, chú trọng không gian xanh đô thị và hướng đến phát thải carbon thấp. Đồng thời, thành phố khuyến khích thu gom vỏ hộp sữa giấy bảo vệ môi trường, Mục tiêu lâu dài là có thể thu gom và phân loại rác thải tái chế đạt 50%.

Tóm lại, năm 2014 kinh tế thành phố Đà Nẵng đã có dấu hiệu phục hồi và phát triển, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng phát triển trở lại, dịch vụ du lịch trở thành điểm sáng cả nước, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Thành phố đã và đang tiếp tục xúc tiến nhiều hoạt động tích cực để tái cơ cấu kinh tế phát triển thành phố, phát huy lợi thế và điểm mạnh để xây dựng thành phố Đà Nẵng đúng tầm trung tâm khu vực kinh tế vùng, nâng cao đời sống dân cư, ổn định an sinh xã hội./.

Chuyên mục, tin tức liên quan:

Video Video

 

 

Thư viện hình ảnh Thư viện hình ảnh

Liên kết web Liên kết web

Bản quyền thuộc về Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng

Địa chỉ: 310 Hoàng Diệu - Hải Châu - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (+84) 236 3822768 - 3827680

Email: danang@gso.gov.vn