I. PHÁT TRIỂN kinh tẾ
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2015 tính theo phương pháp giá cơ bản ước tính tăng 7,88% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 7,79% của quý I/2014). Có thể nói đây là mức tăng hợp lý, trong bối cảnh nền kinh tế đang còn những khó khăn nhất định, dưới sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn của Chính phủ và lãnh đạo các ngành các cấp trong việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả trên khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp của lãnh đạo Đảng và Chính quyền thành phố ngay từ đầu năm.
Trong mức tăng 7,88% của toàn nền kinh tế trên địa bàn, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,8%, thấp hơn mức tăng 11,25% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,47 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,8%, cao hơn mức tăng 5,81% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,37 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,01% so với cùng kỳ, đóng góp 0,12 điểm phần trăm, thuế sản phẩm tăng 8,71% đóng góp 0,92 điểm phần trăm trong mức tăng GRDP toàn thành phố.
Như vậy, mức tăng trưởng quý I/2014 chủ yếu do đóng góp của hai khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tính riêng khối công nghiệp tăng 8,87%, đóng góp 1,87 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung. Dựa vào kết quả này có thể khẳng định công nghiệp Đà Nẵng có mức tăng tương đương so với cùng kỳ (năm 2014 tốc độ này là 8,58%).
Trong khu vực dịch vụ, ngành thương nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong khu vực dịch vụ chỉ bằng 97,29% so với cùng kỳ, điều này đã ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của khu vực dịch vụ, và là dấu hiệu của một xu hướng thị trường với sức mua đi xuống; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 17,94%, cao hơn mức tăng 10,68% của cùng kỳ năm 2014, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng khu vực dịch vụ.
Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,97%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31% và khu vực dịch vụ chiếm 56,85%, thuế sản phẩm 10,18% (Cùng kỳ năm trước tỷ trọng tương ứng là: 1,95%; 31,24%; 56,64% và 10,17%).
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh 2010
tính theo phương pháp giá cơ bản
Đơn vị tính: %
|
Quý I năm 2014 |
Quý I năm 2015 |
TỔNG SỐ |
7,79 |
7,88 |
Phân theo khu vực kinh tế |
|
|
- Nông lâm nghiệp và thủy sản |
7,64 |
7,01 |
- Công nghiệp và xây dựng |
11,25 |
7,80 |
Trong đó: Công nghiệp |
8,59 |
8,87 |
- Dịch vụ |
5,81 |
7,80 |
- Thuế sản phẩm – trợ cấp sản phẩm |
8,51 |
8,71 |
1. Công nghiệp
Chính thức tháng 2 năm 2015, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố tăng 0,84% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm xe có động cơ tăng 40,22%; Sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 26,24%; Sản xuất giày dép tăng 25,01%; Khai khoáng khác tăng 11,49%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 10,76%...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 02 năm 2015 tăng 55,07% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản phẩm may trang phục tăng 18,97%; Sản phẩm da và các sản phẩm có liên quan tăng 25,01%; Sản phẩm vỏ bào dăm gỗ tăng 654,22%; Sản phẩm Bê tông tươi trộn sẵn tăng 83,82%; các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 32,12%; sản phẩm phụ tùng và các bộ phận cho xe có động cơ tăng 45,77%... Các ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: Dệt bằng 38,80%; Sản phẩm Bao bì và túi bằng giấy bằng 69,6%; Sản phẩm kim loại bằng 63,31%...so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 01/03/2015, chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo giảm 7,28% so với cùng thời điểm năm 2014. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: SX trang phục giảm 12,05%; Sản phẩm võ bào dăm gỗ giảm 91,15%; các SP từ kim loại đúc sẵn giảm 66,7%...
Ước tính chỉ số IIP tháng 3/2015 tăng 57,05% so với tháng 2/2015. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 64,62%, công nghiệp chế biến tăng 69,91%; công nghiệp điện tăng 11,34%; công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,85% so với tháng 2/2015. So cùng kỳ năm 2014 tăng 5,91%, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 1,12%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,33%; CN điện tăng 9,2%; công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 3 tháng đầu năm 2015 chỉ số IIP tăng 8,24% so với bình quân năm 2014. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 16,45%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,51%; công nghiệp điện tăng 6,82%; công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,97% so với bình quân 3 tháng đầu năm 2014.
2. Nông, lâm, thủy sản
Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông xuân năm 2014-2015 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tính đến 15/3/2015 ước đạt: lúa 2.879 ha, ngô 224 ha, khoai lang 197 ha, rau, đậu 426 ha, lạc 519 ha; mía 181 ha, cây hoa 53 ha. So với cùng kỳ năm trước diện tích gieo trồng lúa giảm 2,83%; ngô tăng 5,81%; khoai lang giảm 3,9%; rau đậu giảm 2,67%; lạc giảm 5,67%; mía tăng 17,53%; cây hoa giảm 2,42%.
Chăn nuôi: Trong quý I năm 2015, tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phát triển ổn định, công tác tiêm phòng vacxin, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật tiến hành chặt chẽ. Tổng đàn trâu và lợn không có sự thay đổi lớn so với cùng kỳ năm 2014, tổng đàn bò tăng 14,78% so với tổng đàn và tổng đàn gia cầm tăng 9,93% so với cùng kỳ năm trước.
Lâm nghiệp: Tại thời điểm đầu năm 2015 chưa phát sinh diện tích rừng trồng mới tập trung; không có cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tháng 3/2015 ước đạt 2.095 m3, giảm 0,24%; Sản lượng củi khai thác ước đạt 5.980 Ster, giảm 2,29% so với cùng kỳ năm 2014. Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2015, sản lượng gỗ đạt 5.805 m3, bằng 99,7%, sản lượng củi đạt 18.126 Ster, bằng 99,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thủy sản: Tình hình khai thác thuỷ sản trong tháng 3/2015 tương đối ổn đinh và gặp nhiều thuận lợi do thời tiết biển tốt, các đội tàu khai thác xa bờ như lưới vây, lưới cản khai thái ở ngư trường Hoàng Sa đạt hiệu quả khá cao, giá nhiên vật liệu (xăng, dầu thấp..), các nghề chủ yếu giã đôi, rê 3 lớp, câu cá …
Tính đến 15/3/2015, trên địa bàn có tổng số cơ sở khai thác hải sản là 2.543 đơn vị, trong đó có 1.735 chiếc tàu khai thác thủy sản có động cơ với tổng công suất 102.724 cv, trong đó số tàu thuyền đánh bắt xa bờ có mã lực lớn là 219 chiếc với tổng công suất 71.406 cv (chiếm tỷ trọng 69,50% so với tổng công suất).
Sản lượng thủy sản 03/2015 ước đạt 3.082 tấn, tăng 4,17% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó sản lượng khai thác đạt 3.056 tấn, tăng 3,45% so với cùng kỳ năm 2014. Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2015, sản lượng thủy sản đạt 9.047 tấn, tăng 7,95% so với năm trước, trong đó sản lượng khai thác đạt 8.961 tấn, tăng 7,94% so với cùng kỳ năm 2014.
Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn khá thuận lợi, sản lượng nuôi trồng ước tháng 3/2015 đạt 20,7 tấn cá; 6,2 tấn tôm, nâng tổng số sản lượng 3 tháng đầu năm 2015 là 72,3 tấn cá, 13,4 tấn tôm; sản lượng cá tôm cộng dồn tăng 8,34% so với cùng kỳ năm 2014. Không có dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, các cơ quan chuyên ngành tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi các biện pháp kỹ thuật và phòng chống để tránh xảy ra dịch bệnh trong thời gian tới.
3. Xây dựng
Ước quý I/2015, giá trị sản xuất ngành xây dựng của các doanh nghiệp xây lắp nhận thầu đóng trên địa bàn thành phố đạt 3.489,8 tỷ đồng, tăng 7,71% so với quý I/2014. Hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm công việc và thu hồi vốn, hơn nữa sự trầm lắng của thị trường BĐS làm cho doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Trong quý I/2015, tình hình sản xuất kinh doanh ngành xây dựng thành phố Đà Nẵng không mấy thuận lợi, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vốn, chủ đầu tư thanh toán khối lượng hoàn thành quá chậm và không đủ theo hồ sơ nghiệm thu. Ngân hàng khoanh nợ, không giải ngân tín dụng mới, lãi trả vay cao, điều này gây khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp . . .
4. Thương mại
* Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tháng 3/2015 đạt 4.787,9 tỷ đồng, tăng 0,68% so tháng trước và bằng 95,85% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, nhóm thương nghiệp giảm 4,99%; Nhóm khách sạn tăng 16,44%, nhóm nhà hàng tăng 13,64%; du lịch giảm 23,23% so cùng kỳ; dịch vụ giảm 15,13% so với cùng kỳ năm 2014.
* Cộng dồn tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước 3 tháng đầu năm 2015 đạt 14.722 tỷ đồng, giảm 0,84% so cùng kỳ năm trước. Nhóm thương nghiệp giảm 2,54%; nhóm lưu trú tăng 20,33%; nhóm nhà hàng tăng 17,14; nhóm du lịch giảm 8,54%; nhóm dịch vụ bằng 89,6% so cùng kỳ năm 2014.
* Hoạt động khách sạn nhà hàng, du lịch, lữ hành
Ngành ăn uống: Ước tháng 3/2015 doanh thu ngành ăn uống ước đạt 641,4 tỷ đồng, tăng 0,89% so với tháng trước và tăng 13,64% so với cùng kỳ năm 2014.
Ngành lữ hành và khách sạn: Doanh thu ngành lữ hành và khách sạn ước tháng 3/2015 đạt 370 tỷ đồng, tăng 11,59% so với tháng trước và tăng 6,48% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó: hoạt động khách sạn ước đạt 303,3 tỷ đồng, tăng 10,45% so với tháng trước và tăng 16,44% so với cùng kỳ năm 2014; hoạt động du lịch lữ hành đạt 67 tỷ đồng, tăng 17,06% so với tháng trước và bằng 76,77% so với tháng 3/2014.
Tổng lượt khách phục vụ tháng 3 năm 2015 là 844 nghìn lượt, tăng 7,78% so với tháng trước và tăng 4,75% so với cùng kỳ năm 2014.
5. Vận tải, bưu chính
Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu ngành vận tải hàng hóa, hành khách, dịch vụ vận tải ước đạt 1.628,7 tỷ đồng, tăng 8,92% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 376,5 tỷ đồng, tăng 1,88%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 830,4 tỷ đồng, tăng 7,48% so cùng kỳ năm 2014; doanh thu dịch vụ vận tải ước đạt 421,9 tỷ đồng, tăng 19,41% so cùng kỳ năm 2014.
Khối lượng luân chuyển hành khách 3 tháng đầu năm 2015 đạt 256,5 triệu Hk.km, giảm 1,33%; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 738,3 triệu T.km, tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2014.
Theo thành phần kinh tế, cộng dồn 3 tháng đầu năm 2015 doanh thu ngành vận tải nhà nước ước đạt 310,6 tỷ đồng, tăng 13,71% so với cùng kỳ năm 2014; doanh thu ngành vận tải ngoài nhà nước ước đạt 1.317,8 tỷ đồng, tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu vận tải cá thể ước đạt 89,4 tỷ đồng, tăng 9,61% so với cùng kỳ năm 2014.
* Hàng hoá thông qua cảng
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2015, sản lượng hàng hóa thông qua ước đạt 1.412,3 nghìn tấn, tăng 7,89% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó: hàng xuất khẩu đạt 661,4 nghìn tấn, tăng 8,83% so với cùng kỳ 2014; hàng nhập khẩu đạt 369,8 nghìn tấn, tăng 6,28% so với cùng kỳ 2014; hàng nội địa đạt 381 nghìn tấn, tăng 7,85%; hàng Container ước đạt 768,5 nghìn tấn, tăng 16,42% so với cùng kỳ năm 2014.
II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ
1. Giá cả thị trường
* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2015 so tháng 2/2015 giảm 0,04%. Chỉ số giá của các nhóm mặt hàng tăng so với tháng trước: Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,33%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,24%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,12%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; Giáo dục tăng 0,02%; Đồ uống và thuốc lá chỉ số giá ổn định; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,18%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,16%; Bưu chính viễn thông giảm 0,07%; Nhà ở điện nước và chất đốt giảm 0,06%, Nhóm giao thông giảm 0,19% (do nhóm giá nhiên liệu giảm).
Giá vàng giảm 1,84%; Giá USD tăng 0,01% so với tháng 2/2015.
* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2015 so với tháng 3/2014 tăng 0,63%. Các nhóm hàng tăng là: Giáo dục tăng cao 8,61%; may mặc mũ nón giày dép tăng 4,06%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,41%; Thiết bị đồ dùng gia đình tăng 2,91%; Văn hóa giải trí tăng 2,37%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,24%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,88%; Bưu chính viễn thông tăng 0,07%. Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,76%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm: Nhóm nhà ở điện nước giảm 3,86%; Nhóm giao thông giảm 15,9%.
Giá vàng giảm 5,6%; Giá USD tăng 1,21% so với tháng 3/2014.
* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2015 so với tháng 12/2014 giảm 0,21%. Các nhóm hàng tăng là: May mặc mũ nón giày dép tăng 1,58%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,98%; Thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,81%; Văn hóa giải trí tăng 0,48%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,27%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%; Giáo dục tăng 0,05%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,02%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm: Nhóm giao thông giảm 8,95%; Nhóm nhà ở điện nước giảm 1,54%; Bưu chính giảm 0,07%.
Giá vàng tăng 3,09%; Giá USD giảm 0,07% so với tháng 12/2014.
* Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng đầu năm 2015 so với bình quân 3 tháng đầu năm 2014 tăng 0,52%, mức tăng chung thấp hơn so với mức tăng bình quân năm trước (tăng 3,78%). Những nhóm hàng tăng khá cao so với mức tăng bình quân chung như: nhóm giáo dục tăng 8,62%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 4,03%, Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,83%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,76%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,63%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,86%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,17%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,04%. Các nhóm hàng còn lại thấp hơn giá bình quân chung. Nhóm Giao thông giảm 14,33%; Nhà ở điện nước chất đốt vật liệu xây dựng giảm 4,27%; Giá vàng giảm 1,87% và giá Đô la Mỹ tăng 1,29% so với bình quân năm trước.
2. Thực hiện vốn đầu tư
* Dự kiến tháng 3 năm 2015, vốn đầu tư phát triển do địa phương quản lý thực hiện được 132,1 tỷ đồng, tăng 51,7% so với tháng trước. Trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 129 tỷ đồng, tăng 68,35% so với tháng trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 3,1 tỷ đồng, bằng 29,75% so với tháng trước.
* Ước tính quý I/2015 vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đạt 5.504,5 tỷ đồng, tăng 3,97% so với quý I/2014 và bằng 63,93% so với quý IV/2014. Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn 1.615,9 tỷ đồng, bằng 83,88% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33,21% so với quý IV/2014 ; vốn ngoài nhà nước 3.256,3 tỷ đồng, tăng 17,28% so với cùng kỳ và tăng 0,54% so với quý IV/2014; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 632,3 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ và tăng 24,82% so với quý IV/2014. Trong đó:
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quí I năm 2015 đầu tư vào xây dựng cơ bản ước 3.633,5 tỷ đồng chiếm 66,01%; đầu tư mua sắm TSCĐ không qua XDCB 925,9 tỷ đồng chiếm 16,82%; đầu tư sửa chữa lớn nâng cấp TSCĐ 44,2 tỷ đồng chiếm 0,8%; bổ sung vốn lưu động 811,2 tỷ đồng chiếm 14,74%; đầu tư khác 89,6 tỷ đồng chiếm 1,63% so với tổng số.
3. Về ngoại thương
* Tháng 3/2015, Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 năm 2015 của TP Đà Nẵng ước đạt 90 triệu USD, tăng 40,92% so tháng trước, và tăng 4,47% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 88,8 triệu USD tăng 6,52% so cùng kỳ năm trước và tăng 33,8% so tháng trước. Tháng 3/2015 mặt hàng nhập khẩu tăng chủ yếu tập trung ở chất dẻo tăng 4,39%; máy móc thiết bị khác tăng 6,04%, hóa chất tăng 32,03%...so với cùng kỳ năm trước.
* Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuât khẩu hàng hóa đạt 246,7 triệu USD, tăng 7,03% so với cùng kỳ năm 2014. Hàng thủy hải sản ước xuât khẩu đạt 34,2 triệu USD, tăng 8,04% so cùng kỳ; hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ước đạt 212,5 triệu USD, tăng 6,87% so cùng kỳ năm 2014; riêng nhóm hàng nông lâm sản trong quý 1/2015, các DN chưa có hợp đồng xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu là 242,9 triệu USD tăng 6,21% so cùng kỳ năm trước.
III. AN SINH XÃ HỘI, Y TẾ, GIÁO DỤC VÀ VĂN HÓA
1. Dân số và lao động việc làm
Từ đầu năm dến nay, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm. Đến dự các phiên giao dịch có 389 doanh nghiệp (144 đơn vị phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch) đăng ký tuyển dụng 7.110 lao động (3.914 nữ). Trong đó: nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề 1.951 người, lao động phổ thông 5.065 người. Có khoảng 1.990 lao động tham gia phiên giao dịch. Trung tâm giao dịch việc làm đã chắp nối, giới thiệu cho 1.188 lao động (401 lao động nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 780 người, lao động phổ thông 408 người. Kết quả phỏng vấn sơ tuyển tại phiên giao dịch có 949 lao động được kết nối, giới thiệu thành công (266 nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 610 người, lao động phổ thông 339 người. Thiếu lao động là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn lao động phổ thông như: dệt-may, da giày, thủy sản…
Tại phiên giao dịch việc làm sau Tết do Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức ngày 1/3/2015 vừa qua, số doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng khá nhiều với nhu cầu tuyển dụng lớn, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông. Trong tổng số gần 1.600 chỉ tiêu tuyển dụng, có đến hơn 1.300 vị trí là lao động phổ thông và chỉ có gần 300 lao động có tay nghề. Nhiều chế độ ưu đãi được các đơn vị đưa ra nhằm thu hút lao động. như được ăn cơm, chỗ tạm trú miễn phí, được hưởng chế độ thưởng, chuyên cần, nuôi con nhỏ theo chế độ của công ty… hay làm việc theo giờ hành chính. Hoặc hưởng mức lương khởi điểm theo thỏa thuận và không yêu cầu bằng cấp… Số lao động phổ thông được chọn không nhiều, trong khi nhu cầu tại sàn giao dịch cần khoảng hơn 1.300 lao động phổ thông nhưng chỉ có chưa đến 50 lao động phổ thông được chắp nối, giới thiệu thành công. Số lượng lao động phổ thông tại Đà Nẵng hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
Năm 2015, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn như Công ty CP dệt may 29/3 tuyển 200 công nhân may công nghiệp, Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam tuyển 500 lao động, Công ty Điện tử Việt Hoa tuyển 200 lao động, Công ty CP XNK Thủy sản Miền Trung tuyển 300 lao động trực tiếp sản xuất, Công ty Cổ phần Lilama 7 (Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam) tuyển 70 lao động…
2. Chính sách xã hội:
Tình hình hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội và người có công vui xuân trong không khí đầm ấm. Số xuất quà tặng trong dịp Tết (cho các đối tượng chính sách: thương binh, bệnh binh, người có công, v.v): hơn 84 nghìn suất quà, trị giá 23,8 tỷ đồng. Quà của Chủ tịch nước cho đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố là 31.688 lượt đối tượng, tổng kinh phí 6,570 tỷ đồng, với hai mức quà 200.000đ và 400.000đ cho các đối tượng chính sách. Số hộ nghèo được trợ cấp từ UBND Thành phố là 13.289 hộ nghèo, gồm 24.936 nhân khẩu, tổng số lương thực trợ cấp là 374,45 tấn gạo và UBND các quận, huyện đã tặng quà cho 22.065 lượt hộ nghèo tổng trị giá 7,3 tỷ đồng, quy trị giá đối với lương thực và quà tặng cho người nghèo trị giá 11,8 tỷ đồng. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trong dịp Tết nguyên đán Ất Mùi, ngân sách thành phố hỗ trợ 710 triệu đồng ; Ngoài ra, các quận huyện và các cá nhân trên địa bàn tổ chức tặng quà Tết cho hơn 3.700 trẻ với tổng số tiền gần 1,1 tỷ đồng.
Ngày 3/3/2015, lãnh đạo thành phố đã ký ban hành các quyết định công nhận 4 xã: Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Phú đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2014, vượt 1 xã so với kế hoạch của năm 2014. Các xã này sẽ được UBND TP thưởng 1 công trình phúc lợi trị giá 100 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Theo kế hoạch năm 2015, Đà Nẵng sẽ thực hiện chuẩn Nông thôn mới tại 5 xã còn lại, về đích sớm 5 năm so với kế hoạch của Chính phủ. Qua 4 năm thực hiện Chương trình đã huy động hơn 1.694 tỷ đồng, thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh gần 150km đường giao thông liên thôn, kiệt hẻm, 18 công trình cầu dân sinh, 32 công trình thủy lợi, 80 công trình trường học, nâng cấp 8 công trình văn hóa, xây mới 2 chợ, lắp đặt wifi công cộng cho 11 xã, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 1.445 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hỗ trợ 3.026 hộ dân xây dựng công trình vệ sinh hợp chuẩn…
3. Giáo dục - Đào tạo
Ngày 3/3/2015, Đại học Đà Nẵng công bố tuyển 960 chỉ tiêu ĐH, CĐ năm 2015, liên thông hình thức vừa làm vừa học (chưa đủ 36 tháng) đối với các trường thành viên. Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đại học Đà Nẵng là một trong những cụm thi được Bộ Giáo dục & Đào tạo dự kiến sẽ có lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước. Theo dự kiến của Bộ Giáo dục & Đào tạo, sẽ có trên 58.000 thí sinh tham dự cụm thi Đại học Đà Nẵng. Ngoài những thí sinh thi tự do, thí sinh của 3 tỉnh thành gồm Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi có nguyện vọng vừa thi tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học cũng sẽ thi tại cụm này.
Hơn 3.000 thí sinh đến từ gần 50 trường tiểu học và trung học cơ sở cùng tranh tài tại cuộc thi tiếng Anh English Champion 2015 khu vực TP. Đà Nẵng vào ngày 8/3/2015. Cuộc thi năm nay không chỉ có sự tham gia của thí sinh đến từ các trường trên địa bàn TP. Đà Nẵng, mà còn thu hút khá nhiều thí sinh từ các tỉnh, thành lân cận thuộc khu vực miền Trung như: Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... Điều này cho thấy ngày càng nhiều học sinh quan tâm đến việc học tiếng Anh và cái tên English Champion đã trở thành cuộc thi được biết đến trong số học sinh tiểu học và THCS trải khắp vùng miền, không phân biệt khu vực hay tỉnh thành. Đây là cơ hội mở rộng gặp gỡ, giao lưu giữa các thí sinh có cùng đam mê học tiếng Anh trong xu hướng hội nhập toàn cầu.
4. Hoạt động y tế
Tính đến ngày 15/3/2015 ước có 49 cas sốt xuất huyết (bằng 51,58% so với cùng kỳ năm 2014), giảm 46 cas, không có trường hợp tử vong, bình quân 1 tuần khoảng 6 cas bệnh; bệnh tay chân miệng có 332 cas, tăng 55,14% so với cùng kỳ năm 2014 (tăng 118 cas), không có trường hợp tử vong, bình quân 1 tuần có 41 cas bệnh; bệnh thủy đậu là 412 cas, bằng 67,1% so với cùng kỳ năm 2014, giảm 202 cas trung bình 1 tuần có 62 cas mắc thủy đậu.
Triển khai công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm: Từ đầu năm đến nay, đã tiến hành kiểm tra 117 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản do tuyến thành phố quản lý, kiểm tra 43 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn các quận, huyện; kết quả qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý phạt 64 trường hợp, xử phạt 90,23 triệu đồng; Phối hợp Sở công Thương tiếp tục triển khai mô hình đảm bảo ATTP cho nông sản có nguồn gốc từ thực vật tại Chợ đầu mối Hòa Cường.
5. Trật tự an toàn xã hội
* Tình hình cháy nổ: Tháng 03/2015 trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ cháy, ước tính thiệt hại gần 150 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Trong đó có 2 vụ cháy nhà dân, 2 vụ cháy ở doanh nghiệp. Từ đầu năm đến ngày 15/3/2015, tổng số vụ cháy là 15 vụ, thiệt hại 234 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Trong đó có 9 vụ cháy nhà dân, 3 vụ cháy ở doanh nghiệp và 03 vụ cháy khác.
* Tai nạn giao thông: Trong tháng 3/2015, đã thống kê được: Tai nạn giao thông Đường bộ xảy ra 08 vụ, làm chết 06 người, bị thương 05 người. Hỏng 02 xe mô tô, thiệt hại tài sản khoảng 0,5 triệu đồng. So với tháng 02/2015, giảm 02 vụ (8/10), số người chết không tăng không giảm (6/6), giảm 03 người bị thương (5/8). So với cùng kỳ năm 2014, giảm 08 vụ (8/16), giảm 01 người chết (6/7), giảm 09 người bị thương (5/14). Tai nạn giao thông Đường sắt xảy ra 02 vụ, làm chết 02 người. So với tháng 02/2015, tăng 01 vụ (2/1), tăng 01 người chết (2/1), số người bị thương không tăng không giảm (0/0). So với cùng kỳ năm 2014, tăng 02 vụ (2/0), tăng 02 người chết (2/0), số người bị thương không tăng không giảm (0/0).
Tai nạn giao thông Đường thuỷ không xảy ra.
Trong tháng 3/2015, xử lý vi phạm an toàn giao thông, lập biên bản 3.277 trường hợp (1.258 ô tô, 2.019 mô tô), xử phạt 2.401 trường hợp, thu 1.542 tỷ đồng, tạm giữ 22 ô tô, 58 mô tô.
* Tính từ đầu năm đến ngày 15/3/2015, đã thống kê được: Tai nạn giao thông Đường bộ: Tổng số 24 vụ, làm chết 18 người, bị thương 19 người; hỏng 8 xe mô tô, 3 xe ô tô, thiệt hại khoảng 25,5 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2014, giảm 7 vụ, tăng 4 người chết, giảm 7 người bị thương.
Tai nạn giao thông Đường sắt và Đường thuỷ: Con số thống kê như trên.
Xử lý vi phạm an toàn giao thông, lập biên bản 8.009 trường hợp (4.546 mô tô, 3.462 ô tô), xử phạt 6.543 trường hợp, thu 3.988 tỷ đồng, tạm giữ 47 ô tô, 173 mô tô.
Trong tháng 3/2015, Trung tâm 05-06 tiếp nhận 10 người vào cai nghiện, cho về 7 người, di lý 1 người, cai nghiện và giáo dục cho 232 người. Đến ngày 15/3/2015, toàn thành phố có 365 người quản lý sau cai nghiện, trong đó có việc làm 242 người, chiếm 66,3%, 43 người cai nghiện tại gia đình. Đã tiến hành kiểm tra 10 cơ sở và xử phạt tổng số tiền 91 triệu đồng.
6. Môi trường
Ngày 10/3/2015, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố phối hợp với Chương trình định cư Con người Liên hiệp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khởi động dự án Quy hoạch nhanh tại Đà Nẵng. Dự án có tổng kinh phí là 410.000 euro do Bộ Nghiên cứu và Giáo dục CHLB Đức và UN-Habitat tài trợ, được triển khai từ nay đến tháng 3-2019. Thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) đã được lựa chọn là một trong 3 thành phố trên thế giới, cùng với Kigali (Rwanda) và Assiut (Ai Cập), nhận được sự hỗ trợ tư vấn triển khai dự án nhằm mục tiêu xây dựng chính sách phát triển quy hoạch đô thị bền vững, thân thiện với môi trường và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế. Qua đó nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị năng động, thân thiện với môi trường và phát triển theo hướng bền vững. Đây là dự án nghiên cứu theo hướng hành động nhằm tìm kiếm xây dựng giải pháp tập trung vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị cơ bản, bao gồm năng lượng, nước, nước thải, chất thải rắn, nông nghiệp đô thị…. Mục tiêu chung là sử dụng tối ưu các nguồn lực giữa các lĩnh vực hạ tầng khác nhau, từ đó làm cho việc quy hoạch hạ tầng tại các thành phố tăng trưởng nhanh được nhanh hơn và hiệu quả hơn vì lợi ích của người dân./.