Tổng điều tra dân số và nhà ở có 3 mục đích quan trọng. Trước hết, nhằm phục vụ công tác, nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Thứ hai, đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và giám sát thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Cuối cùng, cung cấp các số liệu cơ bản về dân số và nhà ở của các đơn vị hành chính nhỏ nhất (xã/phường/thị trấn), bổ sung số liệu cho các cuộc điều tra thường xuyên, cung cấp dàn mẫu và cơ sở dữ liệu dân số và nhà ở cho các mục đích nghiên cứu khác trong 10 năm sau cuộc Tổng điều tra.
Tổng điều tra dân số và nhà ở trên cả nước sẽ chính thức bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4/2009. Đối tượng của cuộc điều tra bao gồm: Tất cả người Việt Nam thường xuyên cư trú trên lãnh thổ quốc gia tại thời điểm điều tra, bao gồm cả người Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh ra nước ngoài trong thời hạn quy định; các trường hợp chết đã xảy ra từ ngày 1 Tết Mậu Tý (ngày 7/2/2008 theo Dương lịch) đến ngày 31/3/2009.
Nội dung điều tra gồm 9 vấn đề cơ bản: DS theo chia theo giới tính, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, thành thị, nông thôn; Tình trạng di cư; Trình độ học vấn; Tình trạng khuyết tật; Tình hình lao động- việc làm; Tình trạng hôn nhân; Mức độ sinh, chết và phát triển dân số; Thực trạng về nhà ở; Một số tiện nghi sinh hoạt cơ bản của các hộ dân cư.
Các công tác cơ bản chuẩn bị cho Tổng điều tra đã tiến hành
Trong thời gian qua, Ban chỉ đạo (BCĐ) Tổng điều tra dân số và nhà ở từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã đã được thành lập và bắt đầu hoạt động; phương án, kế hoạch và các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ Tổng điều tra đã hoàn thiện và được phê duyệt. BCĐ TƯ đã phân công rõ ràng trách nhiệm điều tra giữa BCĐ Tổng điều tra tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ với BCĐ Tổng điều tra 3 Bộ (Quốc phòng, Công an, Ngoại giao) điều tra, để tránh bị trùng lắp, hoặc bỏ sót đối tượng điều tra.
3 cuộc điều tra thí điểm về phương án điều tra và phiếu điều tra tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Quảng Trị, TP.HCM và Bến Tre cùng với cuộc điều tra tổng duyệt tại 4 tỉnh đại diện cho các vùng miền là: Yên Bái, Nam Định, Quảng Bình, Tiền Giang đã được thực hiện.
Cuộc Tổng điều tra lần này sẽ áp dụng công nghệ nhận dạng ký tự thông minh/công nghệ quét trực tiếp nhận tin từ phiếu điều tra vào máy tính thay cho công nghệ nhập tin qua bàn phím.
Công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra sẽ tập trung vào 7 nội dung lớn:
+ Thành lập BCĐ và Văn phòng giúp việc BCĐ từ TƯ đến địa phương;
+ Tiến hành rà soát và phân định ranh giới lãnh thổ hành chính giữa các xã/phường/thị trấn; huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh và tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ;
+ Phân định địa bàn điều tra, vẽ sơ đồ và lập bảng kê số nhà, số hộ, số người của địa bàn điều tra;
+ Chọn cử điều tra viên và tổ trưởng điều tra;
+ In và phân phối tài liệu điều tra kịp thời, đầy đủ, chất lượng cao;
+ Mở các lớp tập huấn điều tra;
+ Bố trí và phân bổ kịp thời kinh phí.
Trần Triết Tâm - Văn phòng Ban chỉ đạo TĐTDS TP Đà Nẵng