* Chính thức tháng 7/2016, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 12,11% so với tháng 7/2015. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 3,52%; công nghiệp chế biến tăng 12,14%; công nghiệp điện tăng 13,07%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,05%.
Một số ngành tăng mạnh so tháng 7/2015 như: Sản xuất sản phẩm từ cao su plastic tăng 41,10%; Sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 28,62%; Sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 24,38%; sản xuất sp từ kim loại đúc sẵn tăng 47,37%.
Cộng dồn chính thức 7 tháng đầu năm 2016: Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn thành phố tăng 11,37% so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp khai thác tăng 14,68%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,29%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 11,51%, sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 10,29%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 7 tháng đầu năm 2016 tăng 7,04% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 18,67%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 20,58%; ; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 23,25%... Các ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: Chế biến thực phẩm; Dệt; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Tại thời điểm 01/8/2016, chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo tăng 4,69% so với cùng thời điểm năm 2015. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng hơn so với mức chung: chế biến thực phẩm tăng 6,10%; Dệt tăng 56,37%, sản xuất trang phục tăng 45,65%, sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 321,51%;... Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm hơn so với mức chung: Sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 62,17%, sản phẩm ngành sản xuất thuốc, hóa dược liệu và dược liệu giảm 83,72%, sản xuất các sản phẩm từ kim loại giảm 68,09%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm cuối tháng 7/2016 tăng 3,44% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo tăng 3,83%; khu vực doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất điện, khí đốt giảm 0,5%; khu vực doanh nghiệp hoạt động trong ngành khai khoáng giảm 8,75%, doanh nghiệp hoạt động trong ngành cung cấp nước, xử lý rác thải giảm 0,88%.
* Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2016 ước tăng 0,1% so với tháng trước. Trong đó: Công nghiệp khai thác mỏ bằng 99,74%; Công nghiệp chế biến tăng 0,1%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,17%; Sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 0,1% so với tháng 7/2016.
So với cùng kỳ tháng 8/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2016 tăng 12,68%. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ tăng 8,42%; công nghiệp chế biến tăng 12,83%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 12,88%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 9,66%.
Một số ngành có tốc độ phát triển khá so với cùng kỳ: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 15,41%; Sản xuất sản phẩm điện tử; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 36,21%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 27,96%; Dệt tăng 15,89%; sản xuất thuốc và dược liệu tăng 69,68%; chế biến chế tạo khác tăng 22,67%. Các ngành SX giảm sút: ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 1,52%; ngành sản xuất da giảm 6,95%; sản xuất xe có động cơ giảm 15,99%.
* Ước cộng dồn 8 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,56%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 13,67%; công nghiệp chế biến tăng 11,5%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 11,72%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Một số ngành có tốc độ phát triển khá so với 8 tháng đầu năm 2015: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 21,28%, Sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 28,94%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 28,57%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 19,1%.
Một số ngành SX giảm sút: Ngành chế biến thực phẩm giảm 2,32%; ngành Dệt giảm 10,32%; sản xuất các sản phẩm từ giấy giảm 3,59%; chế biến gỗ giảm 2,9%, sản xuất xe có động cơ giảm 3,95% so với 8 tháng đầu năm 2015.
So với cùng kỳ năm trước, 8 tháng đầu năm 2016 một số sản phẩm có sản lượng tăng khá như: đá xây dựng tăng 13,67%; thịt cá đông lạnh tăng 378,39%; hộp và thùng bằng bìa giấy nhăn và bìa nhăn tăng 69,24%; Săm dùng cho xe buýt, xe tải hoặc máy bay tăng 10,92%; Clănke xi măng tăng 15,63%; Bê tông tươi tăng 43,58%; Thanh, que sắt hoặc thép không hợp kim được cán nóng tăng 17,33%;...Một số sản phẩm bị giảm mạnh như: mực đông lạnh giảm 79,80%; quần áo bảo hộ lao động giảm 36,36%; bộ quần áo thể thao giảm 37,31%; lưới đánh cá giảm 26,03%.
Nông nghiệp * Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa năm 2016 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ước đạt: lúa 2.586 ha, ngô 221 ha, khoai lang 149 ha, rau, đậu 297 ha, mía 180 ha, cây hoa 20 ha, mè 240 ha. So với cùng kỳ năm trước diện tích gieo trồng lúa tăng 3,38%; ngô giảm 4,55%; khoai lang tăng 6,83%; rau đậu tăng 7,73%; mía tăng 7,78%; cây hoa giảm 10,45%, mè giảm 6,98%.
Vụ Mùa năm 2016 trên địa bàn thành phố gieo sạ 2 586 ha lúa, các giống lúa chính gồm: NX30, Xi23, HT1, OM4900, BC 15, Thiên Ưu 8, BT7,…lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái, không xảy ra khô hạn; tỷ lệ giống lúa trung, ngắn ngày đưa vào sản xuất đạt 47,41%. Các cây trồng khác như ngô, mè, đậu đỗ, khoai lang, rau hoa các loại đang trong giai đoạn phát triền. Riêng về cây lúa, các ban ngành đang hỗ trợ phát triền 5 vùng rau an toàn nhằm kiểm soát quy trình sản xuất và thiết lập hệ thống tiêu thụ trên địa bàn.
Tuy nhiên hiện nay trên cây lúa có một số đối tượng sinh vật gây hại như: Chuột, rầy nâu + rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo, bệnh khô vằn,…Với điều kiện thời tiết phức tạp của tháng 8/2016 đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh vật hại cây trồng phát sinh.
Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Đà Nẵng cùng các cơ quan ban ngành liên quan đã hướng dẫn nông dân thực hiện một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sinh vật hại trên cây lúa, cây trồng. Bà con nông dân nên thường xuyên tổ chức duyệt chuột tại các cánh đồng và các cơ quan chuyên ngành thường xuyên tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân trong công tác phòng và chống các dịch bệnh có hại cho cây trồng. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ kịp thời, không nên phun thuốc hóa học tràn lan để tránh sự bộc phát rầy ở lứa sau (giai đoạn lúa làm đòng- trổ), không bón thừa đạm. Dọn sạch cỏ trong ruộng lúa, bờ ruộng, mương dẫn nước. Khi ruộng lúa xuất hiện bệnh nên giữ nước hợp lý và dừng bón phân, tập trung xử lý bệnh dứt điểm rồi chăm bón.
* Chăn nuôi: Trong tháng 8/2016 đã tiến hành tiêm vắc- xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, ứng phó và xử lý kịp thời với thông tin dịch bệnh, nhờ đó dịch bệnh luôn được kiểm soát. Đồng thời tăng cường chỉ đạo triển khai công tác kiểm soát giết mổ, thanh tra, kiểm tra vệ sinh thú y. Tháng 8/2016 đã kiểm soát giết mổ 27 838 con heo; 2 368 con trâu bò; 103 423 con gia cầm; phối hợp với huyện Hòa Vang kiểm tra xử lý các điểm giết mổ nhỏ lẻ, đến nay có 16 hộ giết mổ nhỏ, lẻ đã đưa gia súc vào lò mổ tập trung để giết mổ, 01 hộ ngừng kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ, vận động các hộ kinh doanh giết mổ để đưa vào giết mổ tập trung tại Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng. Xử lý 09 trường hợp giết mổ không đúng nơi quy định, 20 trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật không qua kiểm soát giết mổ, 01 trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.
Tính đến thời điểm cuối tháng 8/2016, đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố ước đạt như sau:
+ Tổng số lượng trâu 2.090 con, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước;
+ Tổng số lượng bò 17.005 con, tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước;
+ Tổng số lượng lợn 78.584 con, tăng 4,95% so với cùng kỳ năm 2015;
+ Tổng đàn gia cầm 781 ngàn con, tăng 0,53% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó: đàn gà 385,1 ngàn con, tăng 3,65% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhìn chung, các tổng đàn như trâu, bò, lợn có tăng so cùng kỳ năm 2015, nguyên nhân là do công tác phòng dịch bệnh tốt ở địa phương rủi ro thấp, hiệu quả kinh tế cao nên bà con nông dân đầu tư.
Tính từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố ổn định, các cơ quan chức năng đã tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, làm tốt công tác tiêm phòng vắc- xin lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh, bệnh dại…, ứng phó và xử lý kịp thời với thông tin, tình hình dịch bệnh, nhờ đó dịch bệnh luôn được kiểm soát.
Tính từ đầu năm đến tháng 8/2016 đã xảy ra 08 vụ cháy rừng trên diện tích 119,11 ha (gồm 103,94 ha rừng trồng và 15,17 ha cây bụi, lau lách). Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo lực lượng chức năng của ngành phối hợp với ngành, địa phương liên quan kịp thời ứng phó xử lý, khắc phục hậu quả các vụ cháy. Riêng trong tháng 8/2016 có một vụ cháy rừng lớn tại thành phố, ước tính đã có 48ha rừng nằm ở phía taluy âm đường đèo Hải Vân, trong đó có 7,8ha rừng thông trồng từ năm 1986 (số còn lại là lau lách, dây leo) và 42ha rừng nghèo nằm ở taluy dương (chủ yếu lau lách, dây leo) bị cháy rụi, khoảng hơn 100 ha rừng thông lâu năm bị cháy. Nguyên nhân được xác định là do người dân đốt thực bì, trong lúc một hộ dân đốt thực bì thì có 3 quả lân tinh phát nổ, gặp gió to cùng thời tiết hanh khô nên tàn lửa nhanh chóng bén lên trên dẫn đến cháy.
Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 8 tháng đầu năm 2016 ước đạt 13.300 m3, bằng 95,34% ; Sản lượng củi khai thác ước đạt 59.608 Ster, bằng 93,72% so với 8 tháng đầu năm 2015. Diện tích rừng khoán bảo vệ là 15.233 ha.
Về công tác tuần tra kiểm soát trong tháng 8/2016 đã tổ chức 30 đợt kiểm tra tại rừng, qua kiểm tra phát hiện 05 mỏ vàng, trong đó có 04 hầm đang hoạt động, xử lý phá hủy tại chỗ tang vật; Đẩy đuổi và đưa khỏi rừng 08 đối tượng; lập biên bản 05 trường hợp vi phạm hành chính; phạt tiền 20 triệu đồng, tịch thu 7,748M3 gỗ xẻ; 0,908M3 gỗ tròn; tịch thu và tiêu hủy 11,2 kg thịt động vật rừng. Đã bàn giao cho Thanh tra Thành phố chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra 03 vụ xâm hại rừng tại các Tiểu khu 62,63 Khu BTTN Sơn Trà, Thu nộp ngân sách 65 triệu đồng, trong đó: 20 triệu đồng tiền xử phạt VPHC và 45,8 triệu đồng tiền bán lâm sản tịch thu.
Sản lượng thủy sản tháng 8/2016 ước đạt 2.900 tấn, bằng 90,86% so với cùng kỳ tháng 8/2015, trong đó sản lượng khai thác hải sản ước đạt 2.898 tấn, bằng 90,86% so với tháng 8/2015. Sản lượng thủy sản cộng dồn 8 tháng đầu năm 2016 ước đạt 25.933 tấn, bằng 95,4%, trong đó sản lượng khai thác đạt 25.821 tấn, bằng 95,36% so với 8 tháng đầu năm 2015.
Tổng số tàu thuyền khai thác trên địa bàn thành phố là 1.596 chiếc, trong đó tàu công suất 90CV trở lên là 334 chiếc. Năng lực khai thác tàu cá tiếp tục chuyển biến tích cực theo hướng đại, tàu công suất lớn, đặc biệt tàu từ 400CV trở lên tăng nhanh, giảm tàu công suất 90CV. Ngày 26/7/2016, UBND thành phố ký Quyết định số 4991/QĐ-UBND ban hành Đề án giảm số lượng phương tiện nghề cá loại công suất nhỏ hơn 20cv (tàu cá, thuyền thúng gắn máy) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hướng đến năm 2020 không còn thuyền thúng gắn máy, số lượng tàu vỏ gỗ công suất nhỏ hơn 20cv (sức chở tối đa từ 0,5 tấn trở xuống) còn khoảng 150 tàu; chính sách hỗ trợ để giúp ngư dân xả bản tàu, chuyển đổi ngành nghề.
Về nuôi trồng thủy sản: Các hộ nuôi tôm đã tiến hành thả giống vụ 2/2016 (đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng); cá nước ngọt (chủ yếu là trắm cỏ, diêu hồng, trê lai),… Tình hình dịch bệnh nuôi trồng thủy sản trong nuôi trồng thủy sản không xảy ra trên địa bàn, các cơ quan chuyên ngành đang phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và tập trung hỗ trợ, xây dựng mô hình nuôi các đối tượng nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng nuôi trồng thủy sản từ đầu năm đến nay ước đạt 112,5 tấn, tăng 5,62% so với cùng kỳ năm trước.
* Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tháng 8/2016 đạt 6.041 tỷ đồng, tăng 3,22% so tháng trước và tăng 9,78% so với cùng kỳ tháng 8 năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước ước đạt 334 tỷ đồng, tăng 1,56% so tháng trước và bằng 92,07% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế tư nhân đạt 3.632 tỷ đồng, tăng 4,81% so tháng trước, tăng 16,76% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế cá thể đạt 1.733 tỷ đồng, tăng 0,54% so tháng trước, tăng 1,64% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 341 tỷ đồng, tăng 2,17% so tháng trước và tăng 5,8% so cùng kỳ tháng 8 năm 2015.
Trong tổng mức: nhóm thương nghiệp tăng 6,58%; nhóm khách sạn tăng 0,26%, nhà hàng tăng 15,5%; du lịch tăng 51,18%; dịch vụ tăng 18,53% so với cùng kỳ tháng 8 năm 2015.
* Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 8 tháng đầu năm 2016 đạt 43.871 tỷ đồng, tăng 7,41% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 2.290 tỷ đồng, bằng 76,12% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế tư nhân đạt 25.540 tỷ đồng, tăng 16,04%; Kinh tế cá thể đạt 13.581 tỷ đồng, bằng 99,32%; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.454 tỷ đồng, tăng 14,88% so 8 tháng đầu năm 2015.
Trong tổng mức: Thương nghiệp tăng 3,47% so cùng kỳ năm trước; lưu trú tăng 10,09%; nhà hàng tăng 12,76% so cùng kỳ; du lịch tăng 56,2%; dịch vụ tăng 12,81% so 8 tháng đầu năm 2015.
Ngành ăn uống: Ước tháng 8/2016 doanh thu ngành ăn uống ước đạt 786 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ tháng 8/2015. Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2016, doanh thu ngành ăn uống là 5.920 tỷ đồng, tăng 12,76% so với 8 tháng đầu năm 2015.
Doanh thu ngành lữ hành và lưu trú ước tháng 8/2016 đạt 647 tỷ đồng, tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 9,84% so với cùng kỳ tháng 8 năm 2015. Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2016, doanh thu ngành lữ hành lưu trú đạt 4.207 tỷ đồng, tăng 18,63% so với 8 tháng đầu năm 2015. Trong đó:
Hoạt động lưu trú tháng 8/2016 ước đạt 479 tỷ đồng, tăng 0,68% so với tháng trước và tăng 0,26% so với cùng kỳ năm 2015; cộng dồn 8 tháng đầu năm 2016 đạt 3.181 tỷ đồng, tăng 10,09% so với 8 tháng đầu năm 2015.
Hoạt động du lịch lữ hành tháng 8/2016 đạt 168 tỷ đồng, bằng 99,11% so với tháng trước và tăng 51,18% so với tháng 8/2015; cộng dồn 8 tháng đầu năm 2016 đạt 1.026 tỷ đồng, tăng 56,2% so với 8 tháng đầu năm 2015.
Tổng lượt khách phục vụ tháng 8/2016 là 425 nghìn lượt, tăng 4,01% so với tháng trước và tăng 20,39% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó: lượt khách lữ hành là 43,6 nghìn lượt khách, tăng 4,12% so tháng trước và tăng 17,54% so với cùng tháng năm trước, lượt khách lưu trú là 381,5 nghìn lượt khách, tăng 4% so với tháng trước và tăng 20,72% so với cùng kỳ tháng 8 năm 2015. Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2016, tổng lượt khách phục vụ 2.947 lượt, tăng 13,88% so với 8 tháng đầu năm 2015.
Tổng doanh thu ngành vận tải hàng hóa, hành khách đường bộ, đường thủy và dịch vụ vận tải tháng 8/2016 ước đạt 727 tỷ đồng, tăng 23,58% so cùng kỳ năm 2015; và tăng 0,53% so với tháng trước. Cụ thể từng ngành vận tải như sau:
- Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 245 tỷ đồng, tăng 79,75% so cùng kỳ năm 2015; và bằng 98,98% so với tháng trước (do hoạt động của công ty cáp treo Bà Nà tăng hơn 35% và chiếm 59% doanh thu vận tải hành khách);
- Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 350 tỷ đồng, tăng 17,44% so cùng kỳ năm 2015; và tăng 0,86% so với tháng trước.
- Doanh thu dịch vụ vận tải ước đạt 132 tỷ đồng, bằng 85,65% so cùng kỳ năm 2015; và tăng 2,61% so với tháng trước.
Ước tính khối lượng luân chuyển hành khách tháng 8/2016 đạt 104 triệu Hk.km, tăng 35% so cùng kỳ năm 2015; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 291 triệu T.km, tăng 29,3% so cùng kỳ năm 2015.
Tháng 8/2016 doanh thu ngành vận tải nhà nước ước đạt 109 tỷ đồng, tăng 1,05% so với tháng trước và bằng 92,34% so với cùng kỳ năm 2015; doanh thu ngành vận tải ngoài nhà nước ước đạt 592 tỷ đồng, tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu vận tải có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1,5 tỷ đồng, tăng 2,19% so với tháng trước và gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, doanh thu vận tải cá thể ước đạt 25,1 tỷ đồng, tăng 8% so với tháng trước và bằng 85,39% so với cùng kỳ năm 2015.
Lũy kế doanh thu ngành vận tải 8 tháng đầu năm 2016 ước đạt 5.347 tỷ đồng, tăng 11,95% so cùng kỳ 8 tháng đầu năm 2015. Trong đó, vận tải hành khách đạt 1.492 tỷ đồng, tăng 40,83%; vận tải hàng hóa đạt 2.660 tỷ đồng, tăng 6,69%; dịch vụ vận tải đạt 1.195 tỷ đồng, bằng 97,66% so 8 tháng đầu năm 2015. Ước tính khối lượng luân chuyển hành khách 8 tháng đầu năm 2016 đạt 840 triệu Hk.km, tăng 26,25% so 8 tháng đầu năm 2015; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 2.151 triệu T.km, tăng 8,62% so 8 tháng đầu năm 2015.
Theo loại hình, 8 tháng đầu năm 2016, doanh thu vận tải nhà nước giảm 7,66%; doanh thu vận tải ngoài nhà nước tăng 19%; doanh thu vận tải có vốn đầu tư nước ngoài tăng hơn 2 lần; doanh thu vận tải cá thể giảm 14,61% so với 8 tháng đầu năm 2015.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2016, sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 4.756 nghìn tấn, tăng 12,34% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng xuất khẩu tăng 10,81%; hàng nhập khẩu tăng 14,39%; hàng nội địa tăng 12,06% và hàng container tăng 18,43% so với cùng kỳ 8 tháng đầu năm 2015.
* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2016 tăng 1,56% so tháng trước. CPI tháng 8/2016 tăng do nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,06%; nhà ở, chất đốt và VLXD tăng 0,15%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,06%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 49,83%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,3%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,29%.
Chỉ số giá lương thực giảm 0,37%, giá thực phẩm giảm 0,27%; chỉ số giá giao thông giảm 1,94%; Chỉ số giá bưu chính viễn thông giảm 0,04% so với tháng trước. Nhóm giáo dục có chỉ số giá ổn định.
Giá vàng tăng 1,63%; Giá đô la Mỹ giảm 0,04% so với tháng 7/2016.
* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2016 tăng 3,02% so tháng 8/2015. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống tăng 1,24%; Nhóm may mặc mũ nón tăng 1,46%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,93%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,3%; Nhà ở điện nước và chất đốt tăng 0,08%; Nhóm lương thực tăng 1,88%, thực phẩm tăng 1,3%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,55%; Thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,94%; Giáo dục tăng 5,19%…; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 86,19%; Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,69% và giao thông giảm 9,46%.
Giá vàng tăng 20,21%; Giá đô la Mỹ tăng 2,1% so với tháng 8/2015.
* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2016 tăng 3,34% so với tháng 12 năm trước. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống tăng 1,32%; Nhóm may mặc mũ nón tăng 0,72%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,71%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,21%; Nhà ở điện nước và chất đốt tăng 1,39%; Nhóm thực phẩm tăng 1,47%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,3%; Thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,61%; Giáo dục tăng 2,46%…; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 85,72%; Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,5% và giao thông giảm 4,29%.
Giá vàng tăng 18,39%; Giá đô la Mỹ giảm 0,82% so với tháng 12/2015.
* Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng đầu năm 2016 so với bình quân cùng kỳ năm 2015 tăng 1,36%. Những nhóm hàng tăng cao so với mức tăng bình quân chung như: thuốc và dịch vụ y tế tăng 24,11%; giáo dục tăng 4,64%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,97%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,69%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,94%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,91%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,41%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,24%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,14%. Nhóm giao thông giảm mạnh 8,44%; bưu chính viễn thông giảm 0,67% so bình quân 8 tháng đầu năm 2015.
Giá vàng tăng 4,93%; Giá đô la Mỹ tăng 3,7% so với bình quân 8 tháng đầu năm 2015.
* Vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn ước tháng 8 năm 2016 thực hiện được 292 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2015, và tăng 3,8% so với tháng trước. Trong đó: vốn nhà nước cấp tỉnh ước đạt 277,6 tỷ đồng, bằng 97,33% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,03% so với tháng trước; vốn nhà nước cấp huyện đạt 14,6 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước tăng 21,09% so với tháng trước.
* Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2016, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước 2.332 tỷ đồng, đạt 53,26% kế hoạch năm 2016. Trong đó, vốn nhà nước cấp tỉnh 2.261 tỷ đồng, vốn nhà nước cấp huyện đạt 70,8 tỷ đồng.
* Tình hình một số công trình trọng điểm
+ Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi: Tính từ khi khởi công đến 15/8/2016 công trình đã thực hiện được 259,8 tỷ đồng, đạt 78,61% so với tổng mức đầu tư. Từ đầu năm 2016 đến nay công trình thực hiện được 33,4 tỷ đồng. Công trình hiện đã hoàn thành phần móng và bê tông khán đài A và khán đài B; đang xây và trát tường, xây lối lên khán đài, đồng thời thi công lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng sân bóng.
+ Công trình nhà ở xã hội: Tính từ khi khởi công đến 15/8/2016 đã thực hiện được 1.743 tỷ đồng, đạt 92,98% so với tổng mức. Từ đầu năm 2016 đến nay dự án đã thực hiện được 28,6 tỷ đồng đạt 29,17% kế hoạch được giao. Riêng trong tháng 8/2016 công trình đã thực hiện được 5 tỷ đồng.
+ Dự án Khu Công nghệ cao Đà Nẵng: được phê duyệt tại Quyết định số 1356/QĐ-UBND ngày 4/3/2014. Theo Quyết định số 6169/QĐ-UBND ngày 11/12/2015, Quyết định số 548/QĐ-UBND ngày 25/1/2016, Quyết định số 3135/QĐ-UBND ngày 19/5/2016, Công văn số 1740/VP-QLĐTư ngày 14/6/2016 kế hoạch vốn năm 2016 dự án Khu Công nghệ cao Đà Nẵng được bố trí 335,176 tỷ đồng, cụ thể: Vốn NSTW : 300.676 tỷ đồng, trong đó Chuẩn bị đầu tư là 1,676 tỷ đồng ; Thực hiện dự án là : 299,00 tỷ đồng. Vốn NSĐP là 34,5 tỷ đồng
+ Nhóm công trình phục vụ tuần lễ cấp cao APEC 2017: Với tổng mức đầu tư cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường phục vụ Tuần lễ APEC 2017 hơn 240 tỷ đồng do UBND thành phố làm chủ đầu tư. Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương đối với các tuyến đường đối ngoại, đối với các tuyến đường đối nội sẽ đầu tư bằng ngân sách thành phố và xã hội hóa đang được các các đơn vị thi công gấp rút triển khai. Dự kiến sẽ hoàn thành chậm nhất vào quý 1 năm 2017.
+ Trung tâm hành chính thành phố: Tính từ khi khởi công đến 15/5/2016 công trình đã thực hiện được 1.848 tỷ đồng, đạt 95% so với tổng mức đầu tư.
* Dự ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2016 của TP Đà Nẵng đạt 106 triệu USD, tăng 3,79% so tháng trước, và tăng 1,22% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước bằng 92,31% so cùng kỳ và tăng 1,37% so tháng trước; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,83% so cùng kỳ và tăng 7,44% so tháng trước; khu vực kinh tế tư nhân bằng 92,39% so cùng kỳ và tăng 99,03% so tháng trước.
Hàng thủy hải sản ước đạt 12,1 triệu USD, bằng 87,05% so cùng kỳ năm 2015; Hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ước đạt 93,9 triệu USD, tăng 3,37% so cùng kỳ năm 2015. Hàng nông lâm sản ước đạt 0,014 triệu USD
* Ước cộng dồn 8 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 769 triệu USD, tăng 3,37% so với 8 tháng đầu năm 2015. Trong đó: Hàng thủy hải sản ước đạt 84,5 triệu USD, bằng 91,19% ; Hàng CN-TTCN ước đạt 684,7 triệu USD, tăng 5,25% so 8 tháng đầu năm 2015. Hàng nông lâm sản ước đạt 0,112 triệu USD, bằng 0,01% so tổng KNXK hàng hóa của TP Đà Nẵng.
* Ước kim ngạch nhập khẩu tháng 8/2016 đạt 95,4 triệu USD bằng 92,33% so cùng kỳ năm trước và tăng 3,97% so tháng trước. Trong đó: kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch 36,8 triệu USD, tăng 4,07% so cùng kỳ và tăng 4,14% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế tư nhân đạt 41,8 triệu USD, tăng 4,18% so cùng kỳ và tăng 3,38% so tháng trước; khu vực kinh tế nhà nước đạt 16,7 triệu USD, bằng 60,19% so với cùng kỳ và tăng 5,06% so với tháng trước.
* Ước tính kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2016 là 704,3 triệu USD, bằng 98,71% so với 8 tháng đầu năm 2015. Trong đó: khu vực kinh tế tư nhân đạt 298,5 triệu USD, tăng 3,43% so cùng kỳ, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch 264 triệu USD, tăng 2,71%; kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế nhà nước đạt 141,6 triệu USD, bằng 84,44% so với 8 tháng đầu năm 2015.
Thành phố giải quyết trợ cấp hàng tháng cho 12 trường hợp và trợ cấp 1 lần cho 77 trường hợp; hỗ trợ sửa chữa, xây mới cho 04 nhà đối tượng người có công với cách mạng, với tổng số tiền 125 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thành phố; xác nhận miễn giảm tiền sử dụng đất phải nộp khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 9 trường hợp; hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất: 7 trường hợp, số tiền 236 triệu đồng và trợ cấp khó khăn đột xuất: 34 trường hợp, số tiền 106 triệu đồng…
Trong tháng 8/2016, Quỹ Bảo trợ Trẻ em thành phố đã triển khai, thực hiện các hoạt động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổng kinh phí trên 554 triệu đồng.
Tổ chức AOGWR và Sở GD-ĐT phối hợp triển khai chương trình phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, theo đó AOGWR hỗ trợ 1 bể bơi di động trị giá 185 triệu đồng; phối hợp với Hội SEAR hỗ trợ học nghề và khó khăn cho 42 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trao 12 xe đạp cho trẻ em khó khăn huyện Hòa Vang; khởi công sửa chữa 2 nhà tình thương cho trẻ em khó khăn quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn với tổng kinh phí hơn 153 triệu đồng; triển khai Chương trình “Quỹ sữa vươn cao VN” hỗ trợ cho 288 trẻ em ở 7 cơ sở bảo trợ xã hội và lớp mầm non xã Hòa Bắc uống sữa Vinamilk trong 3 tháng với tổng kinh phí trên 216 triệu đồng
Ngày 6 tháng 8 năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học TP Đà Nẵng đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng năm học 2015 - 2016 cho 43 học sinh lớp 9 và lớp 12 là những học sinh xuất sắc toàn diện ở các bậc học THCS và THPT toàn thành phố, gồm 5 giải Nhất THPT, 9 giải Nhất THCS, 6 giải nhì THPT, 9 giải Nhì THCS, 4 giải 3 THPT và 10 giải ba THCS với tổng giá trị các giải thưởng gần 100 triệu đồng do Công ty Cổ phần dược phẩm IMEXPHARM tài trợ.
Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần XXII được tổ chức từ ngày 06-08/8/2016 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với 3 phần thi: Kỹ năng (bảng A, B, C); Phần mềm sáng tạo (bảng D2, D3) và Lập trình phần cứng (bảng E2, E3). 247 thí sinh đến từ 47 tỉnh, thành trên cả nước đã đăng ký tham gia dự thi. Trong đó, Đoàn Đà Nẵng với 31 thí sinh tham dự phần thi chung và nhiều sản phẩm Phần mềm, Phần cứng. Tổng kết Hội thi có 05 giải Nhất, 19 giải Nhì, 26 giải Ba và 70 giải Khuyến khích. Đoàn Đà Nẵng dành giải Nhất toàn đoàn với tổng số 18 giải, trong đó có 1 giải Nhất, 7 giải Nhì, 4 giải Ba, 6 giải Khuyến khích.
Ngày 12/8/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2015 – 2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016 – 2017 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi hoàn thành theo đúng theo kế hoạch đề ra; đến tháng 10/2015, tỉ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Tiếp tục duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở tại 56/56 xã, phường; có 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về phổ cập bậc trung học. Công tác xây dựng phòng học bộ môn, thư viện và trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng các công trình phục vụ học 2 buổi/ngày ở học sinh tiểu học được chú trọng. Đến nay, toàn ngành có 159 thư viện đạt chuẩn, tỉ lệ: 86,9%; 55 trường có phòng học bộ môn đạt chuẩn, tỉ lệ: 50,9%; 173 trường đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ: 47,6%; có 100% các trường tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày; trong đó, tỷ lệ trường có 100% học sinh học 2 buổi/ngày là 81,3%, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày là 87,97%. Tính đến tháng 8/2016, toàn thành phố có 25 trường THCS, 05 trường THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 25 thư viện tiên tiến, 54 thư viện đạt chuẩn cấp THCS và THPT; đạt nhiều giải cao trong các kì thi cấp thành phố, khu vực và quốc gia(Giải nhất toàn đoàn Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXII, xếp hạng tư Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc...). Hội nghị đã tiến hành trao Giấy chứng nhận cho 22 phòng học bộ môn đạt chuẩn cấp THCS cho 06 Phòng GDĐT, 04 Thư viện tiên tiến và 03 Thư viện đạt chuẩn cấp THCS cho 05 Phòng GDĐT; 28 cán bộ, giáo viên đạt giải Nhất, Nhì, Ba, khuyến khích cấp quốc gia trong Cuộc thi "Dạy học theo chủ đề tích hợp", 23 học sinh đạt giải trong Cuộc thi "Vận dung kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn" trong năm học 2015-2016.
Cuộc thi Sáng tạo Robot dành cho học sinh THPT Đà Nẵng mở rộng được diễn ra trong 03 ngày (từ 19/8 đến hết ngày 21/8/2016) tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Tham dự Cuộc thi có 20 đội tham gia gồm: Đà Nẵng 19 đội, Quảng Nam 01 đội, trong đó có 146 học sinh/ 20 đội. Cuộc thi sáng tạo Robot nhằm khơi dậy niềm đam mê sáng tạo và nghiên cứu KH&KT, tạo điều kiện phát huy mạnh mẽ sự sáng tạo của học sinh THPT, từ những kiến thức kỹ thuật cơ bản trong chế tạo Robot, học sinh có thể ứng dụng vào nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đơn giản thuộc các lĩnh vực điện tử, cơ khí, lập trình; đồng thời, qua cuộc thi có thể phát hiện được những học sinh niềm đam mê, nhiệt huyết, tài năng nghiên cứu khoa học,… là cơ sở để ươm mầm trở thành những nhà khoa học trong tương lai, sẽ giúp các bạn học sinh có một định hướng rõ ràng hơn về hoạt động sáng tạo trong tương lai.
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có xu hướng giảm so với những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Nếu như những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, (đỉnh cao là những tháng đầu năm 2016), số cas mắc sốt xuất huyết dao động khoảng từ 150-250 ca/tuần, thì hiện tại chỉ còn khoảng từ 40-50 ca. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng sắp bước vào mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết trên diện rộng. Tính đến ngày 20/8/2016 trên địa bàn thành phố ước có 2.240 cas sốt xuất huyết, tăng 23,3 lần so với cùng kỳ năm 2015, không có trường hợp tử vong; bệnh tay chân miệng có 867 cas, bằng 74,17% so với cùng kỳ năm 2015, giảm 302 cas, không có trường hợp tử vong, trong tháng 8/2016 bình quân 1 tuần có 40 cas bệnh; bệnh thủy đậu là 1.084 cas, tăng 31,08% so với cùng kỳ năm 2015, tăng 257 cas, trong tháng 8/2016 trung bình 1 tuần có 11 cas mắc thủy đậu.
Đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP đã phối hợp với các địa phương tiến hành điều tra tình hình dịch bệnh cũng như véc tơ truyền bệnh (muỗi, bọ gậy) tại 6 điểm bọ gậy nguồn và 50 điểm khác. Qua đó, đã tiến hành phun hóa chất và diệt bọ gậy tại 55 tổ dân phố trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn. Hiện tại, trung tâm đang phối hợp với các cấp, ngành tại Q. Sơn Trà triển khai phun hóa chất và tổng dọn vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gậy triệt để tại 70 tổ dân phố có nguy cơ bùng phát dịch thuộc 2 phường Mân Thái và Thọ Quang. Trong thời gian đến, TTYTDP tiếp tục phối hợp với các địa phương còn lại tiến hành điều tra tình hình dịch SXH để tiến hành phun hóa chất diệt muỗi và triển khai công tác tổng dọn vệ sinh, diệt bọ gậy, lăng quăng.
Ngày 14/8/2016 tại Bệnh viện Đà Nẵng Công đoàn Ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã tổ chức "Ngày hội Hiến máu nhân đạo" năm 2016. Hoạt động đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của trên 600 tình nguyện viên là cán bộ, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc công đoàn ngành y tế thành phố. Kết quả, Ban tổ chức đã thu được 432 đơn vị máu, chưa kể hàng trăm cán bộ, CNVCLĐ có nhóm máu B không lấy trong đợt này do lượng máu còn thừa. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 và là hoạt động thường niên của CNVCLĐ trong toàn ngành nhằm chung sức cùng cộng đồng thực hiện nghĩa cử cao đẹp, hiến máu để cứu sống người bệnh, đồng thời phát huy truyền thống, đạo lý "Thương người như thể thương thân" của dân tộc ta.
Hiện cơ quan BHYT đang tích cực triển khai để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ 78% dân số có BHYT đạt theo Quyết định 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế, người tham gia BHYT có rất nhiều quyền lợi trong việc khám chữa bệnh, đặc biệt đối với những người tham gia BHYT 5 năm liên tục có thể được hưởng quyền lợi 100% chi phí khám chữa bệnh lên đến cả chục triệu đồng.Theo luật BHYT về mức hưởng BHYT, những người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến) sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh. Nếu người dân tham gia BHYT thỏa mãn 2 điều kiện là tham gia 5 năm liên tục và có số tiền chi trả khám chữa bệnh lớn hơn số tiền 6 tháng lương cơ sở trên sẽ được miễn 100% chi phí khám chữa bệnh. Điều này sẽ rất có ý nghĩa đối với các trường hợp bệnh hiểm nghèo, mãn tính như suy thận phải chạy thận thường xuyên, ung thư, tiểu đường...
Tập đoàn Empire tổ chức sự kiện Cocofest lần đầu tiên tại TP Đà Nẵng với chủ đề “Sắc màu nhiệt đới”. Sự kiện diễn ra vào hai ngày 26 và 27/8/2016 tại siêu tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay Đà Nẵng, với hàng trăm trò chơi hiện đại, trẻ trung như trượt nước, giải trí với bể bơi và nhiều hoạt động sôi nổi, lý thú và đa dạng cho mọi lứa tuổi, trong đó có cả các hoạt động hoạt náo và nghệ thuật đường phố đặc sắc. Cocofest còn là dịp quy tụ các hoạt động văn hóa đa quốc gia cùng những sự kiện nghệ thuật đỉnh cao do các nghệ sĩ hàng đầu trong nước và quốc tế biểu diễn. Bên cạnh những hoạt động vui nhộn, Cocofest còn có các buổi giao lưu về văn hóa ẩm thực đặc sắc đến từ khắp các vùng miền đất nước
Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ XXI - 2016 do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quãng Ngãi tổ chức từ ngày 15/7 đến ngày 25/8/2016 tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Quảng Ngãi. Trong 307 tác phẩm của 231 tác giả của 09 tỉnh trong khu vực (gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum), Hội Mỹ thuật Đà Nẵng có 34 tác phẩm của 34 tác giả được chọn triển lãm và được trao 3 giải thưởng với 1 giải A, 2 tặng thưởng.
* Tình hình cháy nổ: Từ ngày 17/7/2016 đến ngày 19/8/2016 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 4 vụ cháy. Trong đó, có 1 vụ cháy nhà dân, 1 vụ cháy công ty, 1 vụ cháy rừng và 1 vụ cháy khác. Uớc tính thiệt hại khoảng 64 triệu đồng, (2 vụ đang thống kê giá trị), không có thiệt hại về người. Cộng dồn từ đầu năm 2016 đến nay đã xảy ra 50 vụ cháy. Trong đó có 29 vụ cháy nhà dân, 4 vụ cháy nhà xưởng, 3 vụ cháy doanh nghiệp, và 14 vụ cháy khác. Tổng giá trị thiệt hại ước hơn 3,764 tỷ đồng, 1 người chết do cháy, nổ, 7 người bị thương.
* Tai nạn giao thông:Tháng 8/2016: Tai nạn giao thông đường bộ: xảy ra 10 vụ, làm chết 8 người, bị thương 10 người, thiệt hại tài sản khoảng 9 triệu đồng. So với tháng 7/2016, tăng 3 vụ (10/7), tăng 5 người chết (8/3), tăng 5 người bị thương (10/5). So với cùng kỳ năm 2015, giảm 1 vụ (10/11), tăng 4 người chết (8/4), giảm 1 người bị thương (10/11). Tai nạn giao thông Đường sắt: xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người; so với cùng kỳ năm 2015, tăng 2 vụ (2/0), tăng 2 người chết (2/0). Tai nạn giao thông đường thủy: Không xảy ra.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2016, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng:
Tai nạn giao thông đường bộ: xảy ra 76 vụ TNGT, làm chết 54 người, bị thương 53 người. Thiệt hại tài sản khoảng 137,5 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 15 vụ, giảm 17 người chết, giảm 7 người bị thương.
Tai nạn giao thông đường sắt: xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người; so với cùng kỳ năm 2015, tăng 2 vụ (2/0), tăng 2 người chết (2/0) . So với cùng kỳ năm 2015, giảm 3 vụ, giảm 3 người chết.
Tai nạn giao thông đường thủy: xảy ra 1 vụ , chết 3 người. So cùng kỳ năm 2015, tăng 1 vụ, tăng 3 người chết.
Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2016: Kết quả công tác xử lý vi phạm TTATGT đường bộ: phát hiện, lập biên bản 37.425 trường hợp vi phạm. Ra quyết định xử phạt 30.683 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước thu 20,33 tỷ đồng. Tạm giữ 1.431 xe (115 ôtô, 1.309 môtô, 7 xe máy điện).Tước quyền sử dụng GPLX 4.683 trường hợp.
* Lĩnh vực cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện:Trong tháng 8/2016, Trung tâm GD-DN 05-06 tiếp nhận 54 học viên vào cai nghiện, giải quyết cho về cộng đồng đúng thời hạn 44 học viên, chấp hành hình phạt tù 04 học viên và đình chỉ chữa bệnh 01 học viên. Tính đến 15/8/2016, tại Trung tâm GD-DN 05-06 đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho 538 học viên; 31 trường hợp tại Cơ sở quản lý; 18 người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng (có việc làm 12 người, chiếm 66,7%) và 406 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú (có việc làm 245 người, chiếm 60,3%).
Đến tháng 7/2016 vẫn còn 50/58 điểm ngập úng trên địa bàn thành phố, trong đó có một số điểm có nguy cơ ngập nặng. Trong khi đó, tiến độ các công trình xử lý ngập úng chậm triển khai, đặc biệt là kênh thoát nước Hòa Liên, nguy cơ gây ngập úng khu vực dân cư trong phạm vi dự án rất lớn. Phần lớn các dự án dựa vào nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, phụ thuộc vào kế hoạch giải ngân của ngân hàng này. Theo kế hoạch, đến quý III/2016, hầu hết các dự án sẽ được khởi công và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016.
Về tình trạng ô nhiễm kéo dài ở bãi rác Khánh Sơn, việc xử lý nước rỉ từ bãi rác Khánh Sơn do Công ty TNHH Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc Việt đảm nhận nhưng chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật. Hiện nay, Công ty Môi trường Đô thị đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng chỉ khắc phục tạm thời với hiệu suất rất thấp. Để giải quyết vấn đề này, Sở đã phối hợp cùng các ban ngành liên quan tiến hành kêu gọi các công ty có chuyên môn về môi trường đề đầu tư xử lý bãi rác Khánh Sơn. Hiện nay, Sở đã lựa chọn được công nghệ mới có kinh phí khoảng 79 tỷ với công suất vận hành 50 m3/1 ngày đêm./.