* Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2017 ước giảm 14,74% so với tháng 12/2016. Trong đó: Công nghiệp khai thác mỏ giảm 32,51%; Công nghiệp chế biến giảm 19,11%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 2,69%; Sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 1,85% so với tháng 12/2016.
So với cùng kỳ tháng 1/2016, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2017 tăng 0,57%. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ tăng 6,22%; công nghiệp chế biến giảm 2,6%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 11,74%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 9,37%.
Một số ngành có tốc độ phát triển khá so với cùng kỳ: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 71,48%; sản xuất phân phối điện khí đốt tăng 11,74%; xử lý rác thải tăng 12,84%. Các ngành SX giảm sút: ngành dệt giảm 18,17%; ngành chế biến thực phẩm giảm 15,57%; sản xuất da giảm 38,64%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 36,45%; sản xuất giấy giảm 11,97%; ngành thuốc hóa dược và dược liệu giảm 14,63%, sản xuất xe có động cơ giảm 22,5%.
So với cùng kỳ năm trước, tháng 1 năm 2017 một số sản phẩm có sản lượng tăng khá như: Thủy hải sản ướp đông khác ước tăng 138,1%, Sợi tơ bông tổng hợp tăng 22,09%; thức ăn cho thủy sản tăng 50,0%, Lốp hơi mới bằng cao su loại dùng cho xe buýt, xe tải tăng 6,83, thanh que sắt hoặc thép không hợp kim cán nóng tăng 12,24%; cấu kiện tháp và cột làm bằng những thanh sắt tăng 114,89%... và có một số sản phẩm bị giảm mạnh như: Thịt cá đông lạnh giảm 41,18%; quần áo bảo hộ lao động giảm 41,18%, Giày, dép thể thao làm bằng da giảm 38,64%; Vỏ bào, dăm gỗ giảm 40%.
* Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân năm 2017 tính đến ngày 15/01/2017 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ước đạt: lúa 2.784 ha, ngô 118 ha, khoai lang 194 ha, mè 240 ha, lạc 271 ha, rau, đậu 419 ha, mía 93 ha, cây hoa 49 ha. So với cùng kỳ năm trước diện tích gieo trồng lúa giảm 3,19%; ngô giảm 13,92%; khoai lang tăng 5,91%; rau đậu giảm 1,48%; mía giảm 6,75%; cây hoa tăng 2,92%, mè giảm 6,98%; lạc tăng 22,51%.
* Chăn nuôi:
+ Tổng số lượng trâu 1.912 con, giảm 6,73% so với cùng kỳ năm trước;
+ Tổng số lượng bò 15.172 con, giảm 5,79% so với cùng kỳ năm trước;
+ Tổng số lượng lợn 68.931 con, tăng 1,24% so với cùng kỳ năm 2016
+ Tổng đàn gia cầm 451 ngàn con, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó: đàn gà 379 ngàn con, tăng 1,34% so với cùng kỳ năm 2016.
Công tác kiểm soát giết mổ được chú trọng, công tác tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho vật nuôi trên địa bàn được kiểm soát. Nhìn chung số lượng chăn nuôi trong tháng 1 năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016 tương đối ổn định về số lượng và sản phẩm, mức tăng giảm đều phù hợp với thực trạng của địa phương.
Trong tháng đầu năm 2017, thời tiết tại Đà Nẵng thường xuyên có mưa và nắng nhẹ cho nên không xảy ra cháy rừng. Tại thời điểm đầu năm không phát sinh diện tích rừng trồng mới tập trung. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tháng 1/2017 ước đạt 1.350 m3, bằng 84,38%; Sản lượng củi khai thác ước đạt 4.990 Ster, bằng 93,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong tháng 1/2017 các ban ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo các lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra, chốt chặn tại các khu vực để kịp thời ngăn chặn xử lý vi phạm, làm tốt công tác chống chặt phá rừng, tuần tra kiểm soát lâm sản trên địa bàn. Đã tổ chức được 39 đợt kiểm tra tại rừng. Qua kiểm tra phát hiện phá hủy 02 láng trại, 2 máy nổ, 1 cối xay, 2 bình hơi, 60 lít dầu. Phát hiện và thu giữ 57 dây bẫy cáp ĐVHD; 1 dây cáp, 1 cà lê, 1 búa dung để đào cây cảnh; Công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản và xử lý vi phạm hành chính: đã lập biên bản 1 vụ vi phạm quy định chung về QLBVR; Công tác xử lý vi phạm: đã xử lý 7 vụ VPHC, phạt tiền 21,25 triệu đồng, tịch thu 4 844 M3 gỗ xẻ, tịch thu và tiêu hủy 1 rựa cán ngắn, 21 dây bẫy động vật.
Sản lượng thủy sản tháng 1 năm 2017 ước đạt 2.813 tấn, tăng 16,73% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó sản lượng khai thác đạt 2.711 tấn, tăng 17,32% so với cùng kỳ năm 2016, sản lượng nuôi trồng đạt 69 tấn, bằng 97,18% so với cùng kỳ năm 2016.
* Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tháng 1/2017 đạt 5.968 tỷ đồng, giảm 0,18% so tháng trước và tăng 11,73% so với cùng kỳ tháng 1 năm 2016. Trong đó: Kinh tế nhà nước ước đạt 300 tỷ đồng, giảm 1,16% so tháng trước và tăng 3,39% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế tư nhân đạt 3.647 tỷ đồng, giảm 1% và tăng 17,23%; Kinh tế cá thể đạt 1.781 tỷ đồng, tăng 1,33% và tăng 6,86%; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 239 tỷ đồng, tăng 2,5% so tháng trước và giảm 12,11% so cùng kỳ tháng 1 năm 2016.
Trong tổng mức: nhóm thương nghiệp tăng 9,22%; nhóm khách sạn tăng 13,41%, nhà hàng tăng 5,83%; du lịch tăng 5,21%; dịch vụ tăng 30,45% so với cùng kỳ tháng 1 năm 2016.
Ngành ăn uống: Ước tháng 1/2017 doanh thu ngành ăn uống ước đạt 757 tỷ đồng, tăng 1,12% so với tháng trước và tăng 5,83% so với cùng kỳ tháng 1/2016.
Ngành lữ hành và lưu trú: Doanh thu ngành lữ hành và lưu trú ước tháng 1/2017 đạt 390 tỷ đồng, giảm 0,68% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ tháng 1 năm 2016. Trong đó:
Hoạt động lưu trú tháng 1/2017 ước đạt 313 tỷ đồng, tăng 1,63% so với tháng trước và tăng 13,41% so với cùng kỳ năm 2016;
Hoạt động du lịch lữ hành tháng 1/2017 đạt 77 tỷ đồng, giảm 9,11% so với tháng trước và tăng 5,21% so với tháng 1/2016.
Tổng lượt khách phục vụ tháng 1/2017 là 280 nghìn lượt, giảm 0,22% so với tháng trước và tăng 0,28% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: lượt khách lữ hành là 24 nghìn lượt khách, giảm 4,02% so tháng trước và tăng 22,64% so với cùng tháng năm trước, lượt khách lưu trú là 256 nghìn lượt khách, tăng 0,16% so với tháng trước và giảm 1,43% so với cùng kỳ tháng 1 năm 2016.
Tổng doanh thu ngành vận tải hàng hóa, hành khách đường bộ, đường thủy và dịch vụ vận tải tháng 1/2017 ước đạt 868 tỷ đồng, tăng 6,35% so cùng kỳ năm 2016; và tăng 18,19% so với tháng trước. Cụ thể từng ngành vận tải như sau:
- Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 214 tỷ đồng, tăng 4,07% so cùng kỳ năm 2016; và tăng 41,67% so với tháng trước;
- Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 468 tỷ đồng, tăng 6,68% so cùng kỳ năm 2016; và tăng 24,18% so với tháng trước.
- Doanh thu dịch vụ vận tải ước đạt 186 tỷ đồng, tăng 8,23% so cùng kỳ năm 2016; và bằng 90,11% so với tháng trước.
Ước tính khối lượng luân chuyển hành khách tháng 1/2017 đạt 154 triệu Hk.km, bằng 98,3% so cùng kỳ năm 2016; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 328 triệu T.km, bằng 99,93% so cùng kỳ năm 2016.
Tháng 1/2017 doanh thu ngành vận tải nhà nước ước đạt 89 tỷ đồng, tăng 35,28% so với tháng trước và tăng 3,87% so với cùng kỳ năm 2016; doanh thu ngành vận tải ngoài nhà nước ước đạt 738 tỷ đồng, tăng 16,54% so với tháng trước và tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu vận tải có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1,95 tỷ đồng, tăng 74% so với tháng trước và tăng 39,57% so với cùng kỳ, doanh thu vận tải cá thể ước đạt 38,3 tỷ đồng, tăng 13,78% so với tháng trước và tăng 9,15% so với cùng kỳ năm 2016.
Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng tháng 1/2017 ước đạt 590 nghìn tấn, tăng 8,04% so với cùng kỳ năm 2016 và bằng 99,96% so với tháng trước. Trong đó: hàng xuất khẩu đạt 198 nghìn tấn, tăng 1,14% so với cùng kỳ và bằng 76,65% so với tháng trước; hàng nhập khẩu đạt 180 nghìn tấn, tăng 9,99% so với tháng trước và tăng 9,74% so với cùng kỳ 2016; hàng nội địa đạt 212 nghìn tấn, tăng 25,98% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ; hàng Container ước đạt 406 nghìn tấn, bằng 97,5% so với tháng trước và tăng 10,85% so với cùng kỳ năm 2016.
* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2017 tăng 0,51% so tháng trước. CPI tháng 1 năm 2017 tăng so tháng trước do: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,39%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,76%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,25%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2%; giao thông tăng 2,96%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,42%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,22%.
Chỉ số giá nhóm nhà ở, chất đốt và VLXD giảm 0,12%, bưu chính viễn thông giảm 0,03% so với tháng trước. Các nhóm có chỉ số giá ổn định là giáo dục, thuốc và dịch vụ y tế.
Giá vàng giảm 0,51%; Giá đô la Mỹ giảm 0,17% so với tháng 12/2016.
* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2017 tăng 5,37% so tháng 1/2016. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống tăng 3,17%; Nhóm may mặc mũ nón tăng 1,18%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,02%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,04%; Nhà ở điện nước và chất đốt tăng 1,93%; Nhóm lương thực tăng 1,89%, thực phẩm tăng 4,39%; Đồ uống và thuốc lá tăng 3,43%; Thiết bị đồ dùng gia đình tăng 1,02%; Giáo dục tăng 6,04%…; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 85,76% và giao thông tăng 4,55%. ; Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,66%.
Giá vàng tăng 10,26%; Giá đô la Mỹ tăng 0,8% so với tháng 1/2016.
* Vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tháng 1/2017 ước thực hiện được 173,6 tỷ đồng, bằng 55,03% so với tháng trước và bằng 82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nhà nước cấp tỉnh 158,4 tỷ đồng, bằng 54,58% và bằng 74,81%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước 15,2 tỷ đồng, bằng 89,72% so tháng trước và bằng 73,75% so cùng kỳ năm 2016.
* Dự ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2017 của thành phố Đà Nẵng đạt 110 triệu USD, bằng 84,88% so tháng trước, và tăng 9,14% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước bằng 80,01% và tăng 13,77% so cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bằng 84,44% và tăng 7,36%; khu vực kinh tế tư nhân bằng 89,71% và tăng 8,56%.
Mặt hàng xuất khẩu tăng cao : Điện thoại và linh kiện tăng 88,6%; gỗ tăng 37,81%; hàng thủy sản tăng 24,21%; hàng dệt may tăng 18,81% so với tháng 1/2016.
* Ước kim ngạch nhập khẩu tháng 1/2017 đạt 94 triệu USD, bằng 90,89% so với tháng trước và tăng 6,87% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch 35 triệu USD, bằng 90,12% và tăng 5,43%; kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế tư nhân đạt 40 triệu USD, bằng 92,66% và tăng 8,57%; khu vực kinh tế nhà nước đạt 19 triệu USD, bằng 88,77% so với tháng 12/2016 và tăng 6,09% so với cùng kỳ năm 2016.
Mặt hàng nhập khẩu tăng cao như: Hàng thủy sản gấp 9 lần; sắt thép tăng 75,99%; phương tiện vận tải, phụ tùng tăng 56,65%; phế liệu sắt thép tăng 47,19%; bông các loại tăng 43,96%; vải các loại tăng 28,55%... so với cùng kỳ năm 2016.
Trong tháng 1/2017, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm. Đến dự phiên giao dịch có 154 doanh nghiệp (52 đơn vị phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch) đăng ký tuyển dụng 4.308 lao động (trong đó 1.783 nữ). Nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề 1.002 người, lao động phổ thông 3.106 người. Trung tâm đã chắp nối, giới thiệu cho 324 lao động (108 lao động nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 151 người, lao động phổ thông 173 người. Kết quả phỏng vấn, sơ tuyển tại phiên giao dịch có 279 lao động được chắp nối, giới thiệu thành công (90 nữ). Trong đó, lao động có tay nghề 140 người, lao động phổ thông 139 người.
Các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố đã tạo việc làm cho 800 lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm cho 786 người trong tháng 1/2017.
Trong năm 2016, Liên đoàn lao động thành phố đã vận động người sử dụng lao động nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động, nâng mức bữa ăn ca của hầu hết các doanh nghiệp, hỗ trợ tiền điện, tiền nhà trọ cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động nâng cao trình độ học vấn, tay nghề chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức chính trị và pháp luật; giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, thành phố đã cấp 9,7 ha đất tại khu công nghiệp Hòa Khánh, KCN Hòa Cầm để xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị công đoàn....phục vụ nhu cầu của công nhân lao động, thực hiện các cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp" trong CNVCNLĐ thành phố với 6 tiêu chí: Yêu nước, Sống đẹp, Sáng tạo, Kỷ cương, Giữ gìn môi trường, An toàn giao thông.
Trong tháng 1/2017, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra 2 vụ tai nạn lao động, trong đó có vụ sập giàn giáo công trình tối 11-1 tại Dự án tổ hợp căn hộ thương mại dịch vụ và khách sạn cao cấp Foints by Sheraton and Luxury Apartment Đà Nẵng (đường Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) làm ít nhất 4 công nhân bị thương.
Nguyên nhân các vụ tai nạn lao động do thiết kế không bảo đảm ATLĐ chiếm 18,3% tổng số vụ, bao gồm cả việc nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ như: thiết bị nâng, cẩu trục, cần cẩu tháp… không được kiểm định trước khi đưa vào vận hành, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng, chất lượng kiểm định của các tổ chức kiểm định không bảo đảm; người sử dụng lao động không huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động chiếm 11,4% tổng số vụ; người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 4% và người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 1,5% số vụ.
Thành phố hỗ trợ 27 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Đinh Dậu. Trong đó: trên 11 tỷ đồng hỗ trợ lương thực cấp cho 20.139 hộ nghèo mỗi hộ 15 kg gạo; và đối tượng hưởng chính sách xã hội, phụ nữ đơn thân, bà con làng Vân, đồng bào thiểu số, người lao động tại bãi rác Khánh Sơn, hội cựu chiến binh... Ngoài ra hỗ trợ tiền mặt cho 38.741 người thuộc 5.080 hộ với tổng kinh phí 15,7 tỷ đồng cho đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng, trẻ em mồ côi...trị giá mỗi suất 300 ngàn đồng. Hỗ trợ 4.300 người xe thồ, xích lô mỗi suất 250 ngàn đồng. Hỗ trợ 600 ngàn đồng cho 1.950 hộ nghèo khó khăn còn sức lao động, 1 triệu đồng mỗi hộ không còn sức lao động. Công nhân lao động khó khăn (theo đề nghị của Liên đoàn Lao động thành phố); người lao động Bãi rác Khánh Sơn: 500 ngàn đồng/người. Đối tượng nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở xã hội; phạm nhân đang bị giam giữ tại Trại tạm Giam Hoà Sơn: 200 ngàn đồng/người. Hộ thân nhân chủ yếu của liệt sĩ không có người hưởng trợ cấp và hộ thân nhân thứ yếu đang đảm nhiệm thờ cúng liệt sĩ: 300.000 – 1.500.000 đồng/người. Cán bộ lão thành cách mạng; gia đình các Thành ủy viên trở lên đã hy sinh, từ trần; các đồng chí tử tù; gia đình chính sách tiêu biểu: 1.500.000 đồng/người.
Gia đình chính sách đặc biệt khó khăn (ốm đau thường xuyên); mẹ VNAH đang hưởng trợ cấp; Thương binh, bệnh binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH suy giảm KNLĐ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp hàng tháng: 900.000 đồng/người. Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động đang hưởng trợ cấp: 700.000 đồng/người. Cán bộ " Tiền khởi nghĩa", chồng các mẹ VNAH: 600.000 đồng/người.
Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất mức 2.372.000 đồng trở lên (trừ chồng Bà mẹ VNAH); thân nhân của cán bộ LTCM, cán bộ Tiền khởi nghĩa đang hưởng tuất từ trần; đại diện thân nhân cán bộ LTCM, cán bộ Tiền khởi nghĩa đã hy sinh, từ trần: 500.000 đồng/người.
Người tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đang hưởng trợ cấp hàng tháng, Thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp 1.318.000 đ, Thương binh hạng 2,3,4 đang hưởng trợ cấp, quân nhân bị tai nạn lao đông (thương binh B), Bệnh binh 2/3 và bệnh binh 3/3 đang hưởng trợ cấp hàng tháng, Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng TC hàng tháng, Người tham gia KC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH đang hưởng trợ cấp hàng tháng (trừ Cán bộ đương chức), Cựu Thanh niên xung phong, Thăm CCB tham gia KC trước 1975 không có trợ cấp, lương hưu hàng tháng: 400.000 đồng/người.
Thành phố cũng vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ 23.000 hộ nghèo với mỗi suất 300-500 ngàn đồng.
Thành phố cũng hỗ trợ dịp Tết Đinh Dậu 2017 cho các hộ giải tỏa trên địa bàn mỗi hộ 800 ngàn đồng ; hỗ trợ 160 suất quà Tết (tương đương 160 triệu đồng) để cho các hộ thôn Vân Dương 1 và thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên bị ảnh hưởng môi trường tại khu vực Nhà máy Dana Ý và Nhà máy Dana Úc.
Dịp Tết Đinh Dậu 2017, Hội Chữ thập đỏ thành phố trao tặng tổng cộng 6.273 suất quà cho hộ nghèo trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng.
Năm 2016, công đoàn viên chức thành phố xét giải ngân cho 154 cán bộ, công chức, người lao động vay vốn với hơn 6,9 tỷ đồng, tặng 235 suất quà tết trị giá mỗi suất 500 ngàn cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn và đoàn viên xa quê.
Ngày 15/1/2017, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức chương trình “Tết sum vầy 2017” và phiên chợ tết công nhân – hoạt động mở đầu cho năm chủ đề “Vì lợi ích đoàn viên” tại thành phố Đà Nẵng. Tại chương trình "Tết sum vầy 2017", Liên đoàn lao động thành phố Đà Nẵng đã vận động tài trợ, trao trên 4000 suất quà trị giá gần 2 tỷ đồng cho công nhân viên chức lao động khó khăn. Đặc biệt, chương trình đã dành tặng 500 sim điện thoại gọi miễn phí cho CNLĐ không có điều kiện về quê ăn tết, hỗ trợ sửa chữa 27 "mái ấm công đoàn" cho đoàn viên khó khăn với kinh phí 600 triệu đồng, tổ chức nấu 25 ngàn bánh chưng cho CNLĐ, tổ chức 42 "Chuyến xe Công nhân" và tặng 4.500 vé tàu xe cho công nhân về quê ăn tết.
Các doanh nghiệp đã trao tặng gần 104.500 suất quà tết cho các đoàn viên, trao hơn 7.500 suất trợ cấp cho CNVCNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê ăn tết, CNLĐ tại các Tổ Công nhân tự quản khu nhà trợ và nhiều hoạt động xã hội, từ thiện với tổng kinh phí 26,2 tỷ đồng.
Ngày 16/1/2017, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng phối hợp với Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trao 30 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam, mỗi suất trị giá 300.000 đồng. Dịp này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn cũng hỗ trợ cho nạn nhân da cam 5 triệu đồng và Công ty TNHH 1 thành viên dịch vụ vận tải Hoàng Sơn Long hỗ trợ 20 triệu đồng để giúp nạn nhân chất độc da cam vui xuân đón Tết.
Thành phố cũng chi trợ cấp với mức 1.500.000 đồng/người dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 cho cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng lao động (kể cả sinh viên khá, giỏi) thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, hội đoàn thể khối thành phố (kể cả các đơn vị thuộc khối Đảng) thuộc diện được ngân sách đảm bảo toàn bộ. Đối với các đối tượng nêu trên thuộc diện ngân sách đảm bảo một phần, mức hỗ trợ Tết Nguyên đán sẽ là 1.200.000 đồng/người; và thuộc diện tự đảm bảo kinh phí toàn bộ, mức hỗ trợ sẽ là 500.000 đồng/người.
Về trợ cấp Tết cho các vận động viên đang được đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo vận động viên TDTT: vận động viên chuyên nghiệp 600.000 đồng/người, vận động viên bán chuyên nghiệp là 500.000 đồng/người.
Trợ cấp kinh phí cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng thuộc quận, huyện mức 1,2 triệu đồng/người, cấp phường, xã mức 1 triệu đồng/ người; và cấp thôn, tổ dân phố mức 600-800 ngàn đồng/người.
Hội thi Vẽ tranh thiếu nhi với chủ đề “Đà Nẵng-thành phố trong tim em” năm 2016, trong tổng số 495 bài dự thi khối tiểu học và THCS, Hội đồng Đội thành phố Đà Nẵng đã trao 10 giải Nhất cho các tác phẩm đoạt giải.
Hội đồng coi thi Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT 2017 được đặt tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, số 1 Vũ Văn Dũng, quận Sơn Trà. Đà Nẵng có 62 học sinh, bao gồm 28 học sinh lớp 12 và 34 học sinh lớp 11, tham dự Kỳ thi với 10 môn thi gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Tiếng Anh và Tiếng Pháp. Trong đó, 15 học sinh lớp 11 đã đạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT 2016 gồm 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba, 5 giải Khuyến khích, và hiện các em là học sinh lớp 12 tiếp tục tham dự Kỳ thi năm nay.
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong năm 2016 tổng số cas mắc sốt xuất huyết 5.020 cas sốt xuất huyết, gấp hơn 2 lần so với năm 2015, không có trường hợp tử vong; bệnh tay chân miệng có 1.801 cas, giảm 6,54% so với năm 2015, giảm 126 cas, không có trường hợp tử vong; bệnh thủy đậu là 1.327 cas, tăng 23,21% so với năm 2015, tăng 250 cas. Bệnh viêm não Nhật Bản phát hiện 1 cas.
Ngành đã chủ động phòng chống dịch bệnh trong mọi tình huống, ngăn chặn và khống chế kịp thời các dịch bệnh mới xuất hiện trên địa bàn thành phố như Ebola, Mers-CoV, Zika, không có tử vong do dịch bệnh. Công tác kiểm tra, đảm bảo ATVSTP được triển khai đồng bộ từ tuyến thành phố đến quận, huyện, xã, phường, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể hàng loạt nào trên địa bàn. Các chỉ tiêu thiên niên kỷ của Đà Nẵng đều đạt vượt xa so với toàn quốc như đảm bảo quy mô dân sô ổn định, mức giảm tỷ lệ sinh đạt 0,20‰; tỷ số giới tính khi sinh đạt tỷ lệ 106,2 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 99,57%.
Đà Nẵng cũng là một trong những tỉnh thành đứng đầu cả nước về tỷ lệ tham gia BHYT đạt 96,3%, và đạt tỷ lệ 65,11 giường bệnh/10.000 dân; 15,12 bác sỹ/10.000 dân. Áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào công tác chẩn đoán và điều trị, cụ thể như Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai thành công ca ghép tế bào gốc, điều trị chấn thương tuỷ sống đầu tiên; Bệnh viện Phụ sản – Nhi đã triển khai kỹ thuật “Thụ tinh trong ống nghiệm”, đến nay đã chào đón trẻ thứ 193 ra đời bằng phưong pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tỷ lệ thành công khá cao từ 40-45%.
Thành phố tổ chức việc truyền thông, tập huấn đa dạng thể loại, nội dung phù hợp với từng đối tượng liên quan việc triền khai, lưu ý các đối tượng tham gia chuỗi hoạt động cung ứng thực phẩm nhưng có hộ khẩu ngoài thành phố Đà Nẵng; Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, Tổ công tác thực hiện Quyết định 35 phải thường xuyên giao ban, rà soát đánh giá công việc hàng ngày; Tố chức đoàn giám sát, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Quyết định số 35 đối với các chợ: chợ Hòa Khánh, chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa và các chợ tại các quận huyện.
Tổ chức lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Hòa Cường và chợ đầu mối thúy sản Thọ Ọuang; Phân bố lại các điểm khai báo thông tin; Lập danh sách các tổ chức cá nhân tham gia chuỗi hoạt động thu mua tại Chợ để làm cơ sở theo dõi truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi phân phối về các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố; Xây dựng các quy định và tổ chức thực hiện văn minh thương mại nhằm đến tháng 6/2017 đạt Chợ văn minh; Triển khai việc lấy mẫu kiểm nghiệm trên các loại phương tiện vận chuyển nhập vào Chợ; Phối hợp đồng bộ với Bộ đội biên phòng trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các tàu thuyền ra vào khu vực Chợ.
Xây dựng quy định và tổ chức thực hiện việc dọn dẹp vệ sinh tại từng khu vực kinh doanh của các hộ kinh doanh, đảm bảo ngăn nắp sạch sẽ; Khẩn trương tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm các mặt hàng rau củ quả... nhằm sớm cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm (nếu có) kịp thời trong dịp trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Hội chợ xuân năm 2017 tại Cung thể thao Tiên Sơn với quy mô hơn 400 gian hàng thuộc các lĩnh vực, ngành hàng thời trang, may mặc, tiêu dùng, điện tử, thực phẩm, cây cảnh, thủ công mỹ nghệ...
Ngày 10/1/2017, Lãnh đạo Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ đã trao tặng ảnh gốc tấm bản đồ Partie de la Cochichine của Phillipe Vandermaelen cho UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Đây là bản đồ được trích ra từ phần Châu Á, trong đó bản đồ về Hoàng Sa là có giá trị nhất về địa lý, vị trí pháp lý. Bản đồ này do Hoàng đế Napoleon (Pháp) yêu cầu cho Viện trưởng viện địa lý hoàng gia Pháp làm.
Partie de la Cochinchine thuộc số rất ít bản đồ tính của những thập kỷ đầu thế kỷ XIX đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Tấm bản đồ Partie de la Cochinchine của Phillipe Vandermaelen xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học và đích thực của công cuộc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo, mà còn là một bằng chứng hùng hồn, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế rất cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của chúng ta.
Đến nay Viện Văn hóa và Giáo dục Việt nam tại Hoa Kỳ đã đóng góp tổng cộng 150 bản đồ (gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản), với tổng trị giá là 13.000 USD cho UBND huyện Hoàng Sa. Đây là những bản đồ được xuất bản ở Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong thời gian 1626-1980, trong đó có 80 bản đồ ghi nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; 50 bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ VN; 10 bản đồ hàng hải và 10 bản đồ tổng thể châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của VN.
Ngày 6/1/2017, Trung tâm Phục vụ Đối ngoại Đà Nẵng (SCEDFA) tổ chức buổi gặp mặt cuối năm với người lao động Việt Nam đang làm việc cho các văn phòng, tổ chức nước ngoài (TCNN) tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
SCEDFA hiện đang thực hiện công tác quản lý nhân sự đối với 1.069 người lao động Việt Nam làm việc cho 82 văn phòng, tổ chức nước ngoài và 02 cơ quan ngoại giao tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Theo đó, trong năm 2016, SCEDFA đã tuyển chọn, giới thiệu được 05 lượt người lao động vào làm việc cho các văn phòng, TCNN; phối hợp với cơ quan an ninh thực hiện công tác thẩm tra, xác minh lý lịch của 73 người lao động trước khi được chấp thuận quản lý tại SCEDFA; và giải quyết thủ tục thôi việc cho 122 lượt nhân viên Việt Nam làm việc tại 19 văn phòng, TCNN. Cũng trong năm 2016, SCEDFA đã phối hợp Bảo hiểm xã hội thành phố giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho 53 lượt lao động, đạt hơn 1.3 tỷ đồng; qua đó thu, nộp cho ngân sách nhà nước gần 23 tỷ đồng. Đồng thời, ký kết Quy chế phối hợp về việc thực hiện Nghị định số 75/2014/NĐ-CP của Chính phủ tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi và Bình Định nhằm hỗ trợ các văn phòng, TCNN tại các địa phương này trong việc tuyển chọn và sử dụng lao động Việt Nam.
UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn trong năm 2017, bao gồm các hoạt động định kỳ: biểu diễn âm nhạc đường phố vào tối thứ 7 của tuần thứ hai và tuần thứ tư mỗi tháng, từ tháng 2 đến tháng 10/2017 tại vỉa hè phía Đông đường Bạch Đằng – Khu vực gần Kho bạc Nhà nước thành phố do Trung tâm Tổ chức Sự kiện và Lễ hội Đà Nẵng thực hiện.
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả xem Rồng phun lửa, phun nước vào tối thứ 7 hằng tuần (gắn kết với việc tổ chức cho Rồng phun lửa, phun nước có hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng trên cầu Rồng), gồm các hoạt động biểu diễn ca múa nhạc, kịch, ảo thuật, trình diễn thời trang… biểu diễn thí điểm Nhạc hơi với các nhạc cụ hơi (kèn đồng) và trống do Trung tâm Văn hóa thành phố - Câu lạc bộ Kèn hơi Đà Nẵng thực hiện Chủ nhật hằng tuần.
Tại công viên phía Nam bờ Tây cầu Rồng – đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm vào tối Chủ nhật tuần thứ 2 và tối Chủ nhật tuần thứ 4 mỗi tháng với các chương trình nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa Chăm như hòa tấu, độc tấu nhạc cụ Chăm, múa truyền thống Chăm, múa dân gian Chăm và hát dân ca khu 5, hát Hò khoan đối đáp… Trong đó có kết hợp với dịch vụ chụp hình lưu niệm với trang phục Chăm, giới thiệu và bán các hàng lưu niệm mang nét văn hóa Chăm…
“Sân chơi cuối tuần" do Thành đoàn Đà Nẵng thực hiện với các trò chơi, các cuộc thi vận động, nghệ thuật đường phố như dân vũ, khiêu vũ đường phố, hiphop… vào lúc 19h30 đến 21h30 các tối Chủ nhật tuần thứ 1 và tuần thứ 3, từ tháng 3-9/2017 tại công viên đối diện khách sạn Novotel, đường Bạch Đằng (hoặc khu công viên chân cầu Sông Hàn, đường Trần Hưng Đạo).
Hô hát bài Chòi lời cổ và lời mới ca ngợi về thành phố Đà Nẵng vào 3 đêm trong tuần từ 17h đến 21h30 các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật tại Vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, phía Nam bờ Đông cầu Rồng; Vũ hội đường phố (diễu hành đi bộ, biểu diễn kèn hơn kết hợp nhảy, khiêu vũ) mỗi tháng tổ chức 1 lần vào tối thứ 7 tuần cuối tháng, từ tháng 1 đến tháng 9 trên đường Trần Hưng Đạo (ngã ba Trần Hưng Đạo – Lý Nam Đế đến ngã ba Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thông).
Các hoạt động nhân các sự kiện lớn bao gồm các hoạt động chào năm mới 2017, mừng Đảng đón Xuân: chương trình nghệ thuật đêm Giao thừa Mừng Đảng đón Xuân 2017 do Nhà hát Trưng Vương thực hiện vào đêm giao thừa Tết Đinh Dậu tại công viên phía Bắc, bờ Đông cầu sông Hàn. Chương trình nghệ thuật tổng hợp “Mừng Đảng mừng Xuân 2017” vào ngày 14/1/2017 tại Công viên bờ Tây cầu Rồng, đường Bạch Đằng.
Ngày 28/12/2016, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ với tổng mức tiền thưởng gần 118 triệu đồng. Trong đó, 3 tác giả của 3 sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp văn bằng bảo hộ gồm: “Van nạp nhiên liệu khí và bộ chuyển đổi nhiên liệu xăng/nhiên liệu khí có van nạp này” của tác giả Bùi Văn Ga; “Hệ thống thu năng lượng bằng cánh buồm cứng” của tác giả Nguyễn Công Khanh; “Hợp chất dioxolan và phương pháp tách chiết hợp chất này từ cây đơn kim” của tác giả Phạm Văn Vượng. Đồng thời, khen thưởng các tác giả, đồng tác giả của 26 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Với chủ đề “Điểm đến của đoàn viên công đoàn và người lao động”, Phiên chợ tết công nhân 2017 được tổ chức từ ngày 13 đến 15/1/2017 tại Trung tâm văn hóa thể thao công nhân thành phố sẽ có nhiều hoạt động khám chữa bệnh, tư vấn pháp luật miễn phí cho công nhân, người lao động; giao lưu văn hóa, thể thao, cắt tóc, học trang điểm, học nấu ăn, cắm hoa, khiêu vũ, thi trang trí thiệp xuân. Đồng thời, tạo điều kiện cho người lao động mua sắm hàng hoá đạt chất lượng, có giá ưu đãi từ các doanh nghiệp.
Hội chợ Hàng Việt Đà Nẵng tháng 1/ 2017 thu hút gần 200 doanh nghiệp với đăng ký 400 gian hàng tham gia hội chợ; trong đó có 120 doanh nghiệp hoạt động tại thành phố Đà Nẵng, 80 doanh nghiệp ở 8 tỉnh, thành phố khác. Các mặt hàng trưng bày và giới thiệu các loại hàng hóa chủ yếu như hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, giày da, thực phẩm, sản phẩm dịch vụ du lịch, văn phòng…được phân thành hai khu vực: khu gian hàng Việt do Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng và khu thương mại tổng hợp Hà Minh Trí.
Đến nay, các đơn vị trên địa bàn thành phố đã hoàn thành việc dự trữ hàng hóa cơ bản để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Tổng giá trị hàng hóa thiết yếu dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán 2017 trên địa bàn thành phố đạt 303,6 tỷ đồng. Trong đó, 12 đơn vị (siêu thị, công ty lương thực, hợp tác xã), dự trữ 153,6 tỷ đồng và thương nhân kinh doanh tại 8 chợ lớn trên địa bàn các quận, huyện dự trữ 150 tỷ đồng.
Đồng thời để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, thành phố cũng đã có kế hoạch tổ chức các Hội chợ. Cụ thể, Hội chợ hàng Việt – Đà Nẵng 2016 từ ngày 9 đến 14/12/2016 tại Trung tâm Triển lãm thành phố với quy mô 350 gian hàng; Hội chợ “Tự hào hàng Việt Nam, Đà Nẵng 2016” tổ chức từ ngày 23 đến 28-12 tại Công viên 29-3 với quy mô 100 gian hàng; Hội chợ Xuân 2017 có quy mô dự kiến trên 400 gian hàng.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các xã miền núi mua sắm hàng hóa trong dịp Tết, thành phố Đà Nẵng tổ chức đưa các mặt hàng thiết yếu về bán tại trung tâm 2 xã miền núi Hòa Phú và Hòa Ninh (Hòa Vang). Trung tâm xúc tiến Thương mại tổ chức 2 phiên chợ Tết phục vụ công nhân tại Khu Công nghiệp Hòa Cầm và KCN An Đồn từ ngày 7 đến ngày 20/1/2017 nhằm giúp các công nhân tại các khu công nghiệp có điều kiện tiếp cận mua sắm hàng hóa tiêu dùng dịp Tết.
* Tình hình cháy nổ: Tháng 1/2017 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 7 vụ cháy. Trong đó có 4 vụ cháy nhà dân, và 3 vụ cháy khác. Tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 99,86 triệu đồng, không có thiệt hại về người.
* Tai nạn giao thông:
Tháng 1/2017: Tai nạn giao thông đường bộ: xảy ra 5 vụ, làm chết 2 người, bị thương 7 người. So với tháng 12/2016, giảm 4 vụ (5/9), giảm 6 người chết (2/8), tăng 4 người bị thương (7/3). So với cùng kỳ năm 2016, giảm 7 vụ (5/12), giảm 7 người chết (2/9), giảm 2 người bị thương (7/9).
Tai nạn giao thông Đường sắt, đường thủy: Không xảy ra.
Năm 2017, Công an thành phố tiếp tục tham mưu, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chỉ thị của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác đảm bảo an ninh trật tự, triển khai Đề án thực hiện chương trình "thành phố 4 An", hoàn thiện Đề án "Lắp dặt hệ thống camera giám sát phục vụ công tác đâm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên toàn thành phố.
* Công tác kiểm tra, xử lý tệ nạn mại dâm:
Phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành 178 thành phố và các quận, huyện tổ chức kiểm tra, thâm nhập các tuyến đường, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện hoạt động mại dâm. Trong tháng 1/2017, Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp hậu kiểm 20 cơ sở đề nghị ngưng hoạt động năm 2016; kiểm tra 02 cỏ sở massage, quan kiểm tra nhắc nhở 02 cơ sở.
* Lĩnh vực cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện:
Trong tháng 1/2017, Trung tâm 05-06 tiếp nhận 72 học viên vào cai nghiện, giải quyết cho về cộng đồng đúng thời hạn 86 học viên, chấp hành hành phạt tù 3 học viên và đình chỉ chữa bệnh 1 học viên và 2 học viên về để tang không trở lại Trung tâm. Hiện, Trung tâm đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho 489 học viên và 52 người không có nơi cư trú ổn định đang chờ Quyết định của Tòa án; toàn thành phố có 22 người đang cai nghiện tại gia đình-cộng đồng và 542 người trong diện quản lý sau cai.
Năm 2016, công an các đơn vị, địa phương nỗ lực tấn công trấn áp các loại tội phạm, tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự đạt tỷ lệ 81,5%, bắt xử lý 702 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá trên 10 tỷ đồng. Các vụ án nghiêm trọng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, không để tồn đọng kéo dài, tỷ lệ khám phá đạt 97,56%, nhanh chóng bắt giữ được thủ phạm các vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận; khởi tố 145 vụ/196 đối tượng có hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 5,03 kg ma túy các loại; phát hiện, xử lý 2.429 người nghiện ma túy…
Thành phố mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp và truy nã tội phạm và đấu tranh với các loại tội phạm, tập trung triệt phá các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, thực hiện nghiêm các quy định về tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; tổ chức tốt việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, tạo điều kiện cho người được đặc xá, tha tù, người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng tái hòa nhập cộng đồng.
Hai mươi năm trở thành thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã nổi lên như là một “hiện tượng” về phát triển đô thị. Từ một đô thị nhỏ bé, không gian đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, tương ứng với diện tích khoảng 5.600 ha. Đến nay, ranh giới đô thị đã lên tới khoảng gần 20.000 ha, gấp hơn 3 lần ranh giới cũ trong vòng 15 năm. Hơn 100.000 hộ dân di dời giải toả để tạo nên những khu dân cư mới với hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế- xã hội- văn hoá, từ đó chất lượng sống của người dân cũng được nâng lên đáng kể.
Cùng với mục tiêu thành phố an bình, “điểm đến đáng sống” trong khu vực, nền kinh tế thành phố phải phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh được nâng cao, không những không tác động xấu đến môi trường mà còn góp phần cải thiện môi trường. Chất thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh phải được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò chủ đạo trong các ngành dịch vụ, đồng thời là trụ cột của một thành phố trung tâm du lịch có thương hiệu quốc tế. Ngành thương mại, logistics, tài chính ngân hàng, giáo dục đào tạo, y tế có khả năng cạnh tranh và kết nối hiệu quả với các trung tâm dịch vụ quốc tế hàng đầu.
Quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững là ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị. Gìn giữ sự đa dạng sinh học, thiết kế hài hoà với các nguyên tắc của tự nhiên, bảo đảm tính gắn kết giữa các nhân tố cảnh quan, phát triển đô thị ở mức phù hợp với “ngưỡng” của môi trường, tăng cường kết nối không gian cảnh quan bằng các giải pháp giao thong “xanh” , duy trì hành lang xanh, mảng xanh và hồ điều hoà trong đô thị và lựa chọn cơ cấu phát triển, ưu tiên các mô hình kinh tế xanh./.